THÀNH LẬP… TỔ TƯ VẤN TẠI CHỖ
Trước đây, rất nhiều ông bầu mua cầu thủ chỉ quan tâm đến chuyên môn, sự nổi tiếng chứ không đặt nặng vấn đề tính cách, đời sống sinh hoạt của họ. Hệ quả là nhiều CLB bị “loạn”, thành tích đi xuống khi người mới về liên tục sinh hoạt bừa bãi, gây mất đoàn kết nội bộ, thậm chí có đội phải đứng ra dàn xếp, can ngăn khi chủ nợ vào đòi tiền cầu thủ. Chuẩn bị cho mùa 2014, lãnh đạo của các đội Thanh Hóa, B.BD đã có kế hoạch táo bạo đó là mời một số người thân thiết am hiểu đời sống bóng đá và biết rõ về các cầu thủ ngồi lại để cùng bàn bạc nên mua người nào.
Và tiêu chí hàng đầu để khi xem xét mua cầu thủ là người đó phải sống lành mạnh. Sau khi thành lập “tổ tư vấn tại chỗ”, lãnh đạo của 2 đội bóng nói trên đã nắm bắt được rất nhiều thông tin về đời sống từ những mục tiêu mà mình định đưa về, sau đó sẽ cân nhắc chọn ai.
Với cách làm đó, B.BD đã lần lượt có được những cầu thủ vốn “lành tính” như Tiến Thành, Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Văn Bình… Còn Thanh Hóa có thể xoa tay mỉm cười khi “tậu” được Viết Nam, Ngọc Tân, Antonio… “Sau nhiều năm làm bóng đá, chúng tôi rút ra kinh nghiệm rằng, dù cầu thủ có chuyên môn giỏi cỡ nào nhưng sinh hoạt kém thì B.BD sẽ không mua. Còn người nào lành tính, không sa đà vào các tệ nạn xã hội thì luôn được ưu tiên hàng đầu”, ông Nguyễn Minh Sơn - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần bóng đá B.BD - cho biết.
NGÔI SAO CŨNG PHẢI XẾP HÀNG
Có một thực tế đang diễn ra ở bóng đá nội đó là những cầu thủ ngôi sao, từng có thương hiệu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm bến đỗ. Phước Tứ từng đàm phán với V.HP, SHB.ĐN nhưng sau đó mọi việc chẳng đi đến đâu, và bây giờ mới được QNK.QN để ý. Rồi mới đây, hai cầu thủ tài năng là Văn Trương, Việt Cường đang gặp quá nhiều vướng mắc để có thể ký hợp đồng với đội bóng mới. Sau khi chia tay HA.GL , tưởng như với chuyên môn cứng sẽ giúp Văn Trương được XSKT.CT ký hợp đồng. Nhưng đến lúc này, Văn Trương cũng phải thử việc ở đội bóng miền Tây.
Ngay cả những tên tuổi như Văn Trương và Việt Cường (áo sẫm, ảnh nhỏ) giờ cũng phải thử việc
Trường hợp của Văn Trương cũng giống với hậu vệ Việt Cường, người đang thử việc ở SHB.ĐN. Lãnh đạo đội bóng bên bờ sông Hàn lý giải việc chưa bắt tay với Cường “Dusit” là bởi họ muốn theo dõi cầu thủ này thêm một thời gian rồi mới nghĩ đến việc có ký hợp đồng hay không. Hay như trường hợp “Vua phá lưới” V-League 2012 là tiền đạo Timothy cũng không được đội bóng nào ở Việt Nam ký hợp đồng, dù đang là cầu thủ tự do khi vừa bị V.NB thanh lý. Sở dĩ, “Bò mộng” không được tiếp nhận vì các đội bóng đã quá rõ tính cách nóng nảy, thích gây sự và sinh hoạt bừa bãi của Timothy.
Tình hình tài chính ở nhiều đội bóng quốc nội bây giờ không phải là quá xông xênh. Nhưng điều quan trọng là họ đã có cách làm khác, chặt chẽ hơn trong việc mua sắm cầu thủ. Điều đó đã tác động mạnh, chi phối vào tư tưởng của nhiều cầu thủ về việc nếu muốn theo nghề thì nhất định đời sống phải “lành”.
Không dám nhận cầu thủ có lối sống “bất thường”
Cuối năm 2011, hậu vệ Phong Hòa bị V.NB thanh lý hợp đồng vì lối sống phức tạp. Sau đó, Hòa gõ cửa rất nhiều đội bóng để xin thử việc, thậm chí có cả đội bóng hạng Nhì. Nhưng với những hiểu biết về Phong Hòa, các đội bóng quốc nội đều lắc đầu từ chối. Mãi đến đầu năm 2013, Phong Hòa mới “tu tỉnh” để chỉnh sửa đời sống sinh hoạt của mình và được đội bóng Quân cảnh Hoàng gia Campuchia ký hợp đồng với mức lương 500 USD/tháng. Ở xứ người, Hòa phải bươn chải, chắt bóp từng đồng vì phải tự thuê nhà, lo từng bữa cơm.