Xét trên lý thuyết, Đức là ƯCV sáng giá nhất cho chức vô địch EURO 2016, nhất là khi TBN đang sa sút còn chủ nhà Pháp chưa cho thấy tiềm năng thật sự của ứng viên sáng giá.
Nói cách khác, đối thủ lớn nhất của Đức chỉ có thể là… Mannschaft.
Hơn ai hết, Đức hiểu rõ đăng quang ở các giải lớn như EURO hay World Cup rất, rất khó. Chính Mannschaft là ví dụ tiêu biểu. Đức 4 lần vô địch thế giới, nhưng cũng 4 lần về nhì và 4 lần hạng 3. Ở giải vô địch châu lục, Đức 3 lần đăng quang nhưng cũng là á quân 3 lần và 2 lần hạng ba. Năm 2012, Mannschaft được xem là ứng viên nặng ký nhất ở giai đoạn knock-out nhưng rốt cuộc lại thất bại bất ngờ trước Italia ở bán kết EURO. Nhờ đó, TBN không phải gặp Đức ở chung kết. Mannschaft bỏ lỡ cơ hội rất tốt đòi lại món nợ thua TBN ở chung kết EURO 2008. TBN đè bẹp Italia ở chung kết EURO 2012, xem trận đấu này hẳn NHM Đức sẽ hối tiếc không ít. Lẽ ra, đội bóng của Joachim Loew không đáng thua Italia vốn phải dựa vào Mario Balotelli lúc tỏ lúc mờ cùng một Andrea Pirlo tuy giàu kinh nghiệm và khôn ngoan nhưng không còn ở đỉnh cao.
Thua Italia ở bán kết EURO 2012
EURO hay World Cup 4 năm mới có một lần, nghĩa là cơ hội vô địch cực kỳ hiếm hoi trong bối cảnh có quá nhiều đội bóng mạnh và quá nhiều lý do để thất bại trước ngưỡng cửa thiên đàng. Đức sau khi giành hạng 3 World Cup 2006, hạng nhì EURO 2008, hạng 3 World Cup 2010, hạng 3 EURO 2012 tất yếu đứng trước nỗi hoài nghi lớn: liệu Mannschaft có đủ sức trở thành chàng rể chính trong những lễ cưới xa hoa hay chỉ là phụ rể mẫn cán, tài ba nhưng thiếu cá tính nên mãi mãi chỉ là người đến sau?
HLV Joachim Loew không hẳn đã tìm được câu trả lời ở World Cup 2014. Cũng may, lực lượng của Đức quá tốt, tài năng lại quá dồi dào nên không cần HLV quá xuất sắc vẫn có thể thành công. Tại Brazil 2014, Đức vắng một loạt ngôi sao trước ngày vào giải (tiêu biểu nhất là Marco Reus). Ở trận chung kết gặp Argentina, 2 cầu thủ dự bị Schuerrle và Goetze kết hợp ghi “bàn thắng vàng” cho Đức. Trong khi đó, dự bị của Albiceleste là Rodrigo Palacio đã bỏ lỡ một cơ hội cực tốt trong hiệp phụ trước khi Goetze ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. Khác biệt rất lớn là khi Messi hay Higuain không thể ghi bàn, Argentina không còn biết trông cậy vào ai. Trong khi đó, Mueller hay Klose không lập công, lập tức đã có Goetze.
Thua Tây Ban Nha ở chung kết Euro 2008
Argentina hay Brazil từng tự hào với nguồn nhân tài vô cùng phong phú song vào lúc này, Đức có thể là đội tuyển giàu tài năng nhất thế giới. Hơn nữa, lại còn trẻ. Một đế chế mới của Mannschaft ư? Không có gì bảo đảm Đức sẽ thành công ở EURO 2016 và World Cup 2018, tương tự như TBN vô địch 3 giải lớn liên tiếp.
Vấn đề trong bóng đá là cần chọn những con người phù hợp nhất và hiệu quả nhất. Cứ lấy trường hợp TBN, vì sao Fabregas và Costa thăng hoa ở Chelsea song lại mờ nhạt ở đội tuyển. Loew kế thừa một đội bóng có nền tảng tốt từ Klinsmann sau World Cup 2006, nhưng phải đợi đến gần chục năm sau mới vô địch giải lớn. Mannschaft hiện tại giàu tài năng, lối chơi đẹp và kỹ thuật nhưng dường như thiếu chất Đức. Lần đầu tiên, thầy trò Loew đối diện với sức ép “cả thế giới muốn đánh bại ta”. Dấu hỏi về khát vọng, sự tự mãn, sự tập trung và nỗ lực có thể xóa mờ yếu tố con người và phương pháp sẵn có. Đó là chưa kể may rủi và thời vận.
Mannschaft liệu có đủ sức vượt qua tất cả?