Tình cảm của các CĐV dành cho bóng đá hay thể thao nói chung là một thứ tình cảm rất khó lý giải, nó đôi lúc được cho là mạnh hơn cả tình yêu, cả đời chỉ đi theo một CLB cho dù nó có thăng trầm thế nào.
Cuộc sống đôi khi có những người rất may mắn, tìm được người chia sẻ với họ cả tình yêu lứa đôi lẫn tình yêu bóng đá. Trên tuần báo Bóng Đá & Cuộc Sống, chúng tôi đã từng kể về câu chuyện của những đám cưới tại Việt Nam diễn ra giữa các CĐV Bayern Munich hay là Arsenal. Họ quen nhau vì tình yêu bóng đá trước khi đến với nhau và cùng xây dựng gia đình. Tất nhiên, bạn cũng đã đọc về các đám cưới được tổ chức ở Nou Camp, hoặc một chiếc váy cưới được cắt ra từ áo thi đấu của Man City.
Nhưng đó là những người may mắn, vì hai thứ tình cảm này rất thường xuyên mâu thuẫn với nhau.
Năm 2008, ở Anh, cộng đồng bóng đá xôn xao lên vì một “lá đơn ly dị” độc nhất vô nhị. Trên một cầu vượt ở thành phố West Bromwich, một phụ nữ đã giăng lên một tấm biểu ngữ lớn: “Jack, có thật là Villa quan trọng hơn cuộc hôn nhân của chúng ta không? Mọi thứ kết thúc rồi. Ký tên: Jess”.
Những độc giả của bài viết này, đa phần là các CĐV bóng đá, sẽ hiểu rõ hơn ai hết về việc bóng đá ảnh hưởng tới cảm xúc và hành xử trong cuộc sống thường ngày của họ ra sao. Một điều tra năm 2010 chỉ ra rằng một ngày sau trận thua 1-4 của Anh trước Đức tại VCK World Cup 2010, số vụ bạo lực gia đình của Anh tăng tới 31,5% so với mức trung bình. Đội nhà thua trận bực tức đã đành. Nhưng ngay cả khi chiến thắng, sự hưng phấn quá đà cũng có thể gây hại đến cuộc sống ngoài màn hình TV: sau trận thắng Slovenia ở vòng bảng năm đó, số các vụ bạo hành cũng tăng 27,7%.
Một thống kê khác: tổng hợp số liệu từ cảnh sát Scotland từ năm 2008 đến 2011, người ta phát hiện ra rằng số vụ bạo hành gia đình cũng tăng mạnh sau các trận Old Firm – trận derby kinh điển giữa Rangers và Celtic. Nếu trung bình những dịp cuối tuần Rangers hoặc Celtic không gặp nhau, con số các vụ trung bình chỉ là 30, thì tới Old Firm, nó tăng lên thành 107.
Cách đây vài tháng tổ chức vì quyền phụ nữ Woman Aid đã phải tổ chức một chiến dịch vận động chống lại bạo lực gia đình với mục tiêu hướng tới một kỳ World Cup 2014 không có “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Chuyện không hề là chuyện đùa.
Cảm xúc sau những trận thắng hoặc trận thua quan trọng là rất mạnh, và khi nó không gặp được sự chia sẻ, hoặc thậm chí tệ nhất là gặp phải sự phàn nàn, thì sẽ rất dễ phát sinh các phản ứng tiêu cực. Một vụ cãi cọ nhỏ vì quên rửa bát khi tâm trạng đang rối bời hoặc một gáo nước lạnh lúc đang hưng phấn nhất, đều có thể khiến tình cảm rạn vỡ ở mức không ngờ.
Như vậy, bóng đá có hòa hợp được với tình yêu? Tất nhiên, tình yêu luôn đầy tính vị tha và nó sẽ sẵn sàng dang tay ra đón nhận mọi sự khác biệt. Nhưng vấn đề là bạn có cho nó một cơ hội hay không: nếu ngay từ đầu, bạn cố lờ đi sự xung đột giữa tình cảm dành cho bóng đá (thứ mà đối phương có thể cho là phù phiếm) thay vì tìm cách hòa hợp nó, có thể bạn sẽ đối mặt với những giây phút rất mất bình tĩnh.
Bóng đá, thật ra chỉ là một đại diện rất tiêu biểu cho những niềm đam mê cá nhân, những thứ luôn có thể gây hại cho tình yêu nếu ta không tìm cách dung hòa từ đầu.