Bóng Đá Plus trên MXH

Những vụ đột tử trên sân bóng (kỳ 2): Không đột tử thì cầu thủ cũng 'chết từ từ'
21:51 ngày 12/06/2024
Tim mạch, va chạm mạnh, khâu sơ cứu yếu kém… được coi là những nguyên nhân chính gây ra những cái chết ngay khi cầu thủ đang thi đấu. Nhưng số lượng những ca tử vong của cầu thủ ở  khoảng thời gian dài sau đó - hệ quả của việc chơi bóng - còn lớn hơn nhiều. Cầu thủ chuyên nghiệp đang “chết dần chết mòn” vài chục năm sau khi treo giày.

    CHẾT MÒN VÌ LANG BĂM

    Arjen Robben chấn thương khiến bác sĩ của Bayern và ĐT Hà Lan tranh cãi kịch liệt

    Tranh cãi lớn đã xuất hiện giữa LĐBĐ Hà Lan và CLB Bayern Munich sau kỳ World Cup 2010. Hồi ấy, Robben đã chấn thương ngay trước giải, và chỉ xuất hiện ở giai đoạn sau. Anh cùng ĐT Hà Lan vào tận chung kết, nhưng sau World Cup thì Robben hầu như không thể ra sân trong màu áo Bayern, suốt một khoảng thời gian dài. 

    Theo bác sĩ nổi tiếng Hans-Wilhelm Mueller-Wohlfahrt của Bayern thì cơ đùi của Robben “bị thủng một lỗ lớn”. Ai cũng dễ dàng nhìn ra “lỗ thủng” ấy qua phim, và tất nhiên người ta không thể để một cầu thủ đang chấn thương nặng như thế ra sân. Có nghĩa, Bayern tố cáo ĐT Hà Lan quá vô trách nhiệm khi để Robben thi đấu trong tình trạng như vậy, để rồi Robben và Bayern phải lãnh hậu quả. 

    Phía Hà Lan phản pháo: Bayern chỉ dựng chuyện, chứ chẳng có chấn thương gì. Đã thế, bác sĩ của đội Hà Lan còn phản công: Hans-Wilhelm Mueller-Wohlfahrt chỉ là loại bác sĩ kiểu cũ, với mớ kiến thức không hợp thời, chỉ còn khả năng viết sách và bán cho “những người già sợ chết”, không thích hợp với những chấn thương và phương pháp chữa trị trong bóng đá hiện đại!

    Ai đúng? Chúng ta không biết, không chỉ vì vấn đề kiến thức chuyên môn mà còn vì chúng ta đều không phải là người trong cuộc. Nhưng có thể suy luận: bên này đúng thì bên kia sai. Có thể chấp nhận một tỷ lệ sai rành rành đến 50% như thế, trong bóng đá hiện đại? Cũng cần nói thêm: Mueller-Wohlfahrt được nhiều người xem là bác sĩ nổi tiếng nhất trong thế giới thể thao!

    Mọi người đều biết, bất cứ cầu thủ chuyên nghiệp nào trước khi ký bản hợp đồng nhà nghề trong làng bóng châu Âu đều phải trải qua thủ tục kiểm tra y tế, do chính bác sĩ của CLB mới đảm trách. Thế nhưng, sau Marc-Vivien Foe, bóng đá đỉnh cao vẫn tiếp tục chứng kiến những ca bệnh tim dẫn đến kết quả tử vong như Miklos Feher, Serginho, Antonio Puerta, Daniel Jarque... Câu hỏi đặt ra: vấn đề kiểm tra sức khỏe trong những trường hợp như thế có được xem lại, hoặc nghiêm túc hơn là truy cứu trách nhiệm?

    TIỀN QUAN TRỌNG HƠN SỨC KHỎE

    Van Basten phải giải nghệ sớm do chấn thương

    Ngày xưa, khi Diego Maradona còn khoác áo Napoli, ông thường được chích một ống... nước lã mỗi khi cảm thấy đau chân trước trận đấu. Marco van Basten thì phải chịu tình trạng chữa lợn lành thành lợn què, đến nỗi giải nghệ ở tuổi 28. Vì Van Basten và Maradona chơi bóng ở Calcio, trong thời kỳ nền bóng đá này bá chủ châu Âu về tiền bạc, nên người ta không mấy quan tâm đến trình độ chuyên môn của các bác sĩ. 

    Vấn đề đặt ra quanh các trường hợp của Maradona và Van Basten là liệu có bàn tay mafia thao túng? Bây giờ, vẫn còn tồn tại một vấn đề tương tự, tuy rằng hơi khác. Các cầu thủ Đông Âu, châu Phi hoặc Nam Mỹ có thể đổi đời khi lần đầu tiên ký được một bản hợp đồng 4 hoặc 5 năm với một CLB nổi tiếng ở Tây Âu. Thế nên, những người trong cuộc sẵn sàng làm mọi cách để đảm bảo cầu thủ ấy vượt qua cuộc kiểm tra y tế trước khi ký hợp đồng. 

    Ngoài ra, tình trạng thương mại hóa bóng đá ngày càng cao cũng làm cho kết quả chẩn đoán chấn thương đôi khi bị sai lệch bởi các nguyên nhân ngoài chuyên môn. Theo cuốn tự truyện của Wayne Rooney thì mỗi khi anh chấn thương đúng lúc ĐTQG chuẩn bị thi đấu, thường có rất nhiều người cùng có mặt trong buổi khám nghiệm: đại diện của anh, đại diện của CLB, bác sĩ của CLB, bác sĩ của FA, đôi khi có cả HLV của CLB và HLV ĐTQG... Lý do: chẳng ai tin ai trong thời buổi này!

    Khi FIFA tổ chức World Cup 2022 tại Qatar, nơi nhiệt độ có thể lên đến 50 độ C khi cầu thủ chơi bóng. Tranh cãi về chuyện đảm bảo sức khỏe, đảm bảo tính mạng cho cầu thủ đã được gióng lên rất nhiều sau quyết định ấy. 

    Một mặt, FIFA luôn kêu gọi giới chuyên môn đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe cho các cầu thủ nhà nghề để tránh lặp lại các trường hợp đáng tiếc trong bóng đá đỉnh cao. Nhưng mặt khác, đưa World Cup đến khu vực Trung Đông giàu có thì chắc chắn FIFA sẽ hốt bạc. Lời nói đâu dễ đi đôi với hành động, trước những vấn đề nhạy cảm như vậy!

    GIẢI CÀNG “CỎ”, CÀNG LÀ “MỎ XÁC NGƯỜI”

    Các cầu thủ có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer do thường xuyên đánh đầu

    Thông thường, người ta chỉ biết đến những cái chết ngay trên sân khi đấy là các bi kịch trong bóng đá đỉnh cao. Mở rộng sang các môn thể thao khác hoặc các loại hình bóng đá không phải đỉnh cao, tình trạng y tế càng đáng báo động hơn, nạn nhân càng nhiều hơn. Chẳng qua là ít người biết do những trường hợp đáng tiếc không thuộc bóng đá đỉnh cao thì ít khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

    Một cuộc nghiên cứu ở Mỹ, với các số liệu thu thập trong giai đoạn 1990-2010, cho thấy: mỗi năm nước này có hơn một tá cầu thủ chết ngay trên sân (trong trận đấu hoặc khi đang tập). Nạn nhân thường chơi bóng ở đẳng cấp thể thao học đường. Số trường hợp thiệt mạng bên ngoài mùa bóng thường cao hơn trong mùa bóng. Và theo tờ báo The American Journal of Sports Medicine thì đa số là các trường hợp có thể ngăn chặn.

    Cũng theo nghiên cứu của giới khoa học, dù không đến nỗi phải chịu đựng nguy cơ thiệt mạng trên sân thì các cầu thủ chuyên nghiệp cũng chịu rất nhiều rủi ro về các loại bệnh tật do bóng đá gây nên, vào cuối đời. Bệnh Alzheimer (mất trí do tế bào não suy thoái) đứng đầu danh sách. Tỷ lệ cựu cầu thủ mắc bệnh này cao hơn hàng chục lần so với những người bình thường, riêng trong thành phần các cựu cầu thủ thì những người thường xuyên đội đầu lại có tỷ lệ cao hơn. 

    Cứ tưởng tượng những đường bóng căng với tốc độ hơn 100km/h thường xuyên va chạm như những cú búa bổ vào đầu cầu thủ, lặp đi lặp lại trong hơn chục năm chơi bóng, cũng đủ hình dung vấn đề. Đôi khi chúng ta vẫn thấy một vài cầu thủ đổ gục xuống sân vì dùng đầu cản phá một cú sút phạt căng, từ cự ly gần. Chỉ riêng trong làng bóng Anh, người ta đã thất rất nhiều danh thủ bị bệnh Alzheimer trước khi qua đời: Danny Blanchflower, Alf Ramsey, Bob Paisley, Joe Mercer... Riêng Liverpool đã có gần 40 cựu cầu thủ mắc bệnh này trước khi qua đời.

    Vấn đề đặt ra: tất cả đều là những cuộc nghiên cứu độc lập ở các trường đại học vốn chẳng liên quan gì đến bóng đá (ở Mỹ, Na Uy...). Hầu như chưa bao giờ FIFA hoặc các tổ chức bóng đá tỏ ra quan tâm đến vấn đề này (ví dụ phối hợp hoặc tài trợ cho các giáo sư nghiên cứu). Guồng quay với tốc độ chóng mặt của cỗ máy in tiền qua hình hài bóng đá đỉnh cao vẫn là điều quan trọng nhất. 

    Và khi mà cầu thủ vẫn chịu nguy cơ chết ngay trên sân, thì xem ra việc chăm sóc sức khỏe cho họ hàng chục năm sau khi treo giày là điều quá xa vời. Không nói đâu cho xa, ngay tại kỳ World Cup sắp tới tại Brazil, các cầu thủ đã có nguy cơ phải di chuyển và thi đấu ở những nơi có sự chênh lệch nhiệt độ lên tới 30 độ C. Không nhiều thì ít, nhưng nguy cơ sức khỏe cầu thủ bị ảnh hưởng là hiển nhiên rồi.

    (Hết)

    KINH THI • 21:51 ngày 12/06/2024
    Tags:

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay