Ngay từ đầu, tiền, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, đã là một phần quan trọng trong câu chuyện của Lionel Messi. Một trong những lý do khiến anh rời CLB đầu tiên của mình, Grandoli ở Rosario, là vì người bố bị từ chối không cho vào sân xem thi đấu chỉ vì không có 2 peso mua vé. Việc Messi chuyển đến Barcelona một phần là do Newell's Old Boys không trả được tiền cho việc điều trị bệnh thiếu hormone tăng trưởng, còn Barca có thể. Và đây cũng là nơi biến anh thành một cầu thủ chuyên nghiệp, một huyền thoại vĩ đại nhất thế giới. Song, cũng vì tiền mà Messi rời Barca, bởi CLB không thể trả mức lương cao cho anh nữa.
Điều này không có nghĩa là mọi bước đi trong sự nghiệp của Messi đều được quyết định bằng tiền, hay thậm chí anh luôn đặc biệt tham lam, nhưng rõ ràng, tiền có vai trò rất lớn trong mọi chuyện của Messi. Cầu thủ nào cũng thế cả thôi, nhưng với Messi thì tiền luôn là ưu tiên số 1. Đánh giá này được thực hiện bởi một nhân vật từng làm việc tại một trong những CLB của Messi trong thập kỷ qua. Ở một khía cạnh nào đó, Messi giờ đây không còn là một con người đơn lẻ. Anh đã trở thành một tổ hợp công nghiệp, một cỗ máy kiếm tiền không chỉ cho bản thân mình mà còn cho những ai dựa dẫm vào thương hiệu Messi. Nhưng, tất nhiên, con người của Messi vẫn tồn tại.
Vậy mối quan hệ giữa con người đó và tiền bạc là gì? Và Messi thực sự là người như thế nào? Anh tham tiền, coi đó là tiên là phật hay không phải như thế?
Có lẽ bất cứ ai tin rằng Messi tham lam hoặc bị thúc đẩy bởi tiền đều đang hướng cơn giận của họ đi sai hướng. Cho rằng bóng đá hiện đang bị chi phối bởi đồng tiền, chúng ta có thể đưa ra lập luận mang tính tư bản của thị trường tự do rằng, Messi chỉ là một sản phẩm của thị trường. Ở đó, cầu thủ vĩ đại nhất sẽ được trả thù lao cao nhất, phù hợp với giá trị thặng dư mà bóng đá tạo ra.
Về cơ bản, đừng căm thù anh ta, hãy căm thù thứ giúp anh ta có lương cao. Tuy nhiên, logic có phần thiếu thuyết phục khi bạn nhận ra bóng đá không tạo ra số tiền đó. Hoặc ít nhất là Barcelona thì không, họ đã mắc nợ khoảng 1,5 tỷ euro vào thời điểm Messi rời đi vào năm 2021.
Nhiều người đã cười mỉa khi thấy Messi rỏ những giọt nước mắt cá sấu trong buổi họp báo chia tay. Họ không quên số tiền mà Messi thu về cơ bản đã khiến CLB phá sản. Messi không phải là nạn nhân của những hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Anh cũng không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra các vấn đề tài chính của Barca nhưng chính là một nhân tố góp phần quan trọng trong đó.
Vì vậy, tại thời điểm này, đáng để đánh giá một số chi tiết của hợp đồng khổng lồ mà Messi đã ký vào năm 2017, hợp đồng mà anh đã cố gắng xé bỏ khỏi năm 2020 và cuối cùng là hợp đồng khiến anh quyết định rời Barcelona.
Vào tháng 1/2021, vài tháng trước khi Messi rời Barcelona, tờ El Mundo đã đưa tin rằng nếu một loạt điều kiện được đáp ứng thì Barca sẽ trả cho Messi 555.237.619 euro cho 4 năm tiếp theo của hợp đồng mới.
Trong đó bao gồm tiền lót tay 115,2 triệu euro, cộng với tiền thưởng “ngu trung” khoảng78 triệu euro. “Mức lương cơ bản” của anh là 72 triệu euro/năm, cộng với các khoản tiền thưởng bổ sung dựa trên số trận thi đấu, thành tích và danh hiệu cá nhân.
Điều quan trọng cần lưu ý là Messi sẽ không thực sự gửi tất cả số tiền đó vào ngân hàng, bởi vì một số trong đó dựa trên động cơ khuyến khích và cả anh và CLB đều không đạt được các mục tiêu liên quan trong thời hạn của hợp đồng. Tuy nhiên, Messi đã làm rất tốt, đặc biệt khi xem xét mức lương đầu tiên của anh tại CLB, nó đủ để nuôi cả gia đình sung túc với 120.000 euro/năm. Trong một chương về Messi trong cuốn sách của mình, Barca, nhà báo Simon Kuper viết rằng, anh đã được tăng lương 9 lần khi ở đây. Cecilia Guardati, một nhà báo người Argentina, cho biết: “Tôi không chắc có ai không thân cận với Messi thực sự biết rõ anh ta hay không. Anh ta rất nhút nhát, thực sự là một chàng trai rất bình thường nhưng sống một cuộc đời phi thường”.
Ấn tượng xuất hiện lặp đi lặp lại, khi nói chuyện với những người biết, đã từng tiếp xúc hoặc đã quan sát kỹ về Messi, rằng anh về cơ bản là một con người khá tầm thường, ở bất cứ đâu ngoại trừ trên sân bóng. Điều đó không sao cả: hầu hết chúng ta đều khá tầm thường. Nhưng hầu hết chúng ta cũng không phải là người vĩ đại nhất trong ngành nghề của mình. Những người thân cận với Messi thấy đó là một người hoàn toàn dễ chịu, dễ gần, sẽ nói chuyện nhỏ với mọi người trong phòng thay đồ và trong các buổi chụp ảnh. Nhưng tính cách bên ngoài của anh thật nhạt nhẽo. Theo ước tính sơ bộ, hầu như Messi chưa từng nói một điều thú vị nào trước công chúng.
Nhà văn John Carlin từng nói rằng, ông đã phỏng vấn Messi hai lần, nhưng nếu được đề nghị lần thứ ba, ông sẽ từ chối. Marcela Mora y Araujo, nhà báo Argentina, tiết lộ: “Trái ngược với Maradona, Messi nhạt đến mức bạn đứng cạnh anh ta mà không nhận ra. Anh ta không quyến rũ, sôi nổi, hài hước hay uyên bác. Tôi nghĩ Messi không quan tâm đến bất cứ điều gì khác ngoài bóng đá”.
Ít nhất, Messi không có lối sống cuồng nhiệt cho dù đã dắt vợ đi “đu Idol” ở show diễn của Coldplay ở Barcelona đầu năm nay. Ngoài ra, hoạt động xã hội của anh ở Castelldefels (Barca) chỉ là sáng sáng đưa 3 đứa con đi học, rồi đến sân tập, rồi chiều chiều đi đón con, ăn tối ở nhà hoặc nhà hàng và đi ngủ. Hiếm khi có báo cáo nào về những đêm tiệc tùng hoành tráng, ít nhất là kể từ những ngày đầu ở Barca khi anh gắn bó với Ronaldinho - kẻ thích tiệc tùng khét tiếng.
Juanjo Brau, cựu trưởng bộ phận vật lý trị liệu của Barca cho biết: “Vũ trụ của Messi chỉ là gia đình”. Ở Paris, anh sống ở Neuilly-Sur-Seine, một khu khá giả ở phía Tây trung tâm thành phố, không xa sân Parc des Princes. Mấy đứa con giờ đi học ở trường Mỹ và anh không phải đưa đón. Anh cũng đi ăn hiệu nhiều hơn bởi Paris nổi tiếng vì tính thờ ơ với sao số. Món ăn yêu thích của Messi là Milanesa, một món ăn Argentina gồm thịt bò tẩm bột dùng với sốt cà chua và pho mát.
Khi mới đá bóng, anh không đặc biệt coi trọng chế độ ăn kiêng của mình và gần như nghiện Coca-Cola. Nhưng vào một thời điểm nào đó trong thời gian ở Barca, anh đã thay đổi chế độ ăn uống, áp dụng một chế độ ăn uống chuyên nghiệp hơn. Chỉ có một thứ không thay đổi: tính cách trầm lặng và ít nói. Khi mới đến Catalonia, một số người cho rằng Messi bị câm.
“Chúng tôi ở chung phòng tại chuyến du đấu Nhật Bản và Messi không nói một lời nào”, Xavi kể lại. Cesc Fabregas, người gia nhập lò La Masia cùng thời với Messi, cũng đồng ý: “Cậu ta rất nhút nhát, không thực sự nói chuyện với bất kỳ ai”. Nhưng khi Messi chơi bóng, anh có lẽ không cần phải nói nữa. Trái bóng là ngôn ngữ của anh.
“Anh ta không cần phải nói”, cựu chủ tịch Barcelona Sandro Rosell. “Ngôn ngữ cơ thể của anh ta là ngôn ngữ mạnh mẽ nhất mà tôi từng thấy trong đời. Tôi đã nhìn thấy Messi đứa ra một cái nhìn trong phòng thay đồ mà mọi người đều biết liệu anh có đồng ý hay không với một lời đề nghị. Messi thông minh hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ, hoặc những gì cậu ta truyền tải”.
Messi thỉnh thoảng thể hiện một số tình huống thể hiện nhân cách thứ hai với công chúng. Ví dụ như khi anh dừng lại trước ống kính để chửi Wout Weghorst của ĐT Hà Lan tại World Cup 2022 là “bobo” (tức là “thằng ngu”). Hay như khi anh cùng Luis Suarez trả lời phỏng vấn, và họ đề cập đến chuyện “đi tiểu ngồi”, Messi đã đốp chát: “Anh ngồi tiểu luôn đi sẽ thấy” khi bị phóng viên hỏi về việc đã “tiểu ngồi” chưa, trải nghiệm như thế nào?
Carles Carabi, nhiếp ảnh gia chụp ảnh lâu năm cho Messi, tiết lộ: “Messi không cần quan tâm đến nội dung chụp miễn là anh trai đã duyệt. Cứ lặng lẽ chụp và không nói chuyện phiếm. Tôi đã chụp anh ta 7 năm nhưng chỉ bắt tay là cùng”. Có một câu chuyện phi thường trong cuốn sách "Messi vs Ronaldo" của Joshua Robinson và Jonathan Clegg, tóm tắt không chỉ sự thống trị của Messi tại Barcelona mà còn cả cách nhóm lợi ích của Messi tìm kiếm tiền bạc ở mọi nơi, mọi lúc.
Theo đó, vào năm 2017, Messi đã nghĩ rằng, Barca nên mua người đồng hương Angel Di Maria, người lúc đó đang chơi cho PSG. Ông Jorge Messi đã nói điều này với chủ tịch Josep Maria Bartomeu, nhưng vị chủ tịch tỏ ra không mặn mà lắm. Trong nỗ lực xoa dịu ngôi sao của mình, Bartomeu đã đưa ra một mức giá hỏi mua tương đối nực cười, khoảng 30 triệu euro, trong khi giá chào bán gần 60 triệu euro, như thể thanh minh với Messi: “Chú cũng đã cố gắng cháu à”.
Khi Jorge biết Barca chỉ hỏi mua với giá 30 triệu euro, ông ta liền đề nghị CLB đưa cho mình khoản tiền đó. Chuyện phi lý đã xảy ra, Barca liền đưa số tiền đó cho Messi. Khi Messi ký hợp đồng gia hạn vào tháng 11/2017, bản hợp đồng mà anh đã cố xé thông qua bản burofax khét tiếng vào năm 2020, số tiền này đã được đưa vào như một phần của các khoản tiền thưởng khác nhau mà Messi đã được hứa hẹn. Forbes ước tính rằng, Messi kiếm được khoảng 65 triệu USD từ các hợp đồng quảng cáo mỗi năm. Con số đó tương đương với số tiền mà anh nhận được từ PSG, đưa anh vào Top 3 VĐV thu nhập khủng, xếp sau Ronaldo và đứng trước Mbappe, bỏ xa LeBron James và Dustin Johnson.
Danh sách các thương hiệu và công ty đã chi tiền để đổi lấy sự hợp tác của Messi dài đến mức về cơ bản không thể liệt kê chi tiết ở đây. Những "tay to" như Adidas (ký hợp đồng trọn đời vào năm 2017), Pepsi, Louis Vuitton, Budweiser, MasterCard, Ooredoo, Byju's đều chi đẫm cho Messi. Sự hợp tác của Messi với Hard Rock Cafe liên quan đến việc họ gửi cho anh một cây đàn guitar điện được thiết kế đặc biệt dành riêng cho Messi và ra mắt sản phẩm bánh kẹp kiểu Messi, gồm hai miếng thịt bò, pho mát provolone, chorizo, hành tây caramen.
Tên tuổi, mặt mũi của Messi xuất hiện khắp mọi nơi, từ quần lót cho đến loại trà đắng truyền thống của người Argentina. Trong năm tới, “Trải nghiệm Messi”, dự kiến sẽ mở cửa ở Nam Kinh, Trung Quốc. Đây là một công viên giải trí mang chủ đề Messi và chỉ có Messi với quy mô siêu khủng. Chưa hết, còn có những giao dịch tiền điện tử với Leafty, Sorare, thị trường NFT Chuỗi Ethernity, BitGet và giao dịch lớn gần đây nhất là thỏa thuận trị giá 20 triệu USD/năm mà Messi đã ký với nền tảng tiền ảo Socios.
Messi cũng kiếm kha khá nhờ chấp thuận làm đại sứ du lịch cho cơ quan du lịch Saudi Arabia, thông qua một giao kèo ký năm ngoái. Về lý thuyết, điều này hoàn toàn chỉ để quảng bá du lịch Saudi Arabia, nhưng trên thực tế, nó nhằm mục đích tẩy rửa danh tiếng quốc gia và đưa World Cup tới đây vào năm 2034.
Tất cả số tiền Messi kiếm được đi đâu? Chà, hầu như rất khó để nói, nhưng anh có một quỹ tài trợ cho các dự án liên quan đến y tế và giáo dục trên khắp thế giới. Messi làm việc với UNICEF, đã quyên góp khoảng 1 triệu euro cho hai phòng khám ở Barcelona và Argentina trong đại dịch.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu Messi chỉ được thúc đẩy bằng động cơ hốt tiền càng nhiều càng tốt, thì tại sao anh không tới Saudi Arabia chơi bóng, giống như hầu hết các cầu thủ khác đang hăm hở làm? Lý do cũng không gì khác ngoài tiền bạc cả.
Ngoài việc Miami có thể đơn giản là một điểm đến thích hợp hơn vì có đông người Argentina sống ở đây (khoảng 10 vạn người), lại tương hợp về mặt khí hậu, văn hoá, tôn giáo, phong cách sống. Chúng ta cũng biết, Messi sở hữu kha khá bất động sản ở đây. Nhưng cũng có những lý do tài chính dài hạn. Cụ thể là tiến vào và sau đó chiếm lĩnh thị trường khổng lồ của Mỹ.
Ricardo Fort, một chuyên gia tài trợ và tiếp thị và tư vấn, cho biết: “Messi sẽ làm thay đổi lớn nền bóng đá Mỹ nhờ sự nổi tiếng của mình. Điều đó mang lại cho anh một lợi thế rất lớn, đặc biệt là so với Cristiano Ronaldo, người đang chơi ở Saudi Arabia, giải đấu gần như vô hình ở Mỹ. Từ quan điểm thương mại, tôi nghĩ rằng Messi sẽ ký nhiều hợp đồng lớn với các thương hiệu Mỹ khi World Cup 2026 đang đến gần”.
Các chi tiết tài chính trong hợp đồng với Inter Miami của Messi vẫn chưa rõ ràng, mặc dù nó bao gồm tùy chọn mua cổ phần của CLB, cũng như chia sẻ doanh thu từ các thuê bao mới cho Apple TV. Điều quan trọng, đây là 2 giá trị sẽ càng tăng tỉ lệ thuận với thời gian Messi ở đây. Fort nói: “Messi từ bỏ hàng núi tiền ngắn hạn của Saudi Arabia để hy vọng kiếm nhiều hơn tại Mỹ. Theo thời gian, với sự gia tăng ngày các giao dịch thương mại sẽ bù đắp khoảng cách về tiền lương. Và nó còn tạo dựng một sự nghiệp hậu cầu thủ lâu dài, bền vững”.
Messi có vẻ khá thụ động khi nói đến những thứ ngoài bóng đá. Anh giao mọi việc kinh doanh cho bộ ba gồm bố mình, anh trai Rodrigo và Pablo Negre Abello, người chịu trách nhiệm về tất cả các giao dịch thương mại. Messi chỉ làm những gì được bảo và xem dòng tiền chảy vào. Ấn tượng về một người đàn ông đặc biệt không liên quan đến công việc kinh doanh của anh đã được thể hiện trong phiên tòa xét xử Messi về tội trốn thuế năm 2016. “Tôi không biết gì cả,” Messi nói với tòa án ở Barcelona. “Tôi chỉ biết chơi bóng”.
Messi nói rằng, anh chưa bao giờ nói chuyện với luật sư của mình, chưa bao giờ hỏi bất kỳ câu hỏi nào về thuế, chỉ có một ý tưởng mơ hồ về các khoản tiền liên quan và đã ký bất kỳ hợp đồng nào được đưa ra trước mặt anh ấy. Messi nói: “Tôi đã ký chúng vì tôi tin tưởng cha mình và tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ông ấy sẽ lừa dối tôi”.
Khi thực sự phải thực hiện các hợp đồng quảng cáo, Messi miễn cưỡng thực hiện nhanh cho xong. Tuy nhiên, anh không gây ấn tượng xấu cho đối tác bằng “nhóm lợi ích” của mình, đối tượng đã hơn một lần được mô tả là “một kẻ khó chịu”. Đây cũng là trường hợp thường gặp của một ngôi sao lớn có đoàn tuỳ tùng dài thòng như đuôi sao chổi. Họ lớn tiếng tuyên bố, “Leo sẽ không làm điều đó, Leo không cảm thấy thoải mái khi làm điều này”, nhưng mọi người đều biết rằng, Messi không hề biết những thứ đó.
Liệu có quá ngây thơ hay hào phóng khi nghĩ rằng Messi thực sự không nghĩ nhiều đến tiền như vậy? Rằng anh chỉ làm những gì bố nói? Rằng anh không bao giờ thắc mắc bất cứ điều gì? Chúng ta có thực sự tin rằng anh không biết gì về những vấn đề đi kèm với việc quảng bá cho Saudi Arabia không?
Có thể đó là sự thật. Xét cho cùng, hầu hết chúng ta đều gặp đủ rắc rối trong việc quản lý công việc và gia đình của mình, và hầu hết chúng ta không phải làm công việc của mình trước hàng nghìn người mỗi tuần, mong đợi chúng ta làm được điều gì đó đầy cảm hứng. Phải thừa nhận rằng, hầu hết chúng ta cũng không có nhiều nguồn tiền vô hạn như Messi. Nhưng ngay cả như vậy, cũng khá hợp lý khi Messi chỉ đơn giản là để lại bất cứ thứ gì không liên quan đến hai thứ đó cho người khác làm, và chỉ ngồi xem tài khoản ngân hàng của mình ngày càng thêm nhiều số 0.
Nhưng Messi đã 36 tuổi. Anh có thể thực sự tuyên bố hoàn toàn không biết gì về thế giới xung quanh mình không? Có thể đây là mặt trái của việc bị ngắt kết nối đến mức anh không thực sự xem xét hậu quả của bất cứ điều gì mình làm. Giống như trốn thuế hoặc là một đại sứ hình ảnh cho một đất nước đầy tai tiếng.
Thật nhẹ nhõm khi Messi không đến chơi bóng ở Saudi Arabia, nhưng có lẽ chúng ta không nên giả vờ rằng đó là vì lý do ý thức hệ. Dường như vẫn có một ý kiến cho rằng, khi nhìn vào bối cảnh kình địch giữa Messi và Ronaldo, Messi là cầu thủ lãng mạn hơn, một biểu tượng thuần khiết và chân thật hơn. Nhưng tựu trung lại, Messi đang làm mọi việc theo định hướng kiếm tiền, cho dù đấy là bằng công việc mà anh đam mê - chơi bóng đá.
Đây là bài viết thuộc BIG STORY “Lionel Messi có phải là người chỉ biết mê tiền?”.
Quý độc giả có thể xem thêm tất cả các bài viết tại link sau: http://www.bongdaplusvn.com/bong-da-the-gioi/big-story-lionel-messi-co-phai-la-nguoi-chi-biet-me-tien-4074582308.html