SCHWEINSTEIGER BỎ TRƯỢT TUYẾT THEO BÓNG ĐÁ
Schweinsteiger sinh ra và lớn lên tại thị trấn Kolbermoor của xứ Bavaria. Đấy cũng là nơi sinh của huyền thoại Bayern Munich từng vô địch World Cup 1974 Paul Breitner. Schweinsteiger gia nhập lò đào tạo của Bayern năm 14 tuổi. “Khi còn bé, tôi nghĩ mình sẽ trở thành một cầu thủ hoặc một VĐV trượt tuyết” - Schweinsteiger nói.
Anh trai của Schweinsteiger, Tobias, từng 3 lần giành trở thành Á quân trượt tuyết quốc gia và sau này chơi bóng ở giải hạng Ba Đức. Schweinsteiger nói thêm: “Nhưng khi nhận được lời đề nghị từ đội trẻ Bayern, tôi đã quyết định nhanh là phải bỏ trượt tuyết. Ngày ấy tôi đã nghĩ gì khi quyết định thế nhỉ? Tôi nghĩ là nếu chọn bóng đá thì mình sẽ không bị lạnh nhiều, chơi bóng cũng đơn giản nên không phải xách theo nhiều đồ lỉnh kỉnh”.
Schweinsteiger ra mắt đội một Bayern năm 18 tuổi trong một trận Champions League hồi 2002. Chỉ 1 năm sau anh được khoác áo đội tuyển Đức lần đầu tiên.
DIDIER DROGBA, BƯỚC ĐẦU CHẬT VẬT
Drogba là anh cả trong một gia đình gồm 7 anh em tại thủ đô Abidjan, cũng là thành phố lớn nhất Bờ Biển Ngà. Khi Drogba lên 5, bố mẹ gửi cậu bé đến Pháp để “có hy vọng thành công trong cuộc sống”. Ở đó Drogba sống với người chú, Michel Goba, một cầu thủ chuyên nghiệp. Quá nhớ nhà, Drogba đã trở lại Abidjan 3 năm sau đó và chơi bóng đá trong công viên cùng bạn bè.
Sau khi cả bố lẫn mẹ đều lâm vào cảnh thất nghiệp, Drogba - lúc này 11 tuổi - lại được gửi trở lại nước Pháp để nương nhờ người chú. Sau 2 năm thì bố mẹ cùng sang với cậu. Albert Drogba, bố của Drogba, cho biết: “Nó chơi bóng từ rất sớm, khi khoảng 5 tuổi. Đến khi nó 13, 14 tuổi thì tôi nhận ra nó có thể trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng vì Didier rất hay gặp chấn thương. Thắng bé rất rắn rỏi, vì thế nó vẫn cố đá ngay cả khi đang bị đau”.
Một minh chứng cho thấy Drogba rất yêu bóng đá là khi cậu bé bị té cầu thang khi mới 2 tuổi. Nhìn thấy một quả bóng ở dưới chân cầu thủ, Drogba đã cố chồm đến và kết quả là cậu bé khiến cho gia đình một phen kinh hãi. Vì niềm đam mê từ sớm ấy mà sau này, dù phải làm bạn với chấn thương suốt những năm niên thiếu, Drogba vẫn chưa từng nghĩ đến việc bỏ bóng đá.
Ông Albert cho biết thêm: “Ban đầu tôi không hề vui khi nó chọn bóng đá. Như những bậc phụ huynh khác, tôi chỉ muốn con mình được học hành đàng hoàng để trở thành bác sĩ hoặc luật sư. Nhưng sau cùng, bóng đá vẫn là niềm đam mê lớn.
Đến khi Didier được ký hợp đồng với Guingamp, chúng tôi nhận ra rồi con trai mình sẽ có một sự nghiệp lẫy lừng. Tôi mừng vì nó đã thành công với con đường mình đã chọn, nhưng tôi cũng sẽ vui nếu nó không chơi bóng mà làm một việc khác bởi trên hết, tôi chỉ cần nhìn thấy con mình hạnh phúc”.
LIONEL MESSI, CHƠI BÓNG VÌ NIỀM VUI
Bố của Messi, ông Jorge Messi, nhớ lại: “Từ khi 4 tuổi, Lionel đã chơi với quả bóng và không chịu rời nó. Đến khi Leo lên 11 thì chúng tôi nghĩ đến chuyện sẽ cho nó trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Leo luôn chơi bóng thuần túy vì niềm vui, kể cả khi còn bé cho đến khi đã giành mọi thành công sau này. Leo đã thích nghi với sự nổi tiếng rất tốt và nó vẫn giữ nguyên lối sống của mình. Vì thế chúng tôi không vội tin khi báo chí viết điều gì đó không đúng về Leo”.
Ông Jorge cũng gửi lời khuyên đến những bậc cha mẹ có con mê bóng đá: “Bọn trẻ, đến một giai đoạn nào đó trong đời, sẽ phải tự quyết định chúng muốn làm gì. Chúng ta có thể tư vấn để chúng đưa ra lựa chọn ấy một cách dễ dàng hơn, nhưng mọi thứ phải do chúng tự chọn lấy. Hãy để bọn trẻ chơi bóng với niềm vui thuần túy, đừng gây áp lực lên chúng”.
KLINSMANN, CẬU BÉ SỢ VIỆT VỊ
Juergen Klinsmann, huyền thoại bóng đá Đức, đương kim HLV tuyển Mỹ, chơi trận đấu bóng đá được tổ chức chính quy đầu tiên khi mới 9 tuổi tại Gingen, một ngôi làng với 400 dân. Juergen ngồi trên ghế dự bị đến khi còn 10 phút nữa là hết trận thì được HLV tung vào sân. Trước khi chạy vào sân, Juergen đến hỏi HLV: “Thưa HLV, con thật sự không biết việt vị nghĩa là gì. Chỉ nhanh cho con có được không?”
Nhưng dù đã được giải thích khá kỹ, Klinsmann vẫn chưa thật sự hiểu việt vị là gì. Nó chợt trở thành một nỗi sợ hãi và cậu bé đã chạy như một... con gà mất đầu trên sân.
Bố của Klinsmann, ông Siegfried, là một thợ làm bánh kiêm giáo viên môn thể dục. Khi ông bố đến trường dạy học, Klinsmann quanh quẩn gần đó và chơi bóng. Ông Siegfried, đã qua đời năm 2005, kể rằng: “Chúng tôi có 4 đứa con trai và tôi từng nghĩ đến một gia đình gồm toàn những giáo viên thể dục. Nhưng rồi quả bóng xuất hiện và Juergen không còn quan tâm đến điều gì khác nữa”.
Klinsmann chơi bóng trong trường và các sân bóng đá 5 người trước khi gia nhập đội bóng TB Gingen. Chỉ 6 tháng sau khi được tung vào sân cũng nỗi sợ hãi mơ hồ về luật việt vị, cậu bé nhanh chóng khẳng định được tiềm năng khi ghi được những 16 bàn trong một trận đấu 40 phút. Kết thúc mùa bóng, Klinsmann có 106 bàn chỉ sau 18 trận”.
Năm lên 10 tuổi, Klinsmann gia nhập một đội bóng lớn hơn ở thị trấn lân cận là SC Geislingen. Hàng ngày cậu bé đến sân tập trên xe đạp. Klinsmann tiếp tục ghi được rất nhiều bàn kể cả khi chơi bóng trong nhà lẫn ngoài trời. Những lúc ấy, sau lưng cầu môn luôn là ông bố Siegfried nhiệt tình hò hét, ủng hộ cậu.
Khi lên 14, Klinsmann cùng gia đình chuyển nhà đến Stuttgart, nơi ông bố vừa mua một cửa hiệu làm bánh và mẹ cậu, Martha, cũng vừa kiếm được một việc làm tại đây. Klinsmann tiếp tục chơi bóng với những bạn bè mới và không lâu sau cậu được Stuttgart tuyển chọn. Hàng ngày, Klinsmann phải vượt quãng đường 60km đi và về trên xe lửa để tập luyện cùng Stuttgart.
Năm 1980, Klinsmann lần đầu được triệu tập vào đội U16 Đức, khi ấy được dẫn dắt bởi HLV Berti Vogts, người sau này sẽ cùng anh vô địch EURO 1996, tức 6 năm sau khi Klinsmann vô địch thế giới cùng HLV Franz Beckenbauer. Klinsmann cũng ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với Stuttgart ở tuổi 16.
Trong thời gian đó, Klinsmann cũng học nghề làm bánh của bố. Ông Siegfried nói: “Nếu sự nghiệp bóng đá không thành công, nó vẫn có thể trở về tiệm làm bánh của tôi. Năm 1982, Klinsmann có chứng chỉ làm bánh hẳn hoi. Nhưng tất nhiên là ông đã không cần phải dùng đến nghề phụ ấy của mình.