5 trong 10 vụ chuyển nhượng hàng đầu của năm vừa rồi đều liên quan tới hoặc Barcelona hoặc Real Madrid khi bộ đôi Tây Ban Nha ngày càng củng cố vị thế những CLB bóng đá giàu nhất hành tinh của họ với các ngôi sao cũng là lớn nhất thế giới. Đã sử hữu Lionel Messi và Cristiano Ronaldo, hai cầu thủ người chia nhau 6 Quả bóng vàng trong 6 năm vừa qua và tiếp tục nằm trong danh sách rút gọn 3 người cho năm 2014, cũng như Gareth Bale và Neymar, song 2 gã khổng lồ của La Liga tiếp tục tăng cường đội ngũ với Luis Suarez và James Rodriguez trong mùa hè vừa qua.
Nếu Suarez hoàn tất hợp đồng 5 năm của anh ở Camp Nou, Barcelona sẽ đầu tư tất cả 253 triệu euro vào tiền đạo người Uruguay. Con số tương ứng của Real Madrid với James Rodriguez là 169 triệu euro. Chưa bao giờ trong lịch sử 2 đội bóng lại sở hữu nhiều cầu thủ giỏi như thế cùng lúc ở một giải đấu. Real đặc biệt nổi bật với chính sách Galaticos của họ: phá kỷ lục chuyển nhượng 5 lần trong chưa tới 14 năm của thế kỷ này, gần nhất là vào năm 2013 khi Bale chuyển tới Bernabeu từ Tottenham với giá 100 triệu euro.
Luật công bằng tài chính của UEFA (FFP) ra đời nhằm giảm bớt chi tiêu của các CLB mới phất như Manchester City và Paris Saint-Germain. Dù những CLB này có tên trong danh sách của Goal 2014, song PSG và Man City chỉ đầu tư các khoản lớn nhất là 115 triệu euro và 111 triệu euro vào David Luiz và Eliaquim Mangala. Một CLB khác cũng có sự chống lưng của một tỉ phú là Chelsea, đã bán Luiz, Juan Mata và Romelu Lukaku để bỏ tiền mua Diego Costa và Cesc Fabregas, 2 cầu thủ có tổng mức đầu tư 257 triệu euro.
Real đầu tư tổng cộng 169 triệu euro để chiêu mộ và trả lương cho James
“Tôi cho rằng FFP là một nghịch lý”, HLV Jose Mourinho của Chelsea nói mới đây. “Đó là sự bảo vệ cho các CLB lớn, già cỗi, có lịch sử lâu đời và đã có cấu trúc tài chính-thương mại ổn định”. Kết quả là chỉ Manchester United và Bayern Munich, những đội bóng luôn có tên trong tốp 10 mọi danh sách về sự giàu có trong bóng đá, đủ sức cạnh tranh về tài chính với Barcelona hay Madrid.
Man United giàu có tới mức dù không giành quyền dự Champions League, họ vẫn có thể đầu tư tới 494 triệu euro cho 3 cầu thủ: Juan Mata, Luke Shaw và Angel Di Maria. Falcao cũng sang Old Trafford theo dạng cho mượn. Khi so sánh sức mạnh và chiều sâu giữa các giải đấu, Premier League vượt trội về sức mạnh chi tiêu.
“Khoảng cách về thu nhập hàng năm giữa Premier League và Bundesliga, giải đấu thứ 2 ở châu Âu, là hơn 900 triệu euro. Năm tới hứa hẹn sẽ còn lớn hơn nữa”, Alex Thorpe, nhà tư vấn của Sports Business Group thuộc hãng Deloitte, nói. 7/10 cầu thủ tốp 10 danh sách chuyển nhượng bom tấn của Goal là tới các CLB Anh. Với tốp 50 người, Premier League cũng có tới 30 đại diện.
Ngay cả những đội chiếu dưới ở giải đấu này như West Ham, Sunderland và Queens Park Rangers cũng có thể chi tiêu khá mạnh tay, một phần nhờ vào việc các CLB Premier League chia sẻ với nhau khá công bằng khoản tiền bản quyền truyền hình 3 tỉ euro. Hơn 1 tỉ euro nhờ thế đã được các đội Ngoại hạng Anh chi ra trong mùa chuyển nhượng.
Những giải đấu lớn khác ở châu Âu nằm mơ cũng không thấy con số đó, nhất là Serie A, giải đấu đang tụt lại phía sau nhất về sức mạnh trên thị trường chuyển nhượng. “Mùa 1989/90, Serie A là giải đấu có doanh thu cao nhất, giải vô địch Anh chỉ xếp thứ 2”, Thorpe nói. “Hiện giờ, Premier League đang vượt quá xa Serie A”.
Chelsea bán khá nhiều cầu thủ để tái đầu từ vào Fabregas
Trong 50 vụ chuyển nhượng lớn nhất mùa hè, chỉ có 4 chữ ký là ở Serie A. 2 trong số đó là cùng một cầu thủ khi Verona thực hiện quyền mua lại cầu thủ mà họ đi mượn, Juan Iturbe, để rồi bán ngay cho Roma thu về một khoản lợi lớn.
Bundesliga có thể tân tiến hơn Serie A khá nhiều trong mô hình bóng đá, với các CLB được sở hữu bởi CĐV, chính sách đào tạo trẻ tích cực và cả thành tích ở châu Âu, nhưng về mặt tài chính, giải đấu này vẫn còn kém khá xa Premier League. Chỉ 2 trong 50 chữ ký đắt giá nhất năm 2014 là của các đội Bundesliga: Mehdi Benatia từ Roma tới Bayern và Ciro Immobile từ Torino tới Dortmund, cả hai đều không ở trong tốp 10.
Sự vắng mặt của Bayern Munich trong danh sách tốp 10 có thể khiến nhiều người hiểu lầm. Đội bóng Đức vẫn rất giàu có và đã đưa về tiền đạo đẳng cấp thế giới Robert Lewandowski theo dạng chuyển nhượng tự do và thay Toni Kroos bằng tiền vệ kỳ cựu Xabi Alonso với mức phí phải chăng. Họ cũng đã chi hơn 50 triệu euro trên thị trường và mức lương của đội hình hàng năm đã vượt qua cột mốc 200 triệu euro, cao nhất trong lịch sử.
Nhưng ở Đức chỉ một mình Bayern thống trị. Doanh thu thường niên của họ mùa 2012/13, theo Deloitte, nhiều hơn gần 175 triệu euro so với đội xếp thứ 2 là Dortmund. Họ tiếp tục vơ vét mọi tài năng lớn nhất trong nước (Lewandowski, Mario Goetze từ BVB) và sắp bỏ túi chức vô địch Bundesliga thứ 3 liên tiếp dù mùa bóng mới đi qua non nửa thời gian.
Tốp 10 vụ đầu tư cầu thủ năm 2014
Vị trí | Cầu thủ | Đội đi | Đội đến | Tổng đầu tư (triệu euro) |
1 | Luis Suarez | Liverpool | Barca | 252 |
2 | Angel di Maria | Real Madrid | M.U | 241 |
3 | James Rodriguez | Monaco | Real Madrid | 169 |
4 | Alexis Sanchez | Barca | Arsenal | 143 |
5 | Luke Shaw | Southampton | M.U | 131 |
6 | Diego Costa | Atletico | Chelsea | 130 |
7 | Cesc Fabregas | Barca | Chelsea | 127 |
8 | Juan Mata | Chelsea | M.U | 122 |
9 | David Luiz | Chelsea | PSG | 115 |
10 | Eliaquim Mangala | Porto | Man City | 111 |