Năm 2010, Super Mario đã phải chạy trốn sang Man City để thoát khỏi những lời lẽ phân biệt chủng tộc. Tiền đạo gốc Ghana sinh ra ở Palermo và được một cặp vợ chồng người Italia nuôi nấng, nhưng thế là chưa đủ để anh được thừa nhận: “Một tên mọi (negro) không thể là một người Italia được” - Các CĐV Juventus đã từng hét vào mặt Balotelli như thế.
Mới đây, 18/20 CLB Italia đã bỏ phiếu bầu Carlo Tavecchio, một kẻ từng dùng hình ảnh “ăn chuối” để mạ lị một cầu thủ da màu, lên làm Chủ tịch LĐBĐ Italia. Samuel Eto’o đã từng phải giả làm khỉ để phản ứng lại những lời lẽ phân biệt chủng tộc ném tới tấp từ trên khán đài, khi còn chơi cho Inter. Kevin Prince-Boateng
“Văn hóa Ultras” giờ có lẽ còn ám ảnh hơn cả Hooligan của người Anh trước đây: Tháng 11/2013, một nhóm Ultras Roma đã bao vây, tấn công các CĐV Tottenham bằng dao trước một trận đấu tại Europa League. Điều kỳ lạ là khi tấn công, chúng hô vang: “Bọn Do Thái”.
Khi ấy, người ta mới giật mình nhớ lại rằng năm 1999, các Ultras của Roma đã từng giăng một tấm băng-rôn dài 50 mét trong một trận derby thủ đô: “Auschwitz (trại tập trung lớn nhất của Đức quốc xã - BĐ&CS) là quê của chúng mày, và những lò lửa là nhà chúng mày”. Nó đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt tại Quốc hội Italia về các biện pháp hạn chế nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá.
“Ultras là những người chỉ huy tại Italia” - Ông Fabio Capello, người từng dẫn dắt Milan, Roma và Juventus, than trời: “Luật có đấy, nhưng người ta không áp dụng”. Trong khi việc quản lý các CĐV trong các sân ở Italia là rất lỏng lẻo và mỗi hành vi sai trái của họ đều khiến CLB bị phạt, thì ở Anh và TBN, sự trừng phạt sẽ giáng xuống đầu các cá nhân: “Tại TBN, họ dành sự tôn trọng tuyệt đối cho những gia đình đưa con cái đến sân vận động: Đó là một thế giới khác. Ở Anh, các sân luôn kín khán giả và người quản lý đã làm việc thật sự tuyệt vời”.
Những con số ủng hộ nhận định của Capello. Marco Valeri, một nhà xã hội học người Ý, xác định rằng chỉ trong năm 2012, bóng đá Ý có 59 “sự cố phân biệt chủng tộc”. Năm 2007, một cuộc bạo động lớn đã nổ ra giữa các CĐV Catania và Palermo, với 100 quả bom tự chế được ném về phía cảnh sát, làm bị thương 200 người và giết chết một sĩ quan
Khi các khán giả bỏ đi
“Các SVĐ thật là khủng khiếp. Nếu bạn là một CĐV bình thường, bạn có muốn đưa gia đình của mình đến xem 1 trận đấu mà bạn có thể nghe thấy tiếng hô hào phân biệt chủng tộc? Một nơi mà bạo lực tiềm ẩn?” - Bandini, phóng viên chuyên về mảng bóng đá Italia của tờ Guardian, nhận xét. Các khán đài cũ nát cũng làm người xem thấy ngán ngẩm. Năm 2009, khi Juventus xây sân mới, độ tuổi trung bình của các sân đấu tại Italia là 63. Và khác hẳng các nước châu Âu khác, các sân ở Italia, trừ sân của Juventus, thuộc diện sở hữu công, nhận được rất ít kinh phí bảo trì.
Đến sân xem bóng đá cuối tuần đã không còn là thú vui của người Italia: Trong giai đoạn từ 2009-2013, số CĐV đến sân xem 3 đội nổi tiếng nhất nước Italia là Juventus, AC Milan và Inter đã giảm đến 26% so với giai đoạn 2001-2004. Năm 2011, khi Bundesliga vượt mặt Serie A và giành suất dự Champions League thứ tư cho người Đức, người Italia nhận thêm một cú sốc nữa: 10 triệu khán giả đã quyết định không đến các sân của Italia để xem đá bóng nữa. Sau các ngôi sao, những người hâm mộ cũng đang dần bỏ đi.