Bóng Đá Plus trên MXH

World Cup 1974: "Cơn lốc màu da cam" làm say đắm lòng người
07:48 ngày 17/02/2014
Trước đó, Hà Lan không có chút “số má” nào. Còn sau đó, Hà Lan nghiễm nhiên là một cường quốc bóng đá. “Cơn lốc màu da cam” nổi lên tại World Cup 1974, cuốn phăng Brazil - đội vô địch 3 trong 4 kỳ World Cup ngay trước đó - và trở thành dấu ấn mãi mãi không phai trong dòng trôi của lịch sử bóng đá.
    TIQUI-TACA CỦA 40 NĂM TRƯỚC
    Hà Lan giao bóng, và trận chung kết lập tức trở thành màn trình diễn nghệ thuật nhồi bóng ngay từ những đường chuyền đầu tiên, làm cho người xem thật sự kinh ngạc. Van Hanegem chuyền cho Cruyff.... rồi lại Van Hanegem, Neeskens, Krol... Rijsbergen, Haan, Suurbier...

    Họ cứ chuyền tới, chuyền lui, chuyền ngang, liên tục và nhuần nhuyễn. Các tuyển thủ Đức thì rượt theo quả bóng một cách tuyệt vọng. Hầu như họ chỉ tham gia cuộc chơi như những vai phụ bất đắc dĩ, để làm cho phần trình diễn của vai chính thêm đẹp đẽ, rực rỡ. Haan, Rijsbergen, Haan...

    Trên khán đài, cổ động viên Đức bắt đầu bực bội. Dưới sân, các cầu thủ Hà Lan vẫn chuyền bóng hăng say: Krol cho Neeskens, Neeskens cho Rijsbergen, Rijsbergen cho Cruyff. Cruyff lao thẳng vào vùng cấm địa. Và Uli Hoeness không còn cách nào khác để ngăn cản Cruyff ghi bàn, ngoài việc phạm lỗi.

    Vâng, trận chung kết World Cup 1974 quả đã khởi đầu như vậy. Neeskens bước lên sút thắng quả phạt đền để mở tỷ số cho Hà Lan. Và đây chính là chi tiết lịch sử: thủ môn Sepp Maier trở thành cầu thủ Đức đầu tiên chạm được vào quả bóng trong trận chung kết World Cup 1974. Ông chỉ được chạm bóng bằng cách vào lưới nhặt nó ra. Bạn có bao giờ hình dung ra một trận chung kết đỉnh cao mà toàn bộ 11 cầu thủ bên này đều chưa được chạm bóng trước khi đội bên kia ghi bàn mở tỷ số?


    Đấy chính là Tiqui-Taca, gần 40 năm trước khi khái niệm này được biết đến và được ca ngợi ở CLB Barcelona, trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại. Bây giờ thì ai cũng biết Tiqui-Taca là lối chơi như thế nào.

    Ở đây chỉ xin nói thêm: đấy là cách chơi do Johan Cruyff đề nghị. Từ ý tưởng của Cruyff, Barcelona đã áp đặt một lối chơi xuyên suốt giữa các thế hệ, các lứa tuổi khác nhau, khởi đầu từ lò trẻ La Masia. Tóm lại, những gì Barcelona trình diễn, làm say đắm lòng người trong khoảng thời gian 2009-2011, chính là những gì đội tuyển Hà Lan của Cruyff đã làm tại World Cup 1974.

    Cruyff và đồng đội liên tục chuyền để giữ bóng. Và để làm được điều đó, họ phải liên tục hoán đổi vị trí, trong một lối chơi cực kỳ khoa học. Lối chơi nổi tiếng ấy đã được biết đến suốt hàng chục năm bởi một cụm từ hoàn toàn... sai lầm: “bóng đá tổng lực”.

    ĐẤY LÀ “BÓNG ĐÁ TỔNG HỢP”
    Để ý một tí thì thấy ngay: trong cái tên “Total Football”, đâu có chữ nào nói về “lực”! Trên thực tế, lối chơi của Hà Lan là lối chơi rất ít dùng lực. Sở dĩ người xem có cảm giác rằng cầu thủ Hà Lan khỏe hơn đối phương chẳng qua là vì, nhờ cách chơi khoa học, họ tốn sức ít hơn và chưa thấm mệt khi đối phương đã thấm mệt.


    Một ví dụ nhỏ: khi hậu vệ cánh phải chạy 80m để tấn công thì anh ta không phải lùi về trong tình huống kế tiếp, để tiết kiệm sức. Tiền vệ biên sẽ lùi về thế chỗ, tiền vệ giữa thì di chuyển ra biên... Cứ thế, các vị trí trong đội hình Hà Lan liên tục thay đổi và điều quan trọng là mọi cầu thủ đều có khả năng thi đấu với nhiều vai trò khác nhau.

    Hậu vệ không chỉ tham gia tấn công mà còn phải có kỹ thuật điêu luyện để xử lý tình huống có thể thành bàn. Tiền đạo không chỉ tham gia phòng ngự mà còn biết rõ cần phải làm gì trong các tình huống phòng ngự. Nếu phải lướt biên 10 lần rồi lại lùi về trong một trận đấu, hậu vệ cánh của đội khác phải chạy 1.600m ở tốc độ cao, chỉ trong 10 tình huống như thế. Họ không mệt hơn cầu thủ Hà Lan mới là chuyện lạ.

    “Bóng đá tổng hợp” là một cách gọi chính xác. Ở Hà Lan, bất cứ lĩnh vực gì cũng phải hướng đến nguyên tắc tổng hợp. Có kiến trúc tổng hợp, có năng lượng tổng hợp, có môi trường tổng hợp. Đấy là cách nghĩ của người Hà Lan. Ở nơi mà đa phần diện tích đất đai thấp hơn mực nước biển, lại có cơ man khó khăn tự nhiên khác, người Hà Lan đã phải không ngừng sáng tạo qua bao thế hệ, để cải thiện điều kiện sống khó khăn của dân tộc mình.

    Khoảng trống ở Hà Lan luôn là “thứ quý hiếm” đến mức nó ám ảnh mọi người, ở mọi lúc, mọi nơi. Cruyff nói: “Chúng tôi luôn bàn về cách tận dụng khoảng trống sao cho hợp lý nhất, có lợi nhất. Chỉ cần nhìn một căn phòng, một góc phố, một quán cafe, người Hà Lan chúng tôi lập tức có ngay đề tài để nghĩ ngợi, rồi bàn bạc, liên quan đến khoảng trống”.

    Vậy thì, còn ai giỏi hơn người Hà Lan trong việc nghĩ cách tận dụng khoảng trống trên sân, còn ai thích hợp hơn họ trong cách chơi “bóng đá tổng hợp”? Với người Hà Lan, kể cả khi cùng chơi trên một mặt sân thì sân “của mình” vẫn phải rộng hơn sân “của họ”.

    Bẫy việt vị làm thay đổi “diện tích hợp lệ” trên sân, và cũng chỉ có người Hà Lan là đi tiên phong trong việc khai thác nguyên tắc này.


    MÃI MÃI THAY ĐỔI MỘT NỀN BÓNG ĐÁ
    Tất nhiên, mọi lối chơi đều phải đi kèm với con người thích hợp để có thể phát huy tác dụng. Đấy mới chính là giá trị lớn nhất mà Johan Cruyff và các ngôi sao cùng thời như Johan Neeskens, Ruud Krol, Johnny Rep, Rob Rensenbrink, Wim Van Hanegem... đóng góp để làm nên lịch sử cho bóng đá Hà Lan.

    Họ cùng bổ khuyết cho nhau, cùng tỏa sáng và tạo nên dấu ấn sâm đậm dù không vô địch World Cup 1974. Vĩ đại nhất đương nhiên là Cruyff - cầu thủ đầu tiên trong lịch sử 3 lần đoạt “Quả Bóng Vàng châu Âu” (đều trong nửa đầu thập niên 1970, gồm cả năm 1974 mà đội Hà Lan không vô địch World Cup).

    Trước khi Cruyff xuất hiện, bóng đá Hà Lan chỉ là một... thứ gì đó, thật sự tầm thường. Đội tuyển Hà Lan le lói góp mặt ở 2 kỳ World Cup 1934, 1938, đều lập tức về nước sau 1 trận đấu. Hà Lan thời kỳ “tiền Cruyff” chỉ được đánh giá ngang với Bỉ hay Đan Mạch, thậm chí không thắng nổi Iceland hoặc Luxembourg trong các trận đấu quan trọng. Vậy mà chỉ cần một kỳ World Cup 1974 sáng ngời, Hà Lan nghiễm nhiên trở thành cường quốc bóng đá và giữ mãi tư thế ấy cho đến tận bây giờ.

    KẾT QUẢ WORLD CUP 1974(Từ 13/6 đến 7/7/1974, tại Tây Đức)
    - Vô địch: Tây Đức
    - Á quân: Hà Lan
    - Hạng 3: Ba Lan
    - Hạng 4: Brazil
    - Vua phá lưới: Grzegorz Lato (Ba Lan, 7 bàn)
    Kinh Thi • 07:48 ngày 17/02/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay