HỌ KHÔNG PHẢI LÀ... TÂY
Lee Nguyễn, Hồng Quân hay bất cứ cầu thủ Việt kiều nào khác về nước tìm cơ hội chơi bóng đều nhận được kỳ vọng rất lớn của NHM. Bởi, trong suy nghĩ của mọi người, cầu thủ Việt kiều được đào tạo ở các nền bóng đá tiên tiến sẽ giúp V-League có thêm màu sắc và quan trọng hơn là có thể “tăng lực” đáng kể cho ĐTQG.
Nhận kỳ vọng nhưng không phải ai cũng đáp ứng hết những gì mà hàng triệu CĐV chờ đợi. Thế là, kỳ vọng của NHM trở thành áp lực khiến cho người nhận nó phải gồng mình hết mức để không bị... chê.
Sự kỳ vọng của dư luận được chuyển hoá thành sự lạc quan thái quá của một số CLB khi muốn chiêu mộ cầu thủ Việt kiều. Theo họ, cầu thủ học đá bóng bên Tây, lại là người Việt thì khác gì ngoại binh nhập tịch. Và thế là khi chạy đua giành một cầu thủ Việt kiều, các CLB tỏ ra hào phóng hết mức để có được người mình theo đuổi.
Nhưng phần lớn sau đó có cảm giác bị “hớ” khi nhìn vào thực tế sân cỏ. Cầu thủ Việt kiều dù trình độ cỡ Lee Nguyễn (từng đá cho ĐTQG Mỹ), hay triển vọng như Mạc Hồng Quân (từng khoác áo U16 CH Czech)… đều không tránh khỏi tình trạng này. Bởi, số tiền CLB bỏ ra chiêu mộ họ cao ngang ngửa các ngoại binh chất lượng tại V-League nhưng khi tính toán theo kiểu “cơ học”, chẳng cầu thủ Việt kiều nào chạy nhanh, khỏe và dai sức như các đồng nghiệp gốc Phi, cũng khó khéo léo để múa với trái bóng như các cầu thủ Nam Mỹ.
Điều này dễ được nhận thấy trong trường hợp của Mạc Hồng Quân tại Thanh Hóa. Dù là trụ cột, thi đấu không nghỉ phút nào cho Thanh Hóa từ giai đoạn 2 mùa giải 2013 nhưng khi CLB đón thêm hai ngoại binh nhập tịch và “lấp” nốt 1/3 suất ngoại binh còn thiếu thì mọi thứ thay đổi. Mạc Hồng Quân thất bại trong cuộc đua vị trí trên hàng công trước Sunday và Văn Tân là tất yếu, bởi tại V-League, các CLB đều “khoái” sử dụng tiền đạo to khỏe, càn lướt đến từ châu Phi.
Chia sẻ về việc Thanh Hóa cho phép Hồng Quân tìm kiếm CLB mới, HLV Mai Đức Chung thừa nhận: “Với cách chơi hiện tại của Thanh Hóa, Sunday và Văn Tân tỏ ra thích hợp hơn Hồng Quân ở vị trí tiền đạo cắm. Vì thế, Quân nên tìm kiếm một CLB có lối chơi phù hợp hơn với cậu ấy!”.
Mạc Hồng Quân - Ảnh: Đức Cường
LEE NGUYỄN HỨA VỀ, HỒNG QUÂN KHÔNG BỎ CUỘC
Chưa gương mặt Việt kiều nào thực sự bay cao tại V-League nhưng không thể vì thế mà dễ dàng cho rằng, nguồn cầu thủ là người Việt ở nước ngoài không đủ chất lượng để V-League sử dụng. Trường hợp của Lee Nguyễn là một ví dụ. Cầu thủ có quốc tịch Mỹ này từng cay đắng rời V-League trong tư thế của một “sao xịt”, nhưng chỉ nửa năm sau, cả Việt Nam lại phát sốt với những siêu phẩm của anh tại giải Nhà nghề Mỹ (MLS).
Nhưng chưa dừng lại ở đó, Lee Nguyễn mới đây còn tự hào tiết lộ với phóng viên báo Bóng đá rằng anh được HLV trưởng ĐTQG Mỹ - Juergen Klinsmann gọi điện trực tiếp yêu cầu chuẩn bị tinh thần, thể lực để… dự cuộc đua nước rút vào danh sách 23 cầu thủ Mỹ tham dự VCK World Cup 2014 sắp tới. Nếu Lee Nguyễn thành công, anh sẽ trở thành cầu thủ người Việt đầu tiên được tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Đến giờ, dù đã vài năm trôi qua kể từ ngày “bỏ đi như kẻ bại trận”, Lee Nguyễn vẫn nung nấu quyết tâm: “Một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại V-League và cho tất cả thấy mình không phải là người thua cuộc”.
Điểm chung giữa các tình huống của Lee Nguyễn ngày trước và Mạc Hồng Quân lúc này chính là họ không nhận được sự ủng hộ cần thiết từ CLB, giới truyền thông và ngay cả các CĐV để có thể đối mặt với những thử thách, lấy lại cân bằng sau những trận đấu không tốt để hoàn thiện và tỏa sáng. Lee Nguyễn đã từng phải “rút lui” để làm lại từ đầu, và nay điều tương tự có xảy ra với Mạc Hồng Quân?
Trước các câu hỏi về tương lai, Mạc Hồng Quân từ chối trả lời cụ thể và cho biết: “Tôi chỉ biết là ngày nào còn đang là cầu thủ của Thanh Hóa thì tôi còn phải làm nhiệm vụ thật tốt. Tương lai thì hãy để sau, tôi chỉ muốn nói là dù ở đâu, thì tôi cũng quyết chứng tỏ khả năng của mình!”.
Nhiều CLB V-League muốn mời Lee Nguyễn
Trước mùa giải 2014, một số CLB V-League đã đánh tiếng mời Lee Nguyễn trở lại Việt Nam chơi bóng. Dù có mục tiêu trở lại để khẳng định mình nhưng Lee Nguyễn cho rằng thời điểm này vẫn chưa thích hợp. Vì thế, cầu thủ đang chơi tại MLS đã từ chối các đề nghị mà anh nhận được khiến không ít CLB tiu nghỉu.
Cầu thủ Thanh Hóa “choáng” vì tin Hồng Quân sắp rời xứ Thanh
Nhiều cầu thủ Thanh Hóa nói họ biết thông tin CLB cho Hồng Quân được tìm bến đỗ mới là do… đọc báo. Vì thế, tất cả đều cảm thấy bất ngờ nên sau buổi tập chiều qua (20/3), đội trưởng Nastja Ceh và trung vệ Van Bakel đã thay mặt đồng đội gặp BHL để tìm hiểu sự việc.
Michel Lê rời FC Metz, khoác áo Cherbourg
Hồi năm ngoái, trung vệ sinh năm 1993 này đã có thời gian ngắn tập luyện tại đội U23 Việt Nam nhưng bất ngờ trở lại Pháp theo lệnh của CLB chủ quản FC Metz nhằm chuẩn bị cho mùa giải mới tại châu Âu.
Sau nửa đầu mùa giải 2013/14 được đôn lên đội 1 tham dự giải hạng 3 nhưng chỉ ra sân 5 trận, Michel Lê đã chuyển sang khoác áo CLB Cherbourg. Hết mùa giải 2013/14, anh sẽ trở lại khoác áo FC Metz.
Patrick Lê Giang tỏa sáng tại U21 Slovakia
Thủ môn số 1 của U21 Slovakia hiện nay là Patrick Lê Giang - một cầu thủ Việt kiều. Anh từng về nước thử sức hồi năm 2007 nhưng không thành công và sau đó, đã trở lại tập luyện tại đội trẻ MSK Zilina. Lên đội 1 cách đây 3 năm, Patrick đã tiến bộ vượt bậc và đang là thủ môn triển vọng của Slovakia.
Anh bắt chính 5/6 trận của U21 Slovakia tại vòng loại EURO U21 vừa qua. Hôm 5/3, Patrick tiếp tục là thủ môn chính của U23 Slovakia ở trận hoà 4-4 với U23 Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tương lai, Patrick hoàn toàn có thể góp mặt tại các giải EURO và World Cup cùng Slovakia.
Nhiều thủ môn gốc Việt tại châu Âu
Với thể hình nhỏ đặc trưng của người ĐNÁ, các cầu thủ gốc Việt tại châu Âu thường khó được chọn vào các vị trí cần có chiều cao tốt như là thủ môn, trung vệ. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp cá biệt như Patrick Lê Giang (Slovakia). Tại CH Czech, thủ môn của đội Sparta Prague B hiện là Filip Nguyễn. Ngoài ra, còn có thủ môn 2 dòng máu Việt - Nga là Văn Lâm (ảnh) từng được đạo tạo ở Sparta Moscow trước khi về nước gia nhập đội trẻ HA.GL.