1. Sự thiếu ổn định
Không phải đến bây giờ người ta mới nói nhiều về “bộ mặt” thất thường của Dortmund. Ngay từ hồi đầu mùa giải, đội bóng vùng Ruhr đã liên tục thể hiện sự sa sút đáng kể so với năm ngoái. Tại Bundesliga, họ trình diễn một phong độ hết sức “phập phù” để rồi phải chấp nhận nhìn Bayern Munich “làm mưa làm gió” với khoảng cách… 23 điểm nhiều hơn trên BXH.
Bước ra sân khấu châu Âu, với tư cách là nhà đương kim Á quân Champions League, thầy trò HLV Klopp cũng chỉ chơi khá khẩm hơn một chút. Tại vòng bảng, Dortmund bằng điểm với Arsenal và Napoli nhưng lọt vào vòng knock-out nhờ hơn về hiệu số. Rạng sáng nay, trước một Zenit chơi vô cùng bùng nổ và hiệu quả, đại diện của Đức nhiều phen phải… thót tim.
Trong bối cảnh sẽ phải chạm trán với những đối thủ cực kỳ rắn mặt tại vòng tứ kết, Dortmund vẫn trình diễn một phong độ thiếu ổn định thế này, họ chắc chắn sẽ không có cửa tiến xa.
2. Lối chơi không đa dạng
Mùa giải năm ngoái, Dortmund từng được biết đến như một đội bóng có lối chơi tấn công hấp dẫn nhất châu Âu. Nhưng sang năm nay, có vẻ như thầy trò Klopp đã bị bắt bài. Đa số các đối thủ kể từ đầu mùa đến giờ đều có những phương án nhất định để “vô hiệu hóa” hàng công của đội bóng vùng Ruhr.
Trên thực tế, phải thừa nhận rằng Dortmund đá tấn công vẫn hay, vẫn đẹp mắt đúng như sở trường của họ. Tuy nhiên, đội chủ sân Signal Iduna Park gần như không có khả năng ứng biến trong những thời điểm gặp bế tắc. Mỗi khi gặp khó khăn, thay vì đưa ra những giải pháp thực dụng hơn, HLV Klopp lại để các học trò tiếp tục “hồn nhiên”chơi tấn công để rồi thường xuyên phải trả giá đắt vì sự “vô tư” của mình.
3. Hàng phòng ngự lỏng lẻo
Dortmund chưa bao giờ được đánh giá cao trong phòng ngự. Đặc biệt là sau chấn thương dài ngày của trung vệ Neven Subotic, hàng thủ đội bóng vùng Ruhr đã trở nên mong manh hơn rất nhiều.
Cả hai lượt trận đi và về gặp Zenit tại vòng 1/8 Champions League, thầy trò HLV Klopp đều bị thủng lưới 2 bàn mỗi trận. Rõ ràng, trước một hàng công không quá mạnh của đội bóng nước Nga mà Dortmund còn gặp khó khăn đến như vậy, thì khi đối mặt với những Bayern Munich, Real Madrid hay Barcelona, họ sẽ phải làm thế nào để ngăn chặn được đối phương?
4. Lực lượng mỏng, thiếu đồng đều
Trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm ngoái, báo giới châu Âu từng nhắc nhiều đến việc Mario Goetze ra đi sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đội hình của Dortmund. Cho tới thời điểm này, nhận định trên là hoàn toàn chính xác.
Bộ đôi tân binh Henrikh Mkhitaryan và Aubameyang xét trên khía cạnh nào đó, đã hòa nhập tương đối tốt. Tuy nhiên, để họ ngay lập tức trở thành những nhân tố quyết định thì xem chừng vẫn là một nhiệm vụ không dễ dàng gì.
Ngoài ra, những chấn thương dài ngày của Ilkay Gundogan, Lukasz Piszczek hay Neven Subotic cũng khiến Dortmund gặp khó khăn do chất lượng giữa đội hình chính và đội hình dự bị quá chênh lệch.
Ở vòng tứ kết, đại diện của Bundesliga còn phải đối mặt thêm với sự thiếu vắng tiền đạo chủ lực Robert Lewandowski, do lãnh án treo giò do nhận đủ số thẻ sau trận lượt về gặp Zenit. Đây cũng là một tổn thất hết sức đáng kể với Dortmund bởi ai cũng biết Lewandowski là một chân sút bùng nổ như thế nào.