HLV Nguyễn Hữu Thắng thần tượng Sir Alex Ferguson và Pep Guardiola. Lối chơi của đội tuyển Việt Nam cũng đang được ông thầy xứ Nghệ xây dựng dựa trên niềm cảm hứng từ hai chiến lược gia đại tài của bóng đá thế giới. Tuy nhiên sẽ là khiên cưỡng nếu như nói đội tuyển Việt Nam đã lập tức thể hiện được phong cách Tiqui-taca hay lối đá biên hiệu quả như M.U ở triều đại Sir Alex.
Tạm thời, hai trận đấu tập vừa qua với Hà Nội T&T và Than Quảng Ninh, đội tuyển Việt Nam dưới thời tân HLV Hữu Thắng phần nào cho thấy những nét tươi mới tích cực hơn và đồng hành với đó là kết quả khá khả quan vả thuận lợi. Điều đó sẽ giúp các cầu thủ trở nên lạc quan hơn. Người hâm mộ cũng vì thế mà thêm phần tin tưởng, ủng hộ.
Dưới đây là 3 dấu ấn chiến thuật ban đầu của HLV Hữu Thắng ở đội tuyển Việt Nam:
1. Ưu tiên lối đá ít chạm
Ngay ở những buổi tập đầu tiên sau khi hội quân đội tuyển, HLV Hữu Thắng đã lập tức hướng các học trò vào những bài tập phối hợp ít chạm, chủ yếu là khu vực trung lộ cũng như phạm vi hẹp. Nhờ đó mà ở hai trận đấu tập lần lượt với Hà Nội T&T và Than Quảng Ninh, đội tuyển Việt Nam đã chơi bóng ngắn nhiều hơn. Các tuyển thủ cũng tránh xử lý rườm rà mà cố gắng có những sự liên lạc với nhau để tạo ra sự liền mạch và tốc độ trong lối chơi.
Ví dụ như ở trận đấu với Hà Nội T&T, đội tuyển Việt Nam có tình huống phối hợp với 19 đường chuyền trải rộng từ giữa sân đến sát vòng cấm. Hay ở cuộc đối đầu Than Quảng Ninh, bộ ba Tuấn Anh, Thanh Trung và Đình Hoàng có màn phối hợp bật tường tam giác chếch sang cánh phải khiến hai hậu vệ là Dương Văn Khoa và Minh Tùng không kịp trở tay.
VIDEO: Những pha ban bật của ĐT Việt Nam trước Hà Nội T&T |
---|
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |
Tuy nhiên lối đá ít chạm mà đội tuyển Việt Nam thể hiện vẫn chưa trơn tru như mong muốn của HLV Hữu Thắng. Theo chia sẻ ngắn của HLV Phan Thanh Hùng thì có nhiều tình huống các cầu thủ chỉ đập nhả cho nhau, chuyền đi chuyền lại chứ chưa tạo được nhiều đột biến. Hay trong buổi đá tập, khi các pha ban bật diễn ra ở tốc độ cao thì các cầu thủ chưa thể xử lý bóng gọn ghẽ.
Chỉ cần đến nhịp chạm thứ 7 hoặc 8 là có trường hợp cầu thủ không còn khống chế tốt nữa, hệ quả là chuyền bóng bổng thay vì sệt cho đồng đội. Vì thế, HLV Hữu Thắng vẫn sẽ cần có thêm thời gian để giúp các cầu thủ hoàn thiện hơn lối đá này.
2. Trọng dụng cặp Xuân Trường – Tuấn Anh
Nếu để so sánh đâu là sự khác biệt rõ nhất giữa HLV Nguyễn Hữu Thắng và người tiền nhiệm Toshiya Miura thì hẳn nhiên đó sẽ là sự xuất hiện thường xuyên của cặp đôi Tuấn Anh và Xuân Trường. Nếu như trước đây, vì nhiều lý do khác nhau mà Xuân Trường và Tuấn Anh chỉ có thể được đá cặp vỏn vẹn 1 lần ở đội tuyển U23 Việt Nam thì nay, ngay trong lần đầu triệu tập, bộ đôi song sát này đã được đá chính cả 2 trận với thời lượng trên sân là khá lớn (luôn thi đấu từ 60 – 70 phút cùng nhau).
Đáp lại lòng tin của HLV Hữu Thắng, Xuân Trường và Tuấn Anh thực sự đang là niềm cảm hứng cho lối chơi được xem là Tiqui-taca mà chiến lược gia xứ Nghệ ấp ủ xây dựng. Hầu hết mọi đường lên bóng của đội tuyển Việt Nam đều qua chân của hai cầu thủ này, với tỷ lệ đường chuyền có độ chính xác lên tới 90%. Cả 4 bàn thắng mà đội tuyển Việt Nam có được trong trận đấu với Than Quảng Ninh tối qua có dấu giày của Tuấn Anh và Xuân Trường. Thậm chí nếu may mắn hơn, cả hai đều đã có thể tự ghi cho mình bàn thắng ngày hôm qua.
Cú sút xa của Xuân Trường suýt chút nữa trở thành bàn thắng - Ảnh: Phan Tùng
Hai trận liên tiếp đá chính. Hai trận liên tiếp đều thể hiện được khả năng. Rõ ràng vai trò ông chủ tuyến giữa đội tuyển Việt Nam trong tương lai gần hoàn toàn có thể được giao phó cho bộ đôi “du học sinh” này.
3. Cộng hưởng triết lý Sir Alex và Pep Guardiola
Trong ngày nhậm chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thắng đã chia sẻ rằng hai thần tượng trong nghề cầm quân của bản thân chính là Pep Guardiola và Sir Alex. Và thực tế những cảm hứng và nghệ thuật dụng binh của hai chiến lược gia tài tình này đã được HLV Hữu Thắng từng bước tiếp thu và truyền đạt cho các học trò.
Sẽ là quá đơn giản nếu nghĩ rằng ĐT Việt Nam đá ít chạm, ban bật tanh tách đã là khoác lên mình chiếc áo Tiqui-taca của Pep Guardiola. Bởi thực sự, chiến thuật của đội tuyển Việt Nam được HLV Hữu Thắng tổ chức cũng mang tới điểm nhấn thú vị. Ở trận gặp Hà Nội T&T, hai hậu vệ biên thường di chuyển bó vào trung lộ để thu hút các cầu thủ đối phương. Chính điều này khiến cự ly đội hình của Hà Nội T&T bị kéo giãn và vô hình trung, các tiền vệ biên phía trên có được khoảng trống thích hợp để Xuân Trường hay Tuấn Anh có dịp mở bóng ra hai cánh.
Sự xuất hiện của Công Vinh giúp hàng công của đội tuyển Việt Nam thi đấu tốt hơn - Ảnh: Minh Tuấn
Hay như ở trận đấu thứ 2 với Than Quảng Ninh, HLV Hữu Thắng lại dùng cách cầm quân của Sir Alex với sơ đồ 4-1-4-1 thay vì 4-4-1-1. Trong đó, hai cánh liên tục có sự hoán đổi cho nhau, cùng với đó là sự linh hoạt của các hậu vệ biên để tạo ra những tình huống chồng cánh, trước khi xâm nhập vòng cấm địa rồi căng ngang cho tiền đạo hoặc tuyến 2 băng lên dứt điểm. Đây là chiến thuật mà Sir Alex đã thành công khi tại vị ở M.U.
Một điểm tích cực nữa trong trận đấu hôm qua chính là vấn đề trên hàng công đã tạm thời được giải quyết. Sự hiện diện của Công Vinh giúp cho khả năng săn bàn của đội tuyển Việt Nam trở nên sắc sảo hơn. Các miếng đánh tấn công cũng vì thế uyển chuyển hơn và tạo ra được nhiều sức ép lên phần sân đối phương hơn.
Quế Ngọc Hải đá trọn vẹn 2 trận đấu đầu tiên dưới thời Hữu Thắng Ngoài trường hợp thủ môn Huỳnh Tuấn Linh và trung vệ Nguyễn Tiến Duy, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã sử dụng tất cả những quân bài đủ thể lực hiện có trong tay mình ở hai trận đá tập vừa qua. Trong đó có 6 cầu thủ được đá chính cả hai trận là thủ môn Nguyên Mạnh, hậu vệ Đình Hoàng, Ngọc Hải, bộ đôi Xuân Trường, Tuấn Anh và tiền đạo Hoàng Thiên. Tuy nhiên, chỉ duy nhất Quế Ngọc Hải là được đá trọn vẹn 180 phút thi đấu. |
Lịch thi đấu của ĐT Việt Nam ở 2 trận cuối cùng vòng loại World Cup 2018 19h00 ngày 24/3: Việt Nam vs Đài Loan (TQ) 20h30 ngày 29/3: Iraq vs Việt Nam |