Bóng Đá Plus trên MXH

Số phận bi đát của "Bảng tử thần" - Nằm trong bảng mạnh là điều bất hạnh
20:40 ngày 15/06/2014
Hầu như ở mọi VCK EURO hay World Cup đều xuất hiện một bảng đấu “tử thần”, nơi hội tụ ít nhất 3 đội mạnh, ngang sức ngang tài, tạo nên cuộc đua vào vòng hai vô cùng khốc liệt. “Bảng tử thần” cực kỳ hấp dẫn bởi tính chất cạnh tranh sống còn giữa 4 đội, tuy nhiên, ai cũng sợ rơi vào nhóm này bởi nơi đây hàm chứa nguy cơ thất bại cực cao.

    CHƯA AI VÔ ĐỊCH NẾU NẰM Ở BẢNG TỬ THẦN
    Các đội cỡ trung bình khá coi như hết cửa tiến xa khi rơi vào “Bảng tử thần”. Nguyên nhân dễ hiểu: đội mạnh còn dễ bị loại, huống hồ... Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là: khi các đội mạnh vượt qua được “Bảng tử thần”, họ cũng rất khó đăng quang. Vì sao?

    Không khó kiểm chứng quy luật nghiệt ngã, rằng đã rơi vào ở một giải đấu lớn thì không chóng thì chầy, ứng viên vô địch cũng đành ngậm ngùi với kết cục trắng tay. Với các đội bóng như thế, câu hỏi chỉ là họ sẽ bị loại ở vòng đấu nào, chứ chẳng phải họ có tranh chấp được ngôi vô địch hay không. 

    Cứ nhìn lại các bảng đấu của Argentina, Anh, Nigeria, Thụy Điển (World Cup 2002); Đức, Uruguay, Scotland, Đan Mạch (World Cup 1986); Argentina, Hà Lan, Serbia & Montenegro, Bờ Biển Ngà (World Cup 2006); Pháp, Italia, Hà Lan, Romania (Euro 2008); Đức, BĐN, Hà Lan, Đan Mạch (Euro 2012)..., xem các đại gia xoay sở ra sao sau khi chiến thắng “Tử thần” ở chặng đầu tiên!

    Có thể hình dung tình trạng “trầy vi tróc vẩy”, sứt mẻ lực lượng vì chấn thương hoặc thẻ phạt khi các đội mạnh phải liên tục quyết đấu ngay từ vòng bảng. Nhẹ ra thì cũng suy giảm về thể lực và thua sút các đối thủ chính khi bước vào vòng knock-out. 
    Ngược lại, chúng ta cũng dễ hình dung thuận lợi to lớn của các đội mạnh khác, khi họ khởi đầu cuộc chơi ở một bảng nhẹ nhàng. Tại World Cup 2002, Brazil dễ dàng làm nên kỳ tích “penta” cho dù lực lượng không mạnh như chính Brazil ở những kỳ World Cup khác. 

    Bảng đấu quá nhẹ khiến Brazil có điều kiện tung ra lực lượng dự bị, để các trụ cột nghỉ ngơi trong loạt đấu cuối cùng. Đã vậy, các đội mạnh khác rớt như sung rụng. Anh là đối thủ “xem được” duy nhất trước khi Brazil tiến vào chung kết World Cup 2002. Và đấy là đội Anh đã bị bào mòn từ thể lực đến tinh thần, lực lượng bởi các trận đấu khốc liệt trước đó.

    Pháp vô địch World Cup 1998, Italia vô địch World Cup 2006, TBN vô địch World Cup 2010 cũng vì họ khởi đầu trong các bảng đấu khá dễ dàng, hoặc vào chung kết sau một hành trình gồm quá nhiều đối thủ yếu. TBN thậm chí vẫn tiến được đến ngôi vô địch World Cup 2010 dù thua ngay trận ra quân.

    PHẢI LỘ BÀI SỚM
    Ở đẳng cấp cao, người ta thường hơn thua nhau ở bài bản chiến thuật, mà trong không ít trường hợp, các tuyệt chiêu chỉ đưa ra sử dụng trong trận đấu quan trọng nhất. Tất nhiên, đã rơi vào “Bảng tử thần” thì các bài tủ, tuyệt chiêu đều phải lập tức giở ra để quyết chiến ngay từ đầu. Các đội mạnh thường “hết vốn” sau khi vượt qua vòng bảng là vì vậy.

    Tại World Cup 1986, Đan Mạch là “Ngựa ô” đáng gờm, toàn thắng trước Uruguay, Đức và Scotland ở “Bảng tử thần”. Nhưng khi gặp TBN ở vòng kế tiếp thì Đan Mạch thua đến 1-5, dù chính họ dẫn điểm và được số đông đánh giá cao hơn. Nguyên nhân lớn nhất là cách chơi của Đan Mạch không còn yếu tố bất ngờ nào nữa. Ngược lại, TBN khi ấy bất ngờ thắng lớn với các bàn thắng liên tục đến từ tình huống phản công - một “vũ khí lạ” hiếm khi đội TBN sử dụng.

    Tương tự, ai cũng thấy rõ sức mạnh của Argentina tại World Cup 2006 và Hà Lan tại EURO 2008. Đấy đều là ứng cử viên vô địch số 1 lúc bấy giờ. Ngoài lực lượng rất hùng hậu, Argentina và Hà Lan đều có bài bản riêng, rất đặc sắc ở các giải đấu ấy. 

    Hà Lan từ bỏ sơ đồ 4-3-3 truyền thống, chuyển sang chơi 4-2-3-1, theo đề nghị của vài cầu thủ trụ cột, cũng chính là các cầu thủ quyết định thành, bại trong đội bóng của HLV Marco Van Basten. Họ chơi rất hay, là đội bóng sáng giá nhất trong vòng bảng. 

    Nhưng khi lối chơi đã bị nhận diện, Hà Lan lập tức thua Nga ở vòng đấu kế tiếp. Cũng vậy, cách chơi đầy tính ngẫu hứng xoay quanh Juan Riquelme của Argentina làm mưa làm gió ở vòng bảng, khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Nhưng Argentina rút cuộc phải dừng bước ở vòng tứ kết.

    Với quá nhiều bất lợi hiển nhiên như vậy, đã rơi vào bảng tử thần thì coi như... xong. Giới hâm mộ Italia, Anh hoặc Uruguay có thể kiểm chứng điều này trong những tuần lễ sắp tới!
    Khương Duy • 20:40 ngày 15/06/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay