Từ đầu giải, Nhật Bản mới để thủng lưới 3 lần, trong đó 1 bàn ở vòng bảng, 1 bàn ở vòng 1/8 và bàn còn lại tại bán kết. Các cô gái châu Á không hề chơi phòng ngự tiêu cực, mà ngược lại, họ thi đấu rất khoa học, hiệu quả và không quên những màn phản công sắc sảo. Trận bán kết với Anh là ví dụ điển hình. Ngoài sự xuất sắc của thủ thành Kaihori, bộ tứ phòng ngự Iwashimizu, Kumagai, Sameshima, Sakaguchi; thì Nhật Bản còn thể hiện được bản lĩnh vượt trội, khả năng tạo đột biến trước các cô gái Anh.
Nếu Nhật Bản chơi công thủ cân bằng, hiệu quả, thì Mỹ còn tuyệt vời hơn. Trên hành trình tiến tới chung kết, thủ thành Hope Solo cùng đồng đội chỉ để thủng lưới đúng 1 bàn, đó lại là bàn thua từ vòng bảng. Kể từ giai đoạn knock-out, các cô gái Mỹ luôn thể hiện được sự tập trung tối đa và hàng phòng ngự rất tuyệt vời. Hope Solo, Becky Sauerbrunn, Julie Johnston hay Morgan Brian đang làm nản lòng mọi chân sút. Có vẻ, phòng ngự được Mỹ ưu tiên số 1 ở giải đấu năm nay. Đội trưởng Christie Rampone còn không ngần ngại thừa nhận, nếu phòng ngự chặt chẽ và hiệu quả để lên ngôi hậu ở giải đấu này, thì đội bóng của cô cũng sẵn sàng với lối chơi ấy và tự hào khi thực hiện được điều đó.
Xem ra, đội bóng phòng ngự tốt hơn sẽ có cơ hội lên ngôi hậu tại Canada sáng ngày mai.
Giá vé xem chung kết tăng chóng mặt
Mặc dù đội chủ nhà Canada đã phải dừng chân ở tứ kết, nhưng trận chung kết World Cup nữ 2015 vẫn rất cuốn hút khi ĐKVĐ Nhật Bản chạm trán Mỹ khiến giá vé trận cầu đỉnh cao này khá đắt đỏ. Theo báo chí Anh, ngay sau khi Mỹ giành vé vào chung kết, giá đã được đẩy lên chóng mặt ở ngoài “chợ đen” với mức cao nhất lên đến 800 USD/vé. Càng sát đến giờ bóng lăn, thị trường vé tại Vancover (nơi diễn ra trận chung kết) càng náo nhiệt. “Đây là trận đấu có vé đắt nhất ở Bắc Mỹ kể từ năm 2010”, một tay “cò” vé tên là Anthony Beyrouti cho biết.