PV: Chúng ta đều biết, V-League 2015 sẽ giảm số lượng ngoại binh và cầu thủ nhập tịch. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt ở mùa giải mới không, thưa ông?
- Ông Phan Anh Tú: Tôi nghĩ sẽ có nhiều đổi thay khi mà số lượng cầu thủ ngoại và nhập tịch đã giảm. Cụ thể, từ đây có thể xuất hiện khái niệm “phối kết hợp” của các nhà cầm quân khi mà đội bóng đã có nhiều cầu thủ trẻ, cầu thủ có kinh nghiệm, cộng với các ngoại binh trong đội hình… Nói khác cách, tư duy chiến thuật sẽ được đẩy lên trình độ cao hơn.
Vậy tư duy chiến thuật mới và khái niệm mà ông gọi là “phối kết hợp” sẽ tác động như thế nào tới ngôi vô địch V-League 2015?
- Tôi không cho rằng những yếu tố trên sẽ tác động đến cuộc đua vô địch, thay vào đó, chúng sẽ làm cho bức tranh V-League thêm nhiều màu sắc. Nếu phân tích kỹ, ta thấy
V - League đã bắt đấu có sự phân loại và chuyển hướng, tôi cảm nhận được sự tách tốp giữa các đội bóng đang diễn ra rất rõ. Chúng ta đã thấy có những đội hơn hẳn các đối thủ khác, hãy tạm gọi đó là “Big Four” của V-League với 4 cái tên B.BD, HN.T&T, SHB.ĐN và SLNA.
Ngoài “Big Four” nói trên, chúng ta cũng đang chứng kiến sự trỗi dậy của những QNK.QN, Than QN hay XSKT.CT. Theo ông, cơ hội nào dành cho những đội này?
- V-League đang có hai xu hướng làm bóng đá: một là đầu tư tài chính, hai là dựa vào tính truyền thống! Nhưng vẫn có tách biệt rõ ràng về đẳng cấp. Những đội bóng được đầu tư mạnh mẽ mùa này sẽ tạo ra những sắc thái mới cho giải đấu. Tuy nhiên, một giải đấu dài hơi như V-League lại là cuộc chơi mà ưu thế thuộc về các đội bóng có tư thế, phong cách của nhà vô địch. Cụ thể, những ứng cử viên có thể chơi tàng tàng nhưng lại rất biết cách tăng tốc và có những cú nước rút đầy kinh nghiệm và ổn định, chứ không phải chơi vài trận như “lên đồng” nhưng lại xìu ở giai đoạn cuối. Tôi lấy ví dụ, Thanh Hóa ở mùa bóng năm ngoái đã khởi đầu thật ấn tượng nhưng về cuối, họ lại càng tỏ ra đuối.
Vậy theo góc nhìn của ông, nhà vô địch V-League 2015 được nhận diện bằng cách nào?
- Chắc chắn, giữa các đội bóng sẽ có những ưu-khuyết điểm khác nhau. Dựa trên những điều này, có lẽ rất nhiều người sẽ đưa ra nhận định ai là ứng viên nặng ký cho chức vô địch. Tôi vẫn đặt niềm tin rất lớn cho B.BD, vì lực lượng cầu thủ của họ có chất lượng và chiều sâu, cộng thêm một nhà cầm quân đầy kinh nghiệm. Vấn đề duy nhất của họ là phải nhất thống được tư tưởng, quan điểm giữa lãnh đạo đội bóng và BHL. HN.T&T cũng đã trẻ hóa đáng kể. Lực lượng không dày như B.BD nhưng đội bóng Thủ đô lại có tính tập thể và thống nhất cao độ vì các cầu thủ trẻ được đào tạo một “phông văn hóa” giống nhau.
Tuy nhiên, sức trẻ cũng chính là điểm hạn chế của chính họ! SHB.ĐN có truyền thống và có nhiều cầu thủ tham gia các ĐTQG nhưng tôi cho rằng họ khó bằng B.BD và HN.T&T. Cuối cùng là SLNA, đây là đội bóng giàu truyền thống, là nơi xuất xưởng nhiều cầu thủ giỏi, là một đội bóng trẻ nhưng rất khát khao thể hiện mình. SLNA có điểm tựa rất tốt, đó là sân Vinh. Tuy nhiên, khi họ đi sân khách thì lại là một câu chuyện khác.
V-League ngày càng chuyên nghiệp
“Các CLB V-Legue ngày càng chuyên nghiệp với việc xây dựng và huấn luyện rất bài bản theo mô hình của các nền bóng đá phát triển. Tôi tin là năm 2015, V-League sẽ có rất nhiều điều hay, đáng để chúng ta chờ đợi”, chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú nhận định.