TỘI LỖI VÔ HÌNH SINH RA TỪ SỰ ĐỐ KỴ
Khi còn nhỏ và ở tuổi thiếu niên, mọi chuyện không hề dễ dàng cho tôi và những người thân. Lúc ấy, tôi đã thể hiện khả năng vượt trội so với những cầu thủ cùng trang lứa. Và điều ấy mau chóng mang đến những phiền phức. Mọi người bắt đầu nói về Pirlo, nhiều nữa là khác, nhưng đa số là nói xấu.
Đã nhiều lần bố tôi, Luigi, đã phải rời khỏi chỗ ngồi để đi qua phía khán đài đối diện chỉ để không phải nghe những lời bình luận cay nghiệt của các phụ huynh khác. Khi xem tôi thi đấu, ông cố không tỏ ra phấn khích, chỉ vì không muốn mình phải buồn.
Tất nhiên là bố không có gì phải xấu hổ vì tôi cả, nhưng những lời dè bỉu khiến bố khó chịu, và ông chọn cách tránh xa những tiếng dèm pha ấy, như một Forrest Gump của Italia. Bố cứ chạy, đến khi tìm được một nơi yên tĩnh vừa đủ để xem con trai mình chơi bóng.
Nhưng mẹ tôi, Lidia, thì lại không có được sự nhẫn nhịn như bố. Bà thường xuyên tức giận khi nghe những lời bình luận kiểu như: “Thằng nhóc đó nghĩ mình là ai chứ? Maradona ư?”
Đấy là câu họ hay nói nhất, nói trong ghen tức vì con mình không giỏi được như “con người ta”. Họ nói thật to để cho bố mẹ tôi và chính tôi nghe thấy mà quên mất lời dè bỉu ấy cũng mang hàm ý khen ngợi. Maradona ư? So sánh như thế thì khác gì gọi một VĐV thể dục dụng cụ là Jury Chechi, gọi một VĐV bóng rổ là Michael Jordan, gọi một người mẫu là Naomi Campbell. Khác gì gọi Sivio Berlusconi là một người khổng lồ.
Thật không công bằng khi một đám người lớn cố lung lạc tinh thần của một đứa bé chỉ vì nó làm được những điều tuyệt vời hơn con mình. Suốt những năm tháng ấy, tôi phải mang trên mình một tội lỗi vô hình được sinh ra từ sự đố kỵ.
Ngay từ lúc 15 tuổi trong màu áo Brescia, Pirlo đã sớm bộc lộ khả năng thiên phú
và phải cắn răng đối đầu với cả đối thủ và đồng đội luôn nhăm nhe cản trở anh
UẤT NGHẸN TRONG SỰ CÔ LẬP CỦA ĐỒNG ĐỘI
Tôi cố khoác một chiếc áo giáp vô hình để vượt qua những lời công kích ấy. Nhưng không phải lúc nào tấm áo giáo mong manh kia cũng giúp tôi tránh khỏi những tổn thương, từ những con dao sắc lẹm hay những mũi tên tẩm độc. Và tất cả những thứ ấy đã đồng loạt tấn công tôi trong một buổi chiều, khi ấy tôi 14 tuổi.
“Chuyền bóng cho tớ”, tôi hét lên.
Không ai đáp lại.
“Chuyền cho tớ”, tôi gầm lên to hơn, với thứ tiếng Ý tốt nhất của mình.
Im lặng.
“Chuyền cho tớ đi mà, tớ van các cậu”.
Vẫn không có gì đáp lại ngoài sự im lặng, đáng sợ đến mức tôi nghe cả tiếng vang vọng của giọng nói mình.
Không ai chuyền bóng cho tôi. Các đồng đội chuyền cho nhau, chỉ trừ tôi ra. Tôi ở đó, nhưng họ không thể nhìn thấy tôi. Hay họ thấy, nhưng vờ như không thấy. Họ biến tôi thành một kẻ ngoài cuộc chỉ bởi vì tôi chơi bóng tốt hơn họ.
Tôi chạy quanh sân như một bóng ma, nghe cơ thể chết đi từng chút một. Có cả một kế hoạch cô lập tôi. Họ thậm chí không thèm nói chuyện với tôi, không nhìn về phía tôi.
“Bọn bay có chuyền bóng không hả?”
Vẫn chỉ là sự im lặng.
Tôi buồn bã, uất nghẹn và bật khóc. Tôi đã khóc ngay trên sân, trước mặt 21 đối thủ của mình. 11 của đội bạn và 10 của đội mình. Tôi cứ chạy trên sân, vừa chạy vừa khóc. Chạy nhanh hơn hay dừng lại khi bóng ra biên, nước mắt vẫn không ngưng chảy. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi chỉ là một đứa trẻ 14 tuổi và tất cả những điều đó lẽ ra không nên xảy đến với nó. Ở tuổi 14, một đứa trẻ phải được chơi bóng, ghi bàn và ăn mừng vui vẻ. Nhưng việc tôi ghi quá nhiều bàn đã làm cho nhiều người phật ý.
ĐỊNH MỆNH ĐƯỢC VIẾT TRÊN NHỮNG VÌ SAO
Trong khoảnh khắc ấy, tôi đã buộc phải lựa chọn: đau đớn rồi bỏ cuộc hay đau đớn nhưng vẫn tiến lên. Tôi đã chọn cách thứ 2. Những lần hiếm hoi bóng đến chân, tôi xử lý với tâm thế của kẻ một mình chống lại cả thế giới. Không ai muốn chơi với tôi ư? Vậy thì tôi một mình một đội. 10 cầu thủ của đội tôi cố ghi bàn nhưng không được, một mình tôi sẽ tự làm việc ấy. Tôi dốc bóng qua từng người một cho đến khi có thể dứt điểm. Tôi lừa từ cầu thủ đội bạn cho đến đội mình.
Tất cả đều đã nghĩ sai về tôi. Tôi nào muốn cư xử như một ngôi sao. Sự thật: tôi sinh ra để làm việc ấy. Tôi hành xử một cách tự nhiên, không hề có một chút ý niệm về việc phải nổi tiếng và được khen ngợi. Tôi xử lý nhanh hơn tất cả, thậm chí còn nhanh hơn cả suy nghĩ của chính bản thân mình.
Ngay khi trận đấu khởi đầu, ai cũng nghĩ là tôi rất mỏi mệt. Cách tôi di chuyển trên sân y hệt như một người bị hết hơi. Tôi chỉ đi bước nhỏ, nhưng trong đầu vạch ra những cách xử lý có thể khi bóng đến chân. Một bước nhỏ của tôi, nhưng là bước tiến lớn của nhân loại. Tôi mỉm cười với ý nghĩa ấy. Những năm tháng ấy, tôi bộc lộ cảm xúc trên sân như giải phóng một mùa Xuân nén chặt. Không ai muốn nói chuyện với tôi, tôi đành nói chuyện với chính mình:
“Andrea, mày giỏi hơn những người khác và mày phải vui vì đều đó. Mẹ Tự nhiên quá tốt với mày, đã biệt đãi từ ngày mày ra đời. Bà cho mày những pha chạm bóng diệu kỳ và mày phải tận dụng nó. Mày muốn làm cầu thủ không? Đấy có phải ước mơ của mày không? Mày thích làm phi hành gia nhưng mày có biết gì về không gian đâu? Vậy thì hãy yêu lấy quả bóng. Nó thuộc về mày. Hãy mặc kệ những lời dèm pha. Hãy mỉm cười và vui vẻ. Hãy tự tạo cho mình những phút giây hứng khởi. Chạy đi, nhưng kẻ ganh ghét sẽ ở lại sau lưng. Định mệnh của mày đã được viết trên những vì sao”.
PIRLO VÀ BÓNG - MỖI QUAN HỆ KỲ LẠ
Ngay những ngày này, tôi cũng không dám đoán chắc liệu mình có phải là độc nhất vô nhị hay không. Nhưng tôi quả là nhìn trận đấu và sân cỏ theo một cách hoàn toàn khác. Tôi luôn nhìn thấy một bức tranh lớn hơn. Một tiền vệ cổ điển đứng trên sân và nhìn về phía những tiền đạo. Tôi chỉ nhìn vào những khoảng trống, giữa tôi và họ, giữa họ và khung thành. Đấy là vấn đề của hình học nhiều hơn chiến thuật.
Mọi người so sánh tôi với Gianni Rivera. Nhưng tôi chưa từng xem ông ấy thi đấu, ngay cả trên băng hình, nên không biết liệu chúng tôi có giống nhau không. Tôi cũng không bao giờ nhìn vào bất kỳ cầu thủ nào, của quá khứ hay hiện tại, và nghĩ mình giống họ. Điều đó không làm tôi quan tâm. Sau tất cả, Dolly cũng là chính nó, chứ đâu có giống với bất kỳ con cừu nào khác.
Tôi cũng không cảm thấy áp lực bao giờ. Chiều ngày Chủ Nhật, 9/7/2006 ở Berlin, tôi ngủ rất ngon và chơi PlayStation. Tối hôm ấy tôi ra sân và giành chức vô địch thế giới.
Từ góc độ tâm lý, một người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của tôi là Mircea Lucescu, HLV đã mang tôi từ đội trẻ lên đội một Brescia ở tuổi 15. Tôi đã tập với 30 cầu thủ, tuổi lớn hơn gấp đôi và bựa cũng gấp đôi. “Kệ họ, cứ chơi bóng như cách mà con vẫn chơi ở đội trẻ ấy”, Lucescu nói vào tai tôi.
Và tôi nghe theo, như một người lính nhỏ vâng lời. Một ngày nọ, tôi lừa bóng qua một cầu thủ đàn anh 3 lần liên tiếp. Đến lần thứ 4 thì ăn trọn một cú đạp mạnh hết cỡ vào mắt cá. Người cầu thủ đàn anh ấy cũng nghĩ là tôi cư xử như siêu sao. Trên thực tế, tôi chỉ làm những gì Lucescu bảo mình.
“Đừng lo, rồi sẽ ổn thôi. Cứ đá như vậy”, Lucescu nói nhỏ với tôi rồi quay sang nói với cả đội: “Hãy chuyền cho Pirlo, nó biết cách coi sóc quả bóng”. Pirlo và bóng, đấy là mối quan hệ kỳ lạ. Tôi luôn biết cách làm những điều mới mẻ với quả bóng dù chưa từng tập thử. Những ngày đầu ở Brescia, tỷ lệ chuyền bóng và phạm lỗi là 10:1. Tức họ phạm lỗi với tôi 10 lần thì chuyền bóng cho tôi 1 lần. Tội đã kiên trì cho đến khi tỷ lệ chuyền bóng nhiều hơn phạm lỗi.
Điều ấy khiến bố tôi hạnh phúc vô cùng. Ông đã có một tấm vé cả mùa, ngồi trên chiếc ghế bọc da ở khu vực VIP. Ông không còn phải bịt tai khi xem con mình thi đấu. Những tiếng chế giễu đã ở lại nơi mà chúng tôi bỏ nó lại: sân bóng của đội trẻ.
“Suốt những năm thiếu niên ấy, tôi luôn đặt mục tiêu đã vào sân là phải chơi thật hay. Với tất cả mọi người, một trận đấu trung bình cũng được. Với tôi, đấy luôn là thất bại”.
(Còn nữa)