Bóng Đá Plus trên MXH

Tự truyện “Sinh ra để tỏa sáng” của Kun Aguero: Không thông cảm cho Gerrard (kỳ cuối)
07:16 ngày 13/03/2015
Trong đoạn trích này, Aguero bày tỏ quan điểm về cú trượt chân của Steven Gerrard trong trận thua Chelsea, từ ấy tạo điều kiện để Man City vượt lên trong chức vô địch lần thứ 2.

    Mùa bóng 2013/14 có lẽ cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của tôi. Chấn thương là một phần quan trọng, tôi còn phải trải qua những cảm giác khó chịu chưa từng có.

    Chấn thương đã đến khi tôi đang có phong độ ghi bàn rất tốt. Đến tháng Giêng, tôi có cảm giác mình hoàn toàn có thể kết thúc mùa bóng với 40 bàn, vì thế việc phải ngồi ngoài trong một thời gian dài quả là thất vọng. Trong 13 vòng đấu ở giai đoạn cuối mùa, tôi chỉ có thể góp mặt trong vỏn vẹn có 3 trận. Cuộc chiến khi ấy chỉ còn là vấn đề của chúng tôi, Liverpool và Chelsea nên tôi tràn đầy quyết tâm cùng đội nhà vượt lên.

    Trong trận đấu quan trọng với Liverpool, tôi có tên trong danh sách dự bị. Ai thắng trận ấy tất nhiên sẽ có lợi thế quan trọng trong cuộc đua. Chỉ 3 phút sau khi tôi vào sân thay cho Edin Dzeko, Philippe Coutinho đã dứt điểm qua người Joe Hart, giúp Liverpool ghi được bàn thắng ấn định thắng lợi. Họ kết thúc trận ấy với 3 điểm trọn vẹn và các CĐV Anfield vui mừng như phát điên.


    Chức vô địch rõ ràng đang trôi ra khỏi tay của chúng tôi, Man City đã mất quyền tự quyết và phải phụ thuộc vào kết quả những trận đấu khác. Nhưng tôi vẫn có niềm tin là đội nhà sẽ vô địch. Muốn thế chúng tôi phải thắng nốt cả 5 trận còn lại và phải chờ cho Liverpool xảy chân, điều mà tôi tin là dứt khoát sẽ xảy ra.

    Chúng tôi hạ West Brom 3-1, ở đó tôi ghi bàn đầu tiên kể từ tháng Giêng. Và Liverpool quả đã khững lại. Man City tiếp tục chuẩn bị cho trận đấu với Crystal Palace nên tôi không có thời gian xem trận đấu giữa Liverpool và Chelsea, kết thúc chỉ vài phút trước khi trận đấu của chúng tôi diễn ra. Tuy nhiên, thông tin Liverpool bại trận đã đến. Đấy quả là một món quà rất lớn với chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn còn trận đấu với Palace.

    Nếu Man City cũng trượt ngã, thất bại của Liverpool sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Rất may là chúng tôi đã vững vàng và kết thúc trận đấu với tỷ số thắng 2-0. Đêm hôm ấy tôi ngồi xem lại trận đấu của Liverpool. Nói thật là tôi không hề cảm thấy tiếc cho Steven Gerrard với cú trượt chân dẫn đến bàn thắng của Demba Ba. Tôi chỉ thấy đấy là cú trượt chân đã mang lại cơ hội vô địch cho chúng tôi.

    Không phải là tôi không tôn trọng Gerrard, nhưng sai lầm của anh ấy là điều cần thiết để chúng tôi vươn lên. Khi đấu trận cuối cùng với Aston Villa, chúng tôi bình tĩnh hơn rất nhiều so với hồi vô địch năm 2012 dẫu cho vẫn có những rào cản tâm lý phải vượt qua. 

    Tôi không ghi bàn trận ấy, một trận đấu mà cũng chỉ cần hòa là vô địch. Phong độ của tôi trận ấy không tốt và tôi dứt điểm không thành công, nhưng việc được hiện diện trong trận đấu mang lại danh hiệu đã là một đặc ân với tôi. Đấy là danh hiệu thứ 2 trong 3 năm, cảm giác thật sung sướng và thỏa mãn. Tôi hạnh phúc vì đã góp sức dù chấn thương khiến tôi nghỉ rất nhiều trận trong giai đoạn 2.

    Một lần nữa, chúng tôi chứng tỏ đội bóng này không bao giờ ngừng tin tưởng, không bao giờ đầu hàng và sẽ luôn chiến đấu đến tận cùng.

    TÌNH BẠN ĐẶC BIỆT VỚI LEO MESSI
    Lần đầu tiên gặp Messi, tôi thật sự chẳng biết anh ấy là ai. Tôi cũng không tin là anh ấy lại mang một đôi giầy tầm thường như thế. Nhưng Messi, ngay từ những ngày đầu quen biết, đã thân thiết như một người anh em.

    Đấy là những ngày đầu năm 2005, tôi đang tập trung cùng đội U17 Argentina và nhìn thấy Leo nói chuyện với Ezequiel Garay cùng một vài cầu thủ khác. Sau một lúc, tôi tiến đến và hỏi: “Xin lỗi, cậu tên gì thế”.

    Anh ấy đáp lại: “Leo, Leo”. 

    Tôi hỏi lại: “Leo gì cơ?”. 

    Lionel nói: “Lionel, Lionel Messi”. 


    Tôi nhớ mang máng là đã thấy cái tên ấy ở đâu đấy và cuối cùng nhận ra đấy chính là cậu bé từ Rosario đã được Barcelona cưu mang và chữa bệnh còi xương. Mọi chuyện thay đổi từ ấy. Bây giờ, khi tập trung đội tuyển Argentina, tôi bao giờ cũng ngồi cạnh Leo ở một bên. Bên kia là Angel di Maria, Javier Mascherano hoặc Ezequiel Lavezzi. Bọn tôi gọi Mascherano và Lavezzi là “sư huynh”.

    Tôi luôn ở cùng phòng với Leo suốt những đợt tập trung quốc tế từ năm 2005 đến nay. Leo ngủ khá nhanh và điều duy nhất khiến anh ấy cảm thấy phiền phức là tôi thích xem TV. Vì thế tôi phải vặn âm thanh nhỏ xuống hết cỡ. Khi tôi ngủ quên, Leo thức dậy và tìm chiếc điều khiển từ xa để tắt TV. Anh ấy cảm thấy phiền với tiếng động. Vì thế khi vào phòng, tôi luôn chuyển điện thoại của mình sang chế độ rung.

    Dạo gần đây, HLV thể lực quyết định thu xếp cho mọi người chuyển sang ngủ phòng đơn để tránh sự phiền nhiễu từ thói quen sinh hoạt của nhau. Nhưng Leo nói mọi thứ vẫn ổn, ai thích ngủ riêng thì ngủ, còn anh ấy vẫn muốn ngủ cùng phòng với tôi. Lần cuối cùng tập trung không có Messi, anh ấy rất tò mò muốn biết tôi ngủ với ai. Nửa đêm tôi nhận được tin nhắn: “Đội xếp cậu ngủ với ai thế?”

    Tôi nhắn trả lời: “Đừng lo mà tình yêu. Tớ ngủ một mình”. 

    Nhưng Messi nhắn lại ngay: “Đừng có mà phản bội tớ đó nhen”.

    KHÔNG BAO GIỜ NGÃ VỜ
    Tôi không bao giờ chủ động ngã vờ hay đánh lừa trọng tài. Đấy không phải là cách tôi muốn chơi bóng.

    Tất nhiên tôi biết có nhiều cầu thủ chủ động làm việc ấy, cũng có nhiều lúc tôi cố tăng tốc thì bị phạm lỗi và không có bất kỳ cách nào khác để chạy tiếp. Nhưng chỉ cần không mất cân bằng, tôi sẽ tiếp tục băng lên. Ngã xuống đất, lăn ra ôm chân không phải là phong cách của tôi. Đấy là vấn đề về niềm tự hào. Nếu một hậu vệ đuổi kịp tôi, tôi không bao giờ muốn lăn ra ăn vạ mà muốn chạy nhanh hơn nữa, muốn thoát ra sự kèm cặp ấy càng nhanh càng tốt.


    Nhiều người bạn, thậm chí là người thân trong gia đình cứ hỏi tôi: “Sao mày không ngã? Ngã là có ngay một quả phạt đền rồi còn gì?”

    Nhưng sự thật là tôi không biết phải ngã như thế nào cho giống. Nhỡ ngã xuống mà không... giống, tôi sẽ trở thành một thứ rác rưởi, bị CĐV xem thường, bị trọng tài phạt thẻ. Hơn nữa đó cũng không phải là bản chất con người tôi. Tôi không thể và sẽ không bao giờ làm việc ấy. Tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội của mình, sẽ băng lên và tìm xem có thể ghi bàn hay phối hợp được với đồng đội hay không.

    Có thể nó xuất phát từ tuổi thơ của tôi. Chúng tôi hay chơi bóng ở một bãi đất trống cạnh nhà, sân lồi lõm rất kinh. Đá trên sân này, bạn phải luôn cố giữ thăng bằng bởi lúc nào cũng có thể bị hụt chân. Hơn nữa bọn trẻ con đá bóng thì làm gì có trọng tài. Ngã vờ chả được gì ngoài chuyện mất bóng. Khi nhìn lại pha ghi bàn trong trận gặp QPR, tôi đã có thể ngã xuống khi cố vượt qua hậu vệ cuối cùng. Nhưng nếu tôi ngã xuống, lịch sử có lẽ đã khác. Có thể trọng tài sẽ không thổi phạt đền và một cơ hội vàng đã trôi qua mãi mãi.

    Không, tôi phải tận dụng cơ hội của mình, tôi luôn chạy tiếp khi có thể.

    MANCINI VÀ TEVEZ KHÔNG OÁN NHAU MỚI... LẠ
    Tôi luôn hòa hợp với Roberto Mancini và chưa từng gặp vấn đề gì với ông ấy. Mọi HLV đều có lề thói làm việc riêng, chiến thuật riêng, phong cách riêng.

    Là một cầu thủ, bạn phải tuân theo chỉ thị của HLV. Cũng có những hiểu lầm, mâu thuẫn nhưng nhìn chung mọi thứ đều ổn dưới thời Mancini. Nhưng không phải ai cũng như thế. Và những gì diễn ra giữa ông ấy và Carlos Tevez tại Munich, trong mùa bóng đầu tiên của chúng tôi tại Champions League, có lẽ mọi người đều đã thấy.


    Tôi vẫn còn trên sân vào thời điểm ấy nên không biết được tường tận chuyện gì đã xảy ra ở bên đường pitch. Nhưng sau trận đấu mọi thứ trở nên căng thẳng. Mancini nổi giận với Tevez và đuổi anh ta trở lại Argentina. Ông ta cũng nổi giận và nói điều tương tự với một số cầu thủ khác. Khi ấy tôi đang ngồi ngay cạnh Carlos và ngỡ như ông ấy cũng chuẩn bị đuổi mình về Argentina tới nơi. Tôi nghĩ: “Đuổi mình luôn ư? Thôi kệ cũng được, tranh thủ về thăm gia đình một chuyến”.

    Mancini không nói chuyện nhiều với Carlos sau vụ ấy nữa. Nhưng ngày hôm sau Tevez đã đáp ngay chuyến bay về Argentina và chúng tôi không gặp lại anh ấy trong suốt 4 tháng trời sau đó. Có rất nhiều mâu thuẫn và xung đột giữa Carlos và Mancini trong quá khứ. Vụ Munich là giọt nước làm tràn ly, là chiếc áo khiến con lừa khuỵu xuống.

    NHỮNG ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ AGUERO
    Bạn nghĩ mình đã hiểu biết đủ về cuộc đời của Kun Aguero? Những thông tin ít ai biết dưới đây sẽ khiến bạn suy nghĩ lại.

    - Mẹ của Aguero đã trải qua một cuộc sống vô cùng vất vả khi mang thai anh. Khi cái thai trong bụng của Adriana Aguero (khi ấy mới 18 tuổi) được 6 tháng, căn nhà nhỏ mà bà ở cùng với người bạn trai Leonel del Castillo cùng đứa con gái Jessica ở quận Gonzalez Catan nghèo xơ xác của Buenos Aires bị một trận lụt rất nặng. Cả gia đình buộc phải sơ tán. Cả gia đình đã phải xin vào ngủ nhờ ở một trường học suốt 2 tuần lễ rồi mới có thể quay trở về nhà.

    - Tên đầy đủ của Aguero là Sergio Leonel Aguero. Aguero chính là họ mẹ bởi vì cả Adriana, 18 tuổi và bạn trai Leo, 19 tuổi đều chưa đủ tuổi kết hôn. Sau này, gia đình muốn chuyển cho Aguero sang họ của cha là Del Castillo. Tuy nhiên, họ không có đầy đủ giấy tờ cần thiết bởi tất cả đều đã bị trận lũ năm nào cuốn trôi.

    - Bố mẹ của Aguero muốn đặt tên đệm của con trai là “Lionel”. Nhưng cái tên Lionel không được phòng đăng ký khai sinh chấp nhận vì nó không có trong danh sách những cái tên được cho phép ở khu vực này. Tuy nhiên ở Rosario, “Lionel” lại được cho phép. Đấy là lý do vì sao người bạn thân của Aguero sau này là Messi có được cái tên Lionel. 


    - Bố của Aguero, Leo, là một chân sút rất triển vọng khi còn trẻ. Tuy nhiên ông đã không có cơ duyên để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Nghề chính của ông là một thợ làm bánh, nhưng ông cũng tranh thủ chơi cho đội bóng địa phương ở những giải đấu tổ chức vào cuối tuần.

    - Aguero bước chân vào bóng đá chuyên nghiệp lần đầu tiên vào tháng 7/2003, khi mới có 15 tuổi 13 ngày, trong màu áo Independiente (ảnh). Cho đến nay Aguero vẫn đang giữ kỷ lục cầu thủ trẻ nhất từng ra sân ở giải vô địch cao nhất của Argentina. Người giữ kỷ lục này trước đó là Diego Maradona, người sau này sẽ trở thành bố vợ anh. Bàn đầu tiên của Aguero tại giải vô địch Argentina đến sau đó hơn 1 năm, vào tháng 11/2004.

    - Aguero vô địch World Cup U20 cùng Argentina tại Hà Lan năm 2005 và bảo vệ thành công danh hiệu này tại Canada 2 năm sau đó. Tại Canada, anh còn giành cú đúp Quả Bóng Vàng (cầu thủ hay nhất) và Chiếc Giày Vàng (ghi 6 bàn sau 7 trận).

    - Trước khi sang Atletico hồi 2006, Aguero còn nhận được sự quan tâm của Man United, Chelsea, Liverpool, AC Milan, Inter Milan, Juventus và Real Madrid. Nhưng không một CLB nào chấp nhận trả mức phí quá cao mà Independiente đòi hỏi cho một cầu thủ “tuổi teen”. Duy chỉ Atletico chấp nhận chi 19 triệu bảng để mang Aguero sang châu Âu. Sau đó họ bán Aguero cho Man City với giá gấp đôi là 38 triệu bảng hồi 2011.

    Tài năng bẩm sinh
    Tôi luôn biết mình sinh ra là để chơi bóng đá, ngay từ khi còn bé xíu. Và tôi cũng không bao giờ dành một giây phút nào để cố tìm hiểu xem vì sao như vậy. Mọi thứ thật đơn giản vô cùng, tôi muốn chơi bóng, ở bất kỳ nơi nào có thể, với bất kỳ ai có thể và mặc kệ những gì diễn ra xung quanh.

    Và khi đã vùi mình vào bóng đá, mọi thứ đã diễn ra hết sức tự nhiên, cũng như rất nhanh nữa. Vâng, nhanh đến mức tôi thậm chí còn không ý thức được mọi chuyện xảy ra như thế nào. Như khi lần đầu tiên ra mắt tại giải vô địch quốc gia Argentina vậy, ngày ấy tôi mới có 15 tuổi. 

    Tôi hoàn toàn không ý thức được điều ấy có ý nghĩa như thế nào. Nhưng được cái là tôi luôn tận hưởng từng phút giây có mặt trên sân. Càng chơi thì kinh nghiệm càng nhiều, nhưng giây phút lần đầu tiên đá bóng chuyên nghiệp sẽ là một trải nghiệm không thể nào quên.
    Rồi sự liên kết kỳ diệu với Independiente, bước đi đầu tiên sang châu Âu, gia nhập Man City và giành được nhiều thành quả chỉ trong một thời gian ngắn. Tôi đã tận hưởng tất cả những gì mà vận mệnh mang đến cho mình trong thời gian đó. Tôi cũng có vận may được trải nghiệm cảm giác thi đấu quốc tế cho đội tuyển Argentina, ở mọi lứa từ trẻ đến lớn.

    Nguồn gốc biệt danh “El Kun”
    Mọi người vẫn thường hỏi tôi vì sao lại có cái biệt danh là “Kun” ấy.

    Bố mẹ tôi bảo đấy là một nhân vật hoạt hình Nhật Bản mà tôi vẫn thường xem mê mẩn khi còn nhỏ. Đầy là phim “Thời đồ đá”. nhân vật chính tên là Kum Kum, một người tiền sử nhỏ bé.

    Nhưng bố nuôi của tôi, Jorge Chetti, cũng là người bạn đầu tiên của bố mẹ khi cả nhà chuyển đến sống ở Buenos Aires thì lại nghĩ khác. Ông cho biết bắt đầu gọi tôi là Kun bởi vì những âm đầu tiên tôi nói được là “Koo” hay “Koom” gì đó. Từ đó mỗi lần muốn nói chuyện với tôi, ông đều thêm chữ Kun vào trước. Ví dụ: “Kun, lại đây chơi nào”. “Kun ơi, lại đằng kia đi”.

    Một vài người khác bảo tôi trông giống nhân vật Kum Kum và bắt chước theo dáng chạy của nhân vật hoạt hình đáng yêu ấy.
    Nhưng dù lý do có là gì đi nữa, cái biệt danh ấy cũng đã gắn chặt với tôi rồi.

    Thần tượng Owen, yêu Liverpool
    Các CĐV Man City có thể sẽ không thích tiết lộ này, nhưng khi còn bé tôi quả thực rất thần tượng và muốn trở thành Michael Owen.
    Tôi luôn thích CLB Liverpool, tôi chơi rất nhiều trò chơi điện tử và luôn chọn Liverpool để điều khiển. Lý do chính là vì đội bóng này mặc áo đỏ, giống với CLB đầu tiên của tôi là Independiente.

    Khi nhìn thấy Owen ghi bàn vào lưới đội tuyển Argentina hồi World Cup 1998, tôi đã rất giận anh ấy, nhưng phục thì vẫn phục vô cùng. Lúc ấy tôi chỉ mới 10 tuổi, nhưng đã biết là với một cầu thủ như Owen, dứt khoát không được để cho anh ta có nhiều khoảng trống như vậy. Thời gian ấy Owen quả thực là một tiền đạo rất đáng sợ.

    Khi tôi cầm đội Liverpool trong trò chơi điện tử, tôi luôn bố trí sơ đồ có 4 hậu vệ, 2 tiền vệ trung tâm, 2 tiền vệ cánh, Steven Gerrard sẽ đá hộ công sau lưng Djibril Cisse hoặc Fernando Morientes. Với cách bố trí ấy, tôi luôn thắng các trận đấu với cách biệt 6-7 bàn. Hiện nay, tôi vẫn luôn dành sự tôn trọng cho các cầu thủ Liverpool. 
    LÊ MINH (lược dịch) • 07:16 ngày 13/03/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay