Tôi nhớ có lần, để chuẩn bị cho trận tranh Siêu Cúp QG giữa Hà Nội FC và B.BD, BTC sân phải đổ cát vào những chỗ lồi lõm trên sân Thanh Hóa. Và trong một giai đoạn dài, sân Thanh Hóa nổi tiếng V.League vì sự nghèo nàn về cơ sở vật chất, mặt sân không đảm bảo chất lượng dù các khán đài nơi đây luôn đông đặc khán giả.
Điều đáng nói, tiếng thở dài mang tên sân bãi không chỉ là câu chuyện của FLC Thanh Hóa mà Hà Nội FC cũng gặp cảnh tương tự. Mặt sân xấu, phòng chức năng thiếu đồng bộ, thậm chí, những khán đài chịu gánh nặng tuổi tác đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều lần, BTC giải đã phải gửi lời cảnh báo nhưng các CLB có cái khó của mình.
Giờ thì khác, sân Thanh Hóa đã được sơn lại, mặt sân được bảo dưỡng và nâng cấp. Những thảm cỏ mịn màng đã xuất hiện. Tại Hàng Đẫy, mặt cỏ cũng được làm mới. Các khán đài được khoác lên mình chiếc áo mới nhờ sự đầu tư từ đơn vị quản lý.
Chúng ta từng nói rất nhiều về bóng đá chuyên nghiệp. Chúng ta cũng nói về tham vọng, tầm nhìn chiến lược của các đội bóng. Nhưng trong bóng đá, đôi khi cần sự chuẩn chỉ từ những điều tưởng chừng rất đơn giản là mặt sân. Nói đâu xa, giai đoạn gần đây dù có nhiều đội tuyển tập trung, nhưng các sân vận động tại Trung tâm đào tạo trẻ VFF vẫn đáp ứng được yêu cầu nhờ sự đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng. Bây giờ, chuyện phải mang quân đi tập nhờ ở nơi khác đã trở thành dĩ vãng. Nhưng, để có được điều đó, phải hành động, hành động quyết liệt chứ không thể ngồi một chỗ nói những điều cao siêu.
Các đội bóng ở V.League nói riêng và cả nền bóng đá nói chung đang đứng trước mệnh lệnh phải thay đổi tư duy. Bởi nói cho cùng, tham vọng và sức mạnh ở từng giai đoạn cụ thể không phải là tấm gương phản ánh trung thực vóc dáng của đội bóng. Muốn phát triển, muốn lâu dài thì các đội bóng phải nghĩ đến việc đầu tư một cách căn bản.