Hôm thứ Năm, Xavi tuyên bố giã từ sự nghiệp cầu thủ vào cuối mùa giải này, sau khi đã cống hiến 17 năm cho Barcelona và 4 năm cho Al-Sadd. Không ai trong lịch sử bóng đá giỏi kiểm soát trận đấu như chàng tiền vệ nhỏ bé người Tây Ban Nha; cũng không ai dễ dàng nhìn thấu từng đường đi nước bước của quả bóng như anh. Xavi chơi như thể anh nhìn trước được tương lai, như thể anh là Laplace tái thế.
Xavi là trung tâm, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của từ này, của hai đội bóng thống trị thế giới trong thế kỷ 21. Chính anh chứ không phải Thierry Henry, Gerard Pique hay thậm chí thiên tài Lionel Messi là người ra lệnh Barca và ĐT Tây Ban Nha chơi theo cách của mình: kiểm soát bóng bằng những đường chuyền ngắn trong phạm vi hẹp, gây rối loạn và làm kiệt quệ đội hình đối phương bằng những bước di chuyển thông minh và phức tạp. Xavi có thể tìm thấy những khoảng trống rất nhỏ để tấn công vào đó. Từ năm 2008 đến 2012, anh giành 2 Champions League, 3 La Liga, 2 EURO và 1 World Cup, tất cả những gì cao quý nhất một cầu thủ có thể mơ tới.
Tuy nhiên, bởi vì những gì Xavi làm trông có vẻ đơn giản, phải mất nhiều năm anh mới được nhìn nhận một cách xứng đáng. Thậm chí kể cả sau khi giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất EURO 2008 và trải qua mùa giải thống trị nhất lịch sử bóng đá cùng Barca của Pep Guardiola, tờ Daily Mail vẫn đăng tít báo “Những cầu thủ hay nhất thế giới (và Xavi)” để minh họa 5 ứng viên cho danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA. Bất chấp những gì đã có được, anh vẫn bị đánh giá thấp. Tờ FourFourTwo nhìn nhận công bằng hơn khi xếp anh đứng thứ 50 trong danh sách những cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại vào năm 2017, dù thứ hạng đó có vẻ vẫn là quá nực cười.
Có lẽ những đánh giá đó đến từ thực tế rằng Xavi quá khác so với những tiền vệ thần tượng trước anh. Khách quen của những cuộc chiến không hồi kết trên sân cỏ Roy Keane, Patrick Vieira; những cầu thủ sáng tạo vô tận như Kaka và Pavel Nedved. Xavi là sự tương phản hoàn toàn với cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2006 Zinedine Zidane. Ở tuổi 34, Zidane vẫn chi phối các trận đấu, tỏa sáng rực rỡ như một ngôi sao màn bạc bằng lối chơi hào hoa của mình. Bạn luôn dõi theo anh, chờ đợi một sự đột biến ở anh, bao gồm cả cú húc đầu đã đi vào lịch sử.
Xavi lại khác. Anh là một trạm trung chuyển, dẫn dắt trận đấu nhưng không quá dồn dập. Không phải khi nào bạn cũng chú ý đến anh ta, một phần bởi anh di chuyển rất rộng. Bất chợt, Xavi có thể tung ra một đường chuyền 1 chạm qua hai tuyến phòng ngự đối phương. Những đường chuyền không tưởng của anh sẽ cho chúng ta thấy tầm hiểu biết về bóng đá của chúng ta hạn hẹp thế nào. Anh tìm ra những phương án chuyền bóng nhanh hơn bất kỳ ai.
Sự góp mặt của Xavi là phép nhân thay vì phép cộng đối với mọi đội bóng. Anh làm cho toàn đội chơi hay hơn. Anh đã giúp Barcelona và ĐT Tây Ban Nha tạo ra một kỷ nguyên chiến thắng. Tiếp nối chiến thắng của Tây Ban Nha ở World Cup 2010, lối chơi tiqui-taca đã càn quét thế giới. Brendan Rodgers tỏa sáng ở Swansea với lối chơi lấy cảm hứng từ tiqui-taca để rồi được Liverpool bổ nhiệm. Juergen Klinsmann được ĐT Mỹ kí hợp đồng vào năm 2011 sau khi hứa hẹn về một lối chơi kiểm soát bóng: “Nếu gặp Brazil hay Argentina, bạn có thể phải chơi khác với khi gặp một đội CONCACAF, nhưng chúng tôi muốn kiểm soát bóng, chúng tôi muốn điều tiết nhịp độ trận đấu, muốn các cầu thủ trau dồi kĩ thuật để giữ bóng. Đó sẽ là một sự khởi đầu”.
Những đội bóng như Inter Milan của Jose Mourinho đã mở ra phương án khắc chế tiqui-taca bằng cách tạo ra những boongke rối rắm nhằm ngăn cản Xavi và Andres Iniesta, trước khi lối chơi pressing và counter pressing xuất hiện như những khắc tinh của tiqui-taca. Trang viết về Tiqui-taca của Wikipedia liệt kê phần dài nhất là danh sách những đội đã cố gắng đánh bại Tây Ban Nha và Barca, khởi đầu bằng ĐT Mỹ giành chiến thắng ở bán kết Confed Cup 2009, thất bại đầu tiên của La Roja sau 36 trận.
Khi tuổi tác bắt kịp Xavi, tiqui-taca cũng sụp đổ. Người ta nhanh chóng nhận ra rằng, thay vì là một cuộc cách mạng chiến thuật, tiqui-taca đơn giản chỉ là thứ lối chơi được “đo ni đóng giày” cho thiên tài của người Tây Ban Nha. Không còn chàng phi công bé nhỏ ở đỉnh cao của mình, tiqui-taca trở thành một cỗ máy dễ bị đánh sập. ĐT Tây Ban Nha bị loại sớm ở vòng bảng World Cup 2014.
Barcelona đã phải tiến hóa bằng cách đẩy nhanh tốc độ chơi bóng, và giành 4 danh hiệu La Liga trong 5 năm gần nhất. La Roja khó thích nghi hơn và bị chủ nhà Nga hạ gục ở World Cup 2018. Ngay cả Guardiola cũng không chọn lặp lại phong cách ông từng tạo dựng ở Barca khi đến Man City, bởi ông hiểu không có Xavi, tiqui-taca không thể đảm bảo cho thành công.
Tương lai của Xavi, có lẽ chẳng cần tới học thuyết của Laplace để đoán, sẽ là huấn luyện. Anh có thể khởi đầu ở Qatar, thậm chí ngay tại Al-Sadd, hoặc ĐTQG nước này trước kỳ World Cup 2022 diễn ra trên sân nhà. Hoặc những bến đỗ khác. Nhưng nơi cuối cùng anh muốn trở về chỉ có một: Barcelona.
Không một người Barcelona nào đậm nét văn hóa Catalan như Xavi. Dù ở Qatar, anh vẫn mang đầy đủ triết lý CLB, được phỏng vấn mỗi khi cần tham khảo ý kiến về đội bóng cũ, hay sự rời đi của Neymar để tới PSG. Ngày tuyên bố giã từ sự nghiệp sân cỏ, anh phát biểu, một cách rất Barca: “Tôi thích xem các đội bóng chiếm thế chủ động trên sân, chơi bóng đá tấn công và kiểm soát bóng, đó là những gì chúng ta yêu thích từ khi còn nhỏ”.
Một ngày nào đó, khi trở về Barcelona, triết lý ấy của Xavi sẽ được nhắc lại. Liệu qua thời gian, anh có phải thay đổi tư duy vì sự khắc nghiệt của nghiệp HLV? Hay anh sẽ là người đầu tiên tìm ra câu trả lời cho đề tài khó giải: Làm sao để chơi tiqui-taca mà không có Xavi?