Ngày mai, 8/3 là ngày sinh nhật lần thứ 70 của Florentino Perez, vị chủ tịch giàu ảnh hưởng bậc nhất trong lịch sử bóng đá nói chung và Real Madrid nói riêng. Hôm qua, 6/3 lại là ngày kỷ niệm 115 năm thành lập Real Madrid, đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ XX do FIFA bầu chọn (xếp trên cả đội tuyển Brazil với 4 chức vô địch thế giới) và tiếp tục vĩ đại bậc nhất trong thể kỷ XXI.
Không chỉ ngày sinh, số mệnh dường như gắn chặt Perez lấy Real, để từ Perez, Real có thể kẻ nên một đường thẳng chói rọi xuyên suốt lịch sử bóng đá châu Âu. Đường thẳng ấy được tạo nên bởi thứ giá trị cốt lõi mang thương hiệu Real, thứ giá trị không một đội bóng nào khác sở hữu, thứ giá trị khiến họ bị mọi đội bóng thù ghét nhưng cũng khiến mọi vì tinh tú trên bầu trời túc cầu đều ao ước tận hiến cho màu áo trắng tinh khôi. Đó là sự ngạo nghễ.
Sự ngạo nghễ ấy khởi phát từ phiên hiệu Hoàng gia do vua Alfonso XIII ban tặng (Real có nghĩa là Hoàng gia). Sự ngạo nghễ ấy được tạo dựng bởi ngài chủ tịch quá cố Santiago Bernabeu. Giữa điêu tàn hậu chiến, khi mà người ta phải gỡ ghế khán đài Chamartin (sân cũ Real) để làm... củi đun, Bernabeu bằng các mối quan hệ và tài quản trị đã đưa đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha lên vị thế kẻ thống trị tuyệt đối bóng đá châu Âu.
Bằng thế hệ tài tử sân cỏ Alfredo Di Stefano, Rial, Gento, Ferenc Puskas và Raymond Kopa, Real vô địch C1 (tiền thân của Champions League) 5 lần liên tiếp, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Và sự ngạo nghễ ấy được tái sinh bởi Perez, chú bé lên 10 của hơn nửa thế kỷ trước từng ngã dập môi vì mải mê mẩn chiêm ngưỡng thế hệ tài tử của Bernabeu tung hoành.
Không phải Perez liệu ai tin Figo sẽ về Real
Perez có thể không phải là người chấm dứt cơn khô hạn danh hiệu kéo dài hơn 30 năm của Real tại đấu trường danh giá nhất châu Âu. Tuy nhiên, chính ông trùm xây dựng này đã đưa đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha trở lại vị thế kẻ cả tại lục địa già bằng những màn áp-phe có một không hai, những đề nghị không thể chối từ và cả những buổi nói chuyện phải quấy khiến đối phương nổi gai ốc.
Hãy nhìn cái cách Perez lập đầu danh trạng. Ông bảo đưa Luis Figo về Bernabeu, người tiền nhiệm đồng thời là đối thủ trong cuộc tranh cử năm 2000 Lorenzo Sanz cười khẩy: “Có thể tiếp theo lão dám tuyên bố mua siêu mẫu Claudia Schiffer lắm”. Không chỉ Lorenzo Sanz, hẳn nhiều người có cùng suy nghĩ như vậy vào thời điểm bấy giờ, bởi Figo lúc ấy là ngôi sao số một của Barcelona.
Vậy mà Perez làm được thật. Bằng những thủ thuật quái chiêu và phí chuyển nhượng không tưởng, Perez biến Figo trở thành thương vụ kinh thiên động địa nhất lịch sử. Sau vụ "lấy số" này, mọi đội bóng đều phải nhìn Real và Perez với con mắt e dè. Mua được Figo tức chẳng có cầu thủ nào, chẳng có đội bóng nào Perez không đụng đến được.
Còn Barca? Mất Figo chẳng nhưng ảnh hưởng lớn đến tiềm lực (sau khi mất Figo, 3 mùa tiếp theo Barca đều trắng tay, lần lượt xếp ở vị trí thứ 4, 4 và 6 tại La Liga) mà còn xem như phải nhận một cái tát đau điếng về mặt danh dự. Rồi sau đó Perez còn mùa Zidane, mua Beckham, mua Ronaldo...
Sau đó, hãy nhìn cái cách Perez trở lại. Trong mùa Hè đầu tiên tái cử chức chủ tịch Real (2009), Perez khiến cả châu Âu run rẩy với việc chi ra 218,79 triệu bảng để chiêu binh mãi mã. Trong số những vì tinh tú cập bến Bernabeu có Cristiano Ronaldo (QBV 2008), Kaka (QBV 2007) rồi Karim Benzema, Xabi Alonso...
Real tốn nhiều tiền mua ngôi sao nhưng không hề thua lỗ
Để thấy sự đáng sợ của Perez, cần nhìn lại lịch sử chuyển nhượng của Real dưới thời Ramon Calderon. Giai đoạn từ 2006-2009, vị chủ tịch này chẳng thực hiện thương vụ nào quá 30 triệu bảng và có thời điểm cùng quẫn tới mức phải hỏi mùa Julian Faubert, một cầu thủ hạng... lông của West Ham.
Tuy nhiên, đừng nhầm tưởng Perez là kẻ ném tiền qua cửa sổ theo cái kiểu một vài nhà tài phiệt đang đầu tư vào bóng đá ngày nay. Đầu tiên là vấn đề thành tích, Real dưới thời Perez 3 lần vô địch Champions League, 2 lần đăng quang tại đấu trường La Liga. Nếu so danh hiệu, chỉ có Barca là ngang cửa và nên nhớ đội bóng xứ Catalan phát triển cực thịnh suốt 10 năm qua nhờ thế hệ xuất chúng Messi, Xavi, Iniesta.
Thứ hai là vấn đề kinh tế. Real thời Perez tiêu nhiều tiền vì kiếm được quá nhiều tiền. Không phải ngẫu nhiên những cầu thủ đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha nhắm tới toàn vào hàng đẹp trai, đá bóng giỏi, nói chung là có sức hút với truyền thông. Trên thực tế có một thỏa thuận ngầm về tỷ lệ ăn chia tiền quảng cáo giữa Real và các bản hợp đồng bom tấn.
Cụ thể, Real sẽ tận dụng tên tuổi của các ngôi sao để ký các hợp đồng quảng cáo cho các cầu thủ ấy. Tỷ lệ ăn chia sẽ là 60-40, Real phần nhiều hơn. Ví dụ như Ronaldo năm 2016 vừa qua kiếm được 32 triệu USD từ quảng cáo, tức Real sẽ kiếm về gấp rưỡi số tiền ấy từ những hợp đồng của siêu sao Bồ Đào Nha. Vậy Real lời hay lỗ khi chiêu mộ Ronaldo?
Infographic: Hai nhiệm kỳ của Perez ở Real Madrid (Ấn vào ảnh để xem kích thước lớn)