Vụ việc diễn ra trong trận bán kết thứ 2, giải bóng đá nữ VĐQG 2018 giữa hai đội TP.HCM I với Than KSVN. Ở phút bù giờ thứ 4, một cầu thủ Than KSVN có pha vào bóng nguy hiểm sát đường biên. Sau đó, cầu thủ áo đỏ của CLB TP.HCM 1 chạy theo đánh nguội từ phía sau để trả đũa. Cầu thủ hai đội đã lao vào đánh nhau, khán giả cũng tràn xuống sân tham gia và ống kinh của đài truyền hình VTV6 đã ghi lại cảnh tượng loạn đả gây sốc này.
Dù ở bất kỳ giải đấu nào, mọi hành động bạo lực trên sân cỏ đều cầu phải lên án và cần những án phạt nghiêm minh để răn đe, làm gương cho các VĐV. Chắc chắn, các cầu thủ của TP.HCM I và Than KSVN sẽ nhận những án phạt thích đáng để hình ảnh mã thương trong bóng đá không bị vấy bẩn bởi những cú kungfu xấu xí như đã đề cập.
Có thể nói, màn loạn đả trên sân Thống Nhất đã khiến cho nhiều người bị sốc nặng, bởi với bóng đá Việt Nam, chuyện những cầu thủ nam “nói chuyện với nhau bằng tay” đã không hề xa lạ. Đáng nói và đáng bàn ở đây vụ việc những nữ nhi thường tình đã biến sân cỏ thành sàn đấu với những cú ra đòn nằm ngoài trí tưởng tượng của nhiều người.
HLV Đoàn Thị Kim Chi của TP.HCM 1 chia sẻ rằng: “Cả cuộc đời đi đá bóng chưa bao giờ trong đầu lại mượng tượng ra các cô gái lại lao vào nhau với những hành động bạo lực như thế. Bản thân tôi cảm thấy có lỗi và thấy ân hận vì để các học trò bột phát như vậy. Dẫu thế, cảm thấy thương vô cùng họ bởi phận nữ đá bóng vốn đã thiệt thòi trăm thứ. Sau vụ việc này, sẽ vô cùng đáng tiếc nếu như án phạt khiến cho các em bị nhụt ý chí, bởi đến với bóng đá đã khó, kiếm sống bằng nghề mà giữ được đam mê lại càng khó hơn”.
Nữ tuyển thủ Thùy Trang từng khóc hết nước mắt vì không thể kiếm được 100 triệu đồng giúp mẹ trị bệnh
Nói đến chuyện “kiếm cơm” bằng nghề của các cô gái nữ hẳn nhiều người sẽ nhắc đến các đồng nghiệp nam của họ. Ở V.League bây giờ, chuyện ngôi sao A được nhận vài ba tỷ lót tay/năm, nhận mức lương 40-50 triệu đồng/tháng không hề xa lạ. Thậm chí, một cầu thủ ngồi dự bị, nếu được ký hợp đồng chuyên nghiệp cũng nhận được mức lương cả chục triệu trở lên. Chưa nói, mỗi khi đội thắng họ còn nhận được thêm một khoản “lì xì” nước nôi, tiền tiêu vặt. Một cầu thủ của Becamex Bình Dương từng tiết lộ với chúng tôi, ngoài tiền lương, có tháng anh ta nhận số tiền hơn cả trăm triệu đồng tiền thưởng.
Thực tế, trên thế giới, chuyện các cầu thủ nam có thu nhập chênh lệch so với các đồng nghiệp nữ là chuyện bình thường. Ngôi sao người Brazil - Marta Vieira, người được xem cô gái vàng của bóng đá nữ từng nhận được mức lương vô cùng khủng khiếp lên tới 500.000 USD/năm. Tuy nhiên, nếu đặt bên người đồng hương Neymar với mức lương 600.000 bảng/tuần tại Paris Saint-Germain thì con số của Marta chỉ là... muỗi. Điều đó đó dễ hiểu khi mà giá trị bản thân các cầu thủ và giá trị thương hiệu, bản quyền truyền hình... các giải đấu giữa bóng đá nam và nữ là có độ vênh quá lớn.
Chẳng dám nhìn lên Marta mà thở than, các cầu thủ cô gái Việt Nam chỉ mơ ước có có được đồng lương đủ sống với nghề và giữa lửa đam mê. Những đội bóng hàng đầu như Hà Nội, TP.HCM, Than KSVN đều được xem là “hạng sang” nhưng có người mức lương chỉ có 3-4 triệu đồng tháng. Còn những đội bóng như Phong phú Hà Nam, Thái Nguyên... chỉ nhận được trên 2 triệu đồng/tháng, có người chỉ được 1,5-2 triệu đồng/tháng.
Đến đây lại nhớ đến những câu chuyện đã làm lay động trái tim của của một vài cô gái đi đá bóng. Cựu tuyển thủ U19 Việt Nam - Lê Thị Thu từng muốn quyên sinh vì căn bệnh xuất huyết suy giảm tiểu cầu miễn dịch. Cầu thủ của Than KSVN đã phải cắt lá lách để có thể duy trì sức khỏe và ngăn chặn căn bệnh quái ác này. quả thật, nếu không có sự hỗ trợ của mọi người, của các đồng nghiệp có lẽ Thu đã không còn nhìn thấy ánh mặt trời.
Nhà vô địch SEA Games 29, Trần Thị Thùy Trang cũng từng khóc hết nước mắt vì không thể lo cho mẹ 100 triệu đồng để giúp mẹ phẫu thuật xạ trị căn bệnh quái ác ung thư... Hay hình ảnh tiền vệ Nguyễn Thị Liễu phải mưu sinh bằng cách bán rau thêm ngoài chợ... Trước đó nữa, tuyển thủ sinh ra trong gia đình nghèo khó này đã suy sụp vì người mẹ của mình qua đời nhưng cô đã nén đau thương để lên tập trung cùng đội tuyển...
Vâng, phận nữ nhi đá bóng dãi nắng dầm mưa đã thiệt thòi trăm thứ. Thật khâm phục thay, họ dám dấn thân cho đam mê và đó cũng là cái nghiệp mà nhiều người vẫn nói rằng: sinh ra ở đời đã bị cuốn vào chân.
Vâng, sau một sự cố nếu ai đó phải rẽ lối thì quả là đáng tiếc và xót xa. Thương quá tóc dài ơi!