KHÔNG GHI NỔI BÀN VÀO LƯỚI “CHỊ CẢ”
Thái Lan, Myanmar và Việt Nam đến Asian Cup nữ 2014 với khát vọng là giành suất dự World Cup 2015. Nhưng, như lời chia sẻ chân tình của ông Trần Vân Phát, HLV trưởng ĐT Việt Nam, thì nếu CHDCND Triều Tiên tham dự, các đội của ĐNÁ không có cơ hội. Lời bộc bạch của ông Phát cũng là sự khẳng định, khoảng cách chuyên môn giữa Thái Lan, Việt Nam, Myanmar với những đội tốp đầu châu lục là Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc là quá lớn.
Không chỉ lép vế gần như hoàn toàn về mặt thế trận khi dường như chỉ biết phòng thủ để hạn chế bàn thua, nhưng các đội bóng của ĐNÁ vẫn không thể tránh được những thất bại nặng nề. Ngay cả đội bóng giành vé dự World Cup là Thái Lan được đánh giá có lối chơi đa dạng, hiện đại và thể lực sung mãn cũng phải nhận những trận thua muối mặt trước Trung Quốc (0-7) và Hàn Quốc (0-4). Đó cũng là những trận đấu mà đội bóng nữ xứ Chùa vàng tung ra đội hình gần như mạnh nhất. Đặc biệt, các đội ĐNÁ còn không ghi nổi một bàn thắng vào lưới của “bộ tứ” Australia, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc!
LÀM GÌ ĐỂ NÂNG TẦM?
Để rút ngắn cách biệt cũng như hy vọng vào một cuộc cạnh tranh cân sức trong tương lai với các “đàn chị” ở châu lục, bóng đá ĐNÁ nói chung cần có sự đầu tư căn cơ, bài bản hơn. Đó cũng chính là yêu cầu đối với bóng đá nữ Việt Nam.
HLV Nguyễn Hữu Thắng của CLB nữ TP.HCM cho rằng, khâu “trồng người” có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại. Đầu tiên là công tác đào tạo trẻ cần phải được đặc biệt chú ý hơn nữa. “Đây chính là cái gốc của mọi vấn đề. Nếu đào tạo trẻ được đầu tư bài bản sẽ tạo tiền đề tốt để có một ĐTQG mạnh sau này”, ông Thắng bày tỏ. Trách nhiệm đầu tiên trong việc đào tạo trẻ thuộc về các đội bóng, nhưng để đạt hiệu quả tốt thì cần phải có sự hỗ trợ đắc lực từ bên ngoài, cả chuyên môn lẫn tài chính.
Để công tác đào tạo trẻ thành công, trình độ chuyên môn của HLV cũng có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại chung cuộc. Hay nói cách khác, các HLV trong nước cần được trang bị kiến thức đào tạo một cách căn bản thông qua những khóa huấn luyện chuyên môn từ các chuyên gia giỏi đến từ nước ngoài.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, số lượng HLV làm công tác đào tạo trẻ cho bóng đá nữ Việt Nam còn ít và chưa nhiều người đạt chuẩn về chuyên môn.
Hệ thống thi đấu từ các giải trẻ cho đến giải VĐQG cũng cần phải sắp xếp lại một cách khoa học. Ngoài ra, giải VĐQG cũng cần có phương án tăng số lượng đội tham dự hoặc thay đổi thể thức thi đấu để nâng cao tính cạnh tranh, từng bước tính chuyện phân cấp để có đội lên - xuống hạng.
Thêm nữa, kế hoạch cho các ĐT trẻ cũng cần được chú trọng bên cạnh ĐTQG. Bởi thông qua những chuyến tập huấn, các cầu thủ trẻ sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm để không phải bỡ ngỡ khi khoác áo ĐTQG sau này.