Bóng Đá Plus trên MXH

Câu chuyện bóng đá: Ước mơ của những chàng lính đảo
18:38 ngày 17/04/2018
“Khoẻ để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, câu khẩu hiệu thường xuất hiện tại các trung tâm thể thao cả nước, nhưng ở Trường Sa điều ấy được áp dụng thiết thực nhất. Thể thao là một phần tất yếu của lính đảo và bóng đá là niềm đam mê của những chàng trai tuổi đôi mươi.

    Những sân bóng ở Trường Sa

    Chuyến hải trình đến Trường Sa, chúng tôi ghé đảo Song Tử Tây đầu tiên và cái sân bóng đá chính là “điểm nhấn” với tôi ở hòn đảo này. Nói điểm nhấn, bởi ở đảo nổi với diện tích không quá bề thế, nhưng có hẳn sân bóng 11 người cùng 2 sân bóng chuyền, đủ hiểu phong trào thể thao của quân và dân ở đây ra sao. 

    Thượng uý Vũ Đức Hoan, quê Ninh Bình vừa ra công tác tại Song Tử Tây được hơn 3 tháng đã chia sẻ: “Ở đây, ngoài giờ tập luyện trên thao trường và tăng gia sản xuất tại các vườn rau, thời gian rảnh anh em chúng tôi rủ nhau ra quần thảo trên các sân bóng, vừa giải trí và cũng là cách rèn thể lực”.

    Sân bóng 11 người trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Tuấn Thành

    Tuy nhiên, không phải đảo nào cũng có sân banh “hoành tráng”. Nhiều đảo do diện tích nhỏ, nên đôi lúc sân bóng chuyền hoặc những khoảng đất trống đều được “trưng dụng” thành sân bóng đá mini 5 người. Thậm chí đảo Sinh Tồn có một sân bóng trên cát không theo bất cứ tiêu chuẩn nào khi mỗi đội đá đến… 8 người, bởi “mình thích thì mình chơi thôi”, như các chiến sĩ trẻ ở đây tếu táo.

    Ngoài các đảo nổi có sân bóng chuyền, bóng đá hoặc những dàn xà ngang và tạ ngoài trời, nhưng đảo chìm cũng được trang bị dàn tạ, xe đạp thể lực, bóng bàn… để sĩ quan và chiến sĩ nơi đây rèn sức khoẻ.

    Dàn tập thể lực ngoài trời vừa lắp đặt ở đảo Trường Sa. Ảnh: Tuấn Thành

    Hiện nay, hầu hết các đảo ở Trường Sa đều có lắp truyền hình vệ tinh để xem tin tức và bóng đá. Đấy có lẽ là món ăn tinh thần quí giá nhất với các chiến sĩ ở đây, vì ngoài biển, ngoài nắng gió và những buổi tập mướt mồ hôi trên thao trường thì chỉ có chiếc tivi để xem tin tức, do ở đảo không có 3G để lướt web như đất liền. Tuy nhiên, các chiến sĩ chỉ được xem tivi đến 22 giờ là phải lên giường ngủ, sĩ quan thoải mái hơn, nhưng nhiều hôm cũng không dám mở xem vì phải tiết kiệm điện.

    Mơ một lần đến sân xem bóng đá

    Những ngày chúng tôi đi trên biển, do không có sóng điện thoại và internet nên thông tin các trận đấu, đặc biệt là 3 trận đấu bù của V.League đều do các anh lính đảo cung cấp.

    Hôm ghé đảo Sinh Tồn, biết tôi là phóng viên báo Bóng Đá, anh sĩ quan trên đảo đã cho biết: “Hôm qua tớ vừa xem trận Hà Nội – HAGL. CLB Hà Nội đá hay lắm, thắng đến 5-0. Tuy nhiên, HAGL mất một người vì Tăng Tiến bị thẻ đỏ do vào bóng nguy hiểm với Duy Mạnh bên phía Hà Nội”...

    Trước đó, gặp các anh lính trẻ người Sài Gòn trên đảo Sơn Ca, biết tôi là đồng hương họ vui lắm, hỏi thăm tíu tít. Sau đó câu chuyện lại quay về với bóng đá. Họ bảo, vừa rồi anh em ở quần đảo Trường Sa đều được xem trực tiếp các trận đấu của đội U23 Việt Nam ở vòng chung kết châu Á 2018 và rất vui với thành tích ấn tượng của đội nhà.

    Tác giả và các đồng hương TP.HCM trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Vũ Trung Thành

    Bất chợt Nguyễn Nam Công Tước – cậu binh nhất nhà ở khu Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM) thổ lộ: “Bọn em mơ ước được chiếc áo có chữ ký của HLV Park Hang Seo và Duy Mạnh, Quang Hải, Xuân Trường, Văn Thanh… có lẽ đấy sẽ là một kỷ niệm vô giá”.

    Mơ ước của Công Tước và rất nhiều người lính trên các đảo Trường Sa làm tôi ray rứt mãi. Thực tế tôi đã lên kế hoạch cho việc này, nhưng do lịch đi công tác gấp quá nên chưa kịp chuẩn bị, đến giờ vẫn còn tiếc!

    Liên quan đến thầy trò HLV Park Hang Seo, lại nhớ hôm ghé thăm đảo chìm Cô Lin, đại uý Trần Văn Thức đã hào hứng kể cho tôi nghe hôm đội U23 Việt Nam giành vé vào chung kết, cả cái đảo nhỏ này vui như mở hội. Từ sĩ quan đến chiến sĩ đều ôm lấy nhau hò reo vang vọng trên biển, sau đó mở tiệc ăn mừng bằng một bữa… thịt cầy.

    Đại uý Trần Văn Thức (áo trắng bìa phải) rất thích cầu thủ Quang Hải. Ảnh: Tuấn Thành

    Biết tôi quen với cầu thủ trẻ Quang Hải, anh Thức gửi gắm: “Bạn nhắn giúp Quang Hải cho mình gửi lời thăm. Cậu ấy đá tốt lắm, tương lai sẽ là trụ cột của bóng đá nước nhà. Nhắn với các tuyển thủ bóng đá Việt Nam rằng, chúng tôi luôn chắc tay súng bảo vệ biển đảo và bình yên của tổ quốc, còn các bạn ấy hãy luôn cố gắng để làm rạng danh nước Việt của bọn mình!”.

    Hôm ngồi ở sân Thống Nhất làm trận Sài Gòn FC – HAGL, bất giác tôi lại nhớ đến lời tâm sự của các chiến sĩ trên đảo Phan Vinh: “Ở đây nhiều lúc nhớ đất liền, anh em chúng tôi lại mơ được một lần đến sân xem các trận đấu của V.League và đội tuyển mình thi đấu. Chỉ như thế thôi đã là vui lắm…” mà thấy lòng rưng rưng với bao cảm xúc.

    Tôi nhớ Trường Sa!

    Sân bóng còn là nơi… chăn bò
    Cỏ tươi trên các đảo Trường Sa khá hiếm hoi, nên sân bóng đá ở đảo Song Tử Tây cũng là bãi “lương thực” rất hấp dẫn của các chú bò được nuôi tại đây. Tranh thủ lúc sân bóng không hoạt động, các chú bò đã ra sân nhấm nháp cỏ trên mặt sân, nhằm có thêm… chất tươi bồi bổ cơ thể.
    Đỗ Tuấn • 18:38 ngày 17/04/2018

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay