Hãy trả lời câu hỏi sau mà không cần đến sự trợ giúp của Google: ai đã đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất và HLV xuất sắc nhất thế giới năm 2013 của môn bóng đá nữ?
Tất nhiên là sẽ nhiều người bí. Chúng ta không thường xuyên được xem bóng đá nữ quốc tế ngoại trừ những mùa World Cup, cho dù rất nhiều trận đấu có chất lượng rất cao – nếu ai đã xem trận chung kết World Cup 2011 khi Nhật Bản vượt qua Mỹ trên chấm phạt đền và đăng quang, thì hẳn vẫn nhớ sự xúc động khi ấy. Một trận đấu tuyệt hay.
Nhưng bởi vì thường ngày, sau những vinh quang của đội tuyển nữ quốc gia, rất nhiều người trong số chúng ta kêu gọi hãy quan tâm hơn, đầu tư hơn cho bóng đá nữ, nên có lẽ cần tìm hiểu một chút về những đỉnh cao của bóng đá nữ thế giới. Đó cũng là biểu hiện của sự quan tâm.
Câu trả lời cho câu hỏi đầu bài: đội trưởng đội tuyển Đức Nadine Angerer và HLV trưởng của Đức, bà Silvia Neid đã được vinh danh trong đêm Gala FIFA 2013.
Nadine Angerer
Bóng đá nữ Đức ở đỉnh cao thế giới là chuyện nhiều người biết – đất nước này nổi tiếng về tính cách kỷ luật và có rất nhiều thứ ở đỉnh cao. Nhưng không phải ai cũng biết rằng bóng đá nữ đã từng có một thời khốn đốn trên quốc gia thịnh vượng ấy.
Đó là quãng thời gian từ năm 1955 đến 1970 – bóng đá nữ bị... cấm trên đất Đức. Liên đoàn bóng đá không cho phép các CLB nữ, cầu thủ nữ gia nhập tổ chức. Lý do được đưa ra là phụ nữ quá yếu đuối và họ chơi bóng đá thì chỉ tổ làm mình bị thương.
Nếu có nền bóng đá nào kỳ thị giới tính nhất trên thế giới, không tính các quốc gia theo đạo Hồi, thì đó có thể là nước Đức trước năm 1970. Hẳn ít người tưởng tượng ra sự kỳ thị ấy tồn tại ở một quốc gia phương Tây, vào năm 1970 đã tương đối phát triển.
Người Đức, hay cụ thể hơn là phụ nữ Đức đã đấu tranh trong suốt mười mấy năm đó, để tới tháng 10/1970, DFB mới thừa nhận môn bóng đá nữ. Nhưng sự kỳ thị giới chưa vì thế mà chấm dứt: các cầu thủ nữ chỉ được chơi vào mùa nắng ấm trong năm, và mỗi trận đấu chỉ được kéo dài 70 phút. Cuộc đấu tranh nhọc nhằn lại tiếp tục nhiều năm sau đó.
Thủ lĩnh của phong trào đấu tranh cho nữ quyền trong bóng đá Đức trong thập kỷ 70, bà Hannelore Ratzeburg bây giờ là PCT LĐBĐ Đức (hẳn bạn không biết LĐBĐ Đức có một PCT là nữ, điều rất hiếm trên thế giới). Nước Đức bây giờ có hơn 1 triệu cầu thủ nữ được đăng ký ở các hạng đấu, và ở nhiều mặt, họ đã tiến xa hơn bóng đá nam.
Thomas Hitzlsperger
Ví dụ? Như việc trở thành hình mẫu cho chống phân biệt giới tính. Nếu như Thomas Hitzlsperger phải chờ đến khi giải nghệ mới thừa nhận mình là gay, và điều đó đã gây xôn xao nước Đức, thì từ năm 2010, Nadine Angerer, “Oliver Kahn” của bóng đá nữ Đức và là người mới bước lên nhận danh hiệu cao quý nhất của FIFA vài ngày trước, đã nói: “Tôi có thể yêu được cả đàn ông và phụ nữ”.
Nếu xét đến việc từ năm 1933, nước ta đã có đội bóng nữ đầu tiên ở Nam Kỳ và (nghe kể lại) thời đó bà con đón nhận đội bóng này rất nồng hậu, có trận cháy vé, thì nghĩ vui, chẳng biết so với ta và Đức ai có xuất phát điểm thấp hơn.
Nhưng rõ ràng là bất cứ thứ gì trong đời sống cũng vậy, chỉ đến sau những nỗ lực vận động không biết mệt mỏi, chứ không thể là những lời nói bâng quơ rồi... để đó.