Chờ đợi những cuộc chia tay
Trên chuyến bay từ Moscow đến Frankfurt, mặc dù chỉ mất 3 tiếng nhưng với các thành viên ĐT Đức, nó kéo dài như cả thế kỷ. Mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng, đặc biệt là những cựu binh. Suốt một thời gian dài quen với chiến thắng, thất bại tủi hổ trên đất Nga là quá sức đối với họ. Nó có thể dẫn tới một sự từ bỏ.
Là người lớn tuổi nhất trong đội (32), Mario Gomez nhiều khả năng sẽ là người đầu tiên nói lời từ biệt. Trong chiến dịch lần này, anh chỉ là nhân tố phụ. Nhưng khi được trao cơ hội, lại bỏ lỡ những tình huống đặc biệt ngon ăn, mà nếu tận dụng tốt, sẽ thay đổi vận mệnh Mannschaft. Lòng tự trọng cũng có thể khiến Mats Hummels giã từ đội tuyển.
Là người đầu tiên lên tiếng sau thất bại, trong đó chỉ ra rằng mầm mống thất bại đã nhen nhóm trong đội từ cách đây 8 tháng, trung vệ 29 tuổi tỏ rõ sự chán nản. Không những thế, anh thừa nhận sẽ bị “ám ảnh suốt đời” với pha đánh đầu chệch khung thành ở cuối trận. Thật khó để tiếp tục khoác áo ĐTQG với tâm trạng đó.
Thời gian ở Mannschaft có lẽ cũng đã hết với Sami Khedira. Tiền vệ 31 tuổi đã chơi rất tệ trong cả 2 thất bại trước Mexico và Hàn Quốc. Anh không ngăn chặn nổi các pha phản công, đồng thời không thể gây dựng nhịp điệu và gây thất vọng về sự thiếu sáng tạo ở hàng tiền vệ.
Trong sự chán nản, người hâm mộ Đức cũng không muốn thấy Mesut Oezil tiếp tục khoác áo Mannschaft. Ngôi sao của Arsenal là nhân vật gây tranh cãi ngay trước thềm giải đấu. Bước vào World Cup, Oezil gần như vô hình. Những đường chuyền ngoạn mục đã bị anh bỏ lại Arsenal.
ĐT Đức lầm lũi ra sân bay Vnukovo tại Nga để lên đường về nước
Điều chỉnh từ thượng tầng
Vụ lùm xùm của Oezil cũng cho thấy sự ngây thơ và thiếu nhạy bén của trưởng đoàn Oliver Bierhoff cùng Chủ tịch LĐBĐ Đức (DFB) là Reinhard Grindel. Cả hai đã không nhận thức được tính nghiêm trọng của vụ việc, để sau đó gây chia rẽ trong nội bộ tuyển Đức và với người hâm mộ. Những tiếng la ó từ khán đài hướng về Oezil cũng khiến tâm lý những cầu thủ khác bị ảnh hưởng.
Đó chỉ là một trong nhiều sai lầm của DFB. Những người đứng đầu bóng đá Đức đã lạc quan thái quá và lờ đi những vấn đề tại đội tuyển, cùng như ảo tưởng rằng đội bóng này đủ sức vô địch một lần nữa. Họ đã không nhạy bén trong việc tính toán điểm rơi phong độ của Mannschaft.
Và khi sự uể oải cũng như thiếu cảm hứng hoàn toàn có thể nhận ra trong 10 tháng qua, nhưng DFB không biết cách để tạo động lực. Tiền thưởng cho khả năng vô địch World Cup cho mỗi cầu thủ chỉ là 350.000 euro, thấp hơn cả một tuần lương của Oezil tại Arsenal (400.000 euro).
Vì vậy, cần thiết phải có sự thay đổi, đầu tiên là trong suy nghĩ của giới lãnh đạo DFB. Sau đó, xây dựng kế hoạch phát triển khác, bên cạnh việc tái cấu trúc Mannschaft nhằm hướng tới EURO 2020. Thất bại ở Nga không phản ánh cả nền bóng đá, do đó không nhất thiết phải tiến hành một cuộc cách mạng. Nhưng những điều chỉnh lớn là bắt buộc.
Tuyển Đức bị loại, fan Brazil háo hức ăn mừng |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |
Lòng tự trọng của người Đức Trước giải đấu trên đất Nga, kỳ World Cup tệ nhất của Đức là năm 1998, khi họ thua thảm 0-3 trước Croatia ở tứ kết. Sau giải đấu đó, có tới 8 cầu thủ không bao giờ khoác áo ĐTQG thêm lần nữa, gồm Andreas Koepke, Juergen Klinsmann, Thomas Helmer, Juergen Kohler, Olaf Thon, Stefan Reuter, Michael Tarnat và Steffen Freund. Tiền vệ Sami Khedira: “Những cầu thủ nhiều kinh nghiệm trong đội tuyển Đức phải chịu trách nhiệm cho tất cả những điều tồi tệ này, bao gồm cả tôi. Mặc dù lời xin lỗi là không đủ, nhưng tôi vẫn phải nói điều đó, tôi xin lỗi vì thất bại”. |