Cho đến tận bây giờ, David Beckham vẫn là một hiện tượng có một không hai trong thể thao. Bởi tầm ảnh hưởng của Becks không chỉ giới hạn trong sân bóng, mà còn lan rộng ở rất nhiều lĩnh vực như thời trang, quảng cáo, xã hội, kinh doanh…
Chàng cầu thủ hào hoa hồi đá bóng cách đây hai thập kỷ đã biết khai thác tối đa giá trị và biến cái tên Beckham thành một thương hiệu toàn cầu. Bây giờ ở tuổi U50, Beckham vẫn còn duy trì thế mạnh thương hiệu và trở thành một doanh nhân thành đạt trong thế giới thể thao. Nếu nói về tài năng kiếm tiền và khai thác thương hiệu thì Beckham xứng đáng bậc thầy của cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử Messi.
Theo The Times, tài sản ròng của Beckham - bao gồm tất cả tài sản tài chính và phi tài chính đang sở hữu trừ đi các khoản nợ chưa thanh toán - ước tính vào khoảng 450 triệu USD. Ngay từ khi còn là một cầu thủ, Becks đã là một cái tên rất "hot" nhờ khai thác hiệu quả thương hiệu cá nhân. Theo chiến lược gia thương hiệu người Mỹ, David Aaker, cái tên David Beckham là một thương hiệu toàn cầu lớn.
Đầu tiên, Beckham khai thác “vẻ đẹp trai và phẩm chất quý ông” của mình. Không chỉ là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất trong thế hệ của mình, Becks còn được xem là một trong những VĐV đẹp trai nhất thế giới. Vẻ ngoài bảnh bao và phong cách lịch lãm của anh được nhiều NHM bắt chước, khiến Beckham trở thành một "thỏi nam châm" thu hút các thương hiệu lớn.
Thậm chí sau nhiều năm giải nghệ, các hợp đồng thương hiệu cá nhân trị giá hàng triệu USD vẫn tiếp tục là nguồn thu chính của biểu tượng bóng đá Anh. Trong suốt sự nghiệp thi đấu cũng như sau khi giã từ sân cỏ, Beckham đã gắn bó với các thương hiệu toàn cầu như Adidas, Coty, H&M, Pepsi, Sainsbury's, Samsung và Breitling. Bên cạnh đó, anh cũng có dòng nước hoa và kính râm của riêng mình.
Năm 2003, hợp đồng giữa Becks và thương hiệu thể thao Adidas của Đức được ký kết dưới dạng giao kèo trọn đời với trị giá 160 triệu euro. Vào thời điểm lúc bấy giờ, đây là một trong những bản hợp đồng lớn nhất trong lịch sử thể thao.
Cũng trên danh nghĩa cá nhân, Beckham có cổ phần trị giá 50 triệu USD tại thương hiệu rượu whisky Haig Club thuộc sở hữu của gã đồ uống khổng lồ Diageo. Anh cũng là gương mặt đại diện cho hãng xe hơi sang trọng của Italia, Maserati từ năm 2021. Becks đã xuất hiện trong một số chiến dịch quảng cáo lớn của thương hiệu này, đặc biệt cho chiếc xe điện Maserati MC20 trị giá 220.000 USD.
Maserati không phải là thương hiệu xe hơi duy nhất Beckham hợp tác. Anh cũng là gương mặt đại diện cho hãng xe Jaguar của Anh tại thị trường Trung Quốc.
Trong lĩnh vực đồng hồ xa xỉ, Becks kiếm được hơn 300.000 USD với tư cách đại sứ thương hiệu của hãng đồng hồ Thụy Sĩ Tudor từ năm 2017. Bên cạnh đó, anh cũng bỏ túi 25 triệu euro ở giai đoạn 2012-2014 khi xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo đồ lót nam của thương hiệu thời trang cao cấp Armani của Ý.
Năm 2020, Becks ký hợp đồng trị giá 55 triệu euro để xuất hiện trong trò chơi điện tử EA Sports, FIFA 21. Anh cũng sở hữu DB Ventures, một công ty đầu tư quản lý tất cả các thương hiệu cá nhân của anh và những hợp đồng khác. Được biết, DB Ventures giúp Becks bỏ túi lợi nhuận sau thuế khoảng 25 triệu USD ở năm 2021. Ngoài ra, anh cũng đồng sở hữu một công ty thể thao điện tử có tên Guild Esports, nơi mỗi năm mang về cho anh khoảng 20 triệu USD.
Không thể phủ nhận, Messi kiếm tiền đã rất giỏi rồi, nhưng có lẽ siêu sao 36 tuổi người Argentina vẫn còn phải "cắp sách theo học" Beckham về khoản khai thác thương hiệu cá nhân và biến nó trở thành “cỗ máy kiếm tiền” sau khi giải nghệ.
Đây là bài viết thuộc BIG STORY “Lionel Messi có phải là người chỉ biết mê tiền?”.
Quý độc giả có thể xem thêm tất cả các bài viết tại link sau: http://www.bongdaplusvn.com/bong-da-the-gioi/big-story-lionel-messi-co-phai-la-nguoi-chi-biet-me-tien-4074582308.html