Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Ronaldinho, chàng nhân tình răng vổ của trái bóng
Ronaldinho, chàng nhân tình răng vổ của trái bóng - Bongdaplusvn.com

Ronaldinho, chàng nhân tình răng vổ của trái bóng

Được xem Ronaldinho, người sẽ tròn 39 tuổi vào ngày 21/3 này, chơi bóng cũng như được xem Michaelangelo điêu khắc bức tượng David, nghe Mozart chơi bản Concerto số 20 dành cho piano hay chiêm ngưỡng họa phẩm Thần Vệ Nữ ra đời của Sandro Botticelli vậy… Từng đường bóng, từng ý tưởng xử lý của Ronaldinho đều khiến khán giả gai người vì vẻ đẹp đẽ, để rồi cúi đầu bái lậy sự huyền diệu của túc cầu giáo.

Nếu Messi đứng trước bóng, anh ta sẽ rê qua hậu vệ hoặc lốp bóng qua đầu thủ môn. Nếu Ronaldo xuất hiện trong vòng cấm địa, anh ta sẽ chạy nhanh hoặc bật cao hơn cầu thủ đối phương. Nếu Neymar có bóng, anh ta sẽ đảo chân như rang lạc. Nếu Ibrahimovic đứng trước bóng, anh ta sẽ đá quả bóng cho John Carew thi triển kỹ năng. Carew thực hiện động tác gì, Ibra làm y hệt với một quả cam. Xa xa, Oezil nhả bã kẹo cao su ra tâng.

Messi, Ronaldo, Neymar, Ibrahimovic hay Oezil là những gương mặt tiêu biểu của bóng đá hơn chục năm qua. Messi và Ronaldo là hai cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh. Neymar là cầu thủ ưu tú nhất của bóng đá Brazil. Ibra là cá tính bậc nhất. Và Oezil là vua kiến tạo.

Và quãng thời gian ấy chứng kiến sự phát triển vượt bậc của nền “công nghiệp” bóng đá, với sự chính xác và chuẩn mực. Ở những cầu thủ giàu kỹ thuật và đột biến bậc nhất hành tinh nêu trên, có một sự thật là hiếm khi họ có động tác thừa, bởi mọi thứ đều được lập trình kỹ lưỡng ngay từ khi còn là một chú bé ở lò đào tạo trẻ.

Messi luôn được xưng tụng là thiên tài nhưng sự thiên tài của anh nằm ở chỗ đơn giản hóa mọi pha bóng phức tạp. Có chăng chỉ Neymar từ xứ Samba còn ham mê biểu diễn đôi chút, nhưng động tác của anh chàng này gợi đòn hơn là gợi cảm.

Muốn chứng kiến thứ bóng đá gợi cảm thuần chất Joga Bonito, cần quay về chục năm trước, với Ronaldinho. Trở lại với câu chuyện ban đầu, các hậu vệ biết thừa Messi và Ronaldo sẽ làm gì nhưng không thể cản phá bởi sự vượt trội về thể chất và kỹ năng của hai siêu sao này.

Nhưng nếu đối mặt Ronaldinho, các hậu vệ sẽ… chẳng biết làm gì vì chẳng biết Ronaldinho… sẽ làm gì bởi vì Ronaldinho làm gì với quả bóng cũng được.

Chuyền, chọc khe, bấm bóng qua đầu, sút, lốp thì quá đơn giản. Phức tạp hơn một chút thì đảo chân, tâng bóng, giật gót, xâu kim, ta-lông, khống chế bằng lưng, tung người móc bóng. Nhưng lúc cao hứng nhất thì Ronaldinho khiêu vũ trên sân bằng điệu nhảy Samba cuồng si, với những cú lắc hông đặc trưng theo đúng nghĩa đen.

Ai còn nhớ bàn thắng kinh điển của Ronaldinho vào lưới Chelsea? Nhận bóng từ Iniesta, một mình Ronaldinho đứng giữa vòng vây các cầu thủ áo xanh ngay trước vòng cấm. Trước mặt anh là cặp trung vệ thép John Terry và Ricardo Carvalho, sau lưng có thêm người không phổi Frank Lampar còn trong khung gỗ là "Người nhện" Petr Cech.

Trong thế bị quây kín như thế, Ronaldinho lắc lư như thể đang tham dự Carnival chứ không phải đối đầu với hàng phòng ngự "Made by Mourinho". Và rồi, vút, trái bóng lao đi sau một pha dứt điểm nửa tâng nửa chích mũi vào góc xa. Tốc độ không quá nhanh, lực không quá mạnh nhưng quá hóc hiểm và bất ngờ nên Petr Cech chỉ còn biết ngỡ ngàng nhìn bóng đi vào lưới.

Pha dứt điểm ấy đại diện cho phẩm chất của Ronaldinho, khó lường, ngẫu hứng và tuyệt đẹp. Nếu quả bóng có linh hồn, có lẽ nó sẽ chọn Ronaldinho là người tình trăm năm chứ không phải bất kỳ huyền thoại vĩ đại nào khác. Bởi niềm hạnh phúc chàng vẩu xứ Samba đem lại cho nó.

Real Madrid đã chiêu mộ Ronaldinho nếu anh không quá xấu trai. Barcelona đã có David Beckham nếu anh không quá điển trai. Với một chứ "Nếu", bạn có thể bỏ cả Paris vào cái chai. Còn hai chữ "Nếu" nêu trên, bạn có thể đảo chiều cả một giai đoạn lịch sử của bóng đá. Vì trong ánh xạ của hai chữ "Nếu" ấy, một thế giới khác hiện ra:

Ở chữ "Nếu" thứ nhất, ta thấy La Decima (vô địch Champions League lần thứ 10) sớm được Real chinh phục, đồng nghĩa Los Galacticos, dải thiên hà quy tụ những vì tinh tú trên bầu trời bóng đá tiếp tục sáng chói chứ không hề tắt ngóm; đồng nghĩa Florentino Perez không từ chức và dự án cải tổ Santiago Bernabeu với kinh phí nửa tỷ euro đã hoàn tất.

Ở chữ "Nếu" thứ hai, ta thấy Barcelona kiếm thêm chút ít doanh thu từ bán áo đấu nhưng phòng truyền thống thì vẫn trơ trọi một chiếc cúp tai voi từ thời còn mang tên Cúp C1, số danh hiệu La Liga thì chỉ bằng phân nửa đại kình địch và Lionel Messi chuyển sang một đội bóng giàu tham vọng hơn, có thể là Real để sưu tập danh hiệu lẫn kỷ lục.

Nhưng, Ronaldinho vẫn cứ mắt xếch, mũi tẹt, răng vẩu còn Beckham vẫn cứ hút hồn chị em bởi khuôn mặt của một tài tử. Thế nên, tay giám đốc giấu tên gì đó của Real từng tiết lộ chuyện đội bóng Hoàng gia từ chối chiêu mộ Ronaldinho vì quá xấu nên giấu tên nốt quãng đời còn lại cho đỡ e thẹn và khỏi mang tiếng làm lộ bí mật Hoàng gia.

Trong khi đó, Juan Laporta chính là ví dụ điển hình của câu chuyện "Tái ông thất mã" thế kỷ 21 và thế giới bóng đá. Chuyện là Laporta dùng chiêu bài “sẽ đem Beckham về Nou Camp” để tranh cử chức chủ tịch Barca và quả thực ông thắng cử. Thế nhưng, vị tân chủ tịch Barca nhận một vố đau vì chỉ ít ngày sau, Becks mỉm cười tươi rói bên cạnh Florentino Perez và trên tay là chiếc áo số 23 của Real. Sau thương vụ Luis Figo, Bố già Perez lại chơi cho đại kình địch thêm một vố đau nữa.

Bởi vậy, Barca phải chuyển sang phương án B là Ronaldinho, tay chơi đang bị thất sủng tại PSG vì thói vô kỷ luật. Ngày ấy, PSG chưa giàu có như bây giờ và hận thù cũng chưa xuất hiện nên hai đội mua bán chóng vánh. Suýt soát 30 triệu euro sang tay.

Ngày ra mắt tân binh từ PSG, Laporta giới thiệu: “Tôi có vinh dự giới thiệu tới các bạn Ronaldo Assis de Moreira, thường được biết đến với cái tên Ronaldinho, nhà vô địch thế giới người Brazil”. Phần còn lại là lịch sử. Như Xavi, một tượng đài, đã nói: “Anh ấy đã thay đổi lịch sử Barca”.

Câu nói “có không giữ, mất đừng tìm” thật sự quá đúng về một tài năng đặc biệt như Ronaldinho. Nhiều con người nghiêm túc của thời đại này chắc hẳn chẳng chịu được cái miệng hớn hởn suốt ngày khoe răng vẩu của anh trên sân bóng, hay những thứ vẽ vời mà thực tế có thể làm đơn giản hơn rất nhiều. Phần đông cho rằng Ronaldinho đã không cố gắng hết sức bởi tài năng của anh có thể mang về nhiều hơn 1 Quả Bóng Vàng, 1 chức vô địch World Cup hay 1 Cúp Bạc Champions League.

Nhưng Ronaldinho là vậy, không cười không phải là anh. Không đảo chân chẳng phải con người này. Không nghệ sỹ đâu gây thương nhớ tới vậy. Không hề quá, Ronaldinho là đại diện cuối cùng của trường phái hoang dã Samba cổ điển mà Brazil từng tự hào sở hữu. Giờ đây là một thế hệ khác, rất khác, với những đàn em chẳng thể vui vẻ tận hưởng quả bóng.

Khi mọi thứ dần đi vào quy củ, bóng đá đường phố cũng được quy hoạch hết vào bốn bức tường. Người ta tự hỏi những cậu bé Brazil sẽ học được gì trong các học viện theo giáo trình chuẩn châu Âu. Có ai dạy họ gắp bóng, đảo chân, rebona, trivela, “mắt lác”... ở đó. Không! Không có công thức cho những kỹ năng tự phát, nên chẳng thể lý thuyết hóa cho vào đề cương mà đi giảng dạy. Ở đây, không phê phán cách đào tạo bóng đá của châu Âu. Nhưng chẳng phải mỗi phong cách đều chỉ phù hợp với một khu vực nhất định sao? Nếu các tài năng Brazil cũng chuyền bóng, chạy chỗ, di chuyển theo bài hệt những đứa trẻ Lục địa Già, bóng đá đâu khác gì một công trường công nghiệp.

Ở đó, chỉ là cuộc đấu trí của những HLV trên bàn cờ người đã lập trình sẵn. Bóng đá đại đồng là bóng đá... hòa đồng, không đặc trưng, không bản sắc, chỉ nhàn nhạt một màu nước ốc.

Lạ hơn nữa là giờ đây, các học viện của những CLB Brazil còn đi đặt trụ sở khắp thế giới, sang tận châu Âu, châu Á, châu Phi... Họ đi khuyến mãi mô hình mà mình chưa bao giờ là chuyên gia, với những ví dụ đầu ra chưa bao giờ có thể so sánh với Neymar, chứ đừng nói là Ronaldinho.

Hãy nhìn vào hàng công của ĐT Brazil thời điểm này, là Neymar, Roberto Firmino, Gabriel Jesus, Richarlison... Trước đó nữa, là Fred, Jo, Malcom, Pedro, Dudu, Luan... Ngoài Neymar, ai trong số này dám tự xưng là một tiền đạo Brazil - những người kế thừa di sản Selecao huyền thoại.

Họ đơn giản là không đủ tài năng, kỹ năng, tâm thế để bắt kịp những người đàn anh. Điều khiến ĐT Brazil luôn thất bại ở những kỳ World Cup hơn chục năm qua là việc họ bị đọc vị như một cuốn sách có đầy đủ mục lục lẫn tác giả. Chơi theo cách châu Âu với người châu Âu, không thua mới là lạ. Tư duy bị đóng khung, trí tưởng tượng chẳng bao giờ được khuyến khích, Selecao này là Selecao nào?

Firmino nổi tiếng về work-rate, Jesus là chuyên gia chạy chỗ, Richarlison thì... rất khỏe. Không có Neymar, ai đảm nhận vai trò nâng tầm các kỹ thuật cá nhân lên mức hiệu quả, đủ để áp dụng vào thực chiến. Thế mới thấy vì sao Neymar là niềm hy vọng lớn nhất của Brazil, trong khi ở thời của mình, Ronaldinho có thể dựa dẫm rất nhiều vào các ảo thuật gia sân cỏ như Ronaldo Béo, Rivaldo, Kaka...

Một cánh chim mỏi đâu thể mang tới mùa xuân. Nhưng theo dòng thời gian, những người đứng đầu bóng đá Brazil không cho rằng Selecao thua vì thiếu những nghệ sỹ như Ronaldinho, mà vì các cầu thủ chưa chạy đủ, chưa tranh chấp đủ, chưa tuân thủ đủ.

Các lò đào tạo “gà công nghiệp” vẫn mọc lên như nấm, còn nghệ sỹ đường phố như Ronaldinho thì bị đội trật tự phường dẹp vào một góc. Đó chẳng còn là niềm tự hào nữa, mà giống một sản phẩm không chuyên nghiệp.

Khi không còn được đón nhận và tạo điều kiện, những người nhìn bóng đá bằng một lăng kính đầy màu sắc như Ronaldinho sẽ tuyệt chủng. Túc cầu lại như mã nhị phân, chỉ có đen hoặc trắng là điều tồi tệ nhất mà những người thực sự yêu môn thể thao này không bao giờ nghĩ tới.

Nói đến đây, nhắc lại một mẩu chuyện xưa về Ronaldinho. Cách đây hơn 2 thập kỷ, một cựu cầu thủ mang tên Renato cho đội bóng cũ Gremio mượn 100.000 USD. Gremio làm ăn thua lỗ và không có đủ tiền để trả lại Renato. Thế là BLĐ đội bóng đề nghị cho Renato sở hữu 1/4 giá trị thương mại của một trong các học viên của lứa U19: Ronaldinho hoặc Tinga.

“Tôi nghe nói Tinga có kỹ thuật tốt hơn”, Renato đã đánh mất cơ hội trở thành triệu phú như vậy đấy. Vài năm sau, Tinga dính chấn thương nặng và sự nghiệp đi xuống, còn Ronaldinho phát tiết hết mức bên trời Âu. Nhưng khi được hỏi liệu có luyến tiếc, Renato mỉm cười: “Tôi không hối hận, một cầu thủ Brazil là phải biết gắp bóng”.

Đó có thể là một tư duy không hợp thời đại nhưng với những người như Renato, ít ra bóng đá Brazil vẫn còn đậm đặc bản sắc, để một người như Ronaldinho không còn độc nhất vô nhị.

Là một kẻ tôn thờ vẻ kiều diễm của bóng đá, lại trình diễn phong cách thi đấu quyến rũ, huyền hoặc trong suốt sự nghiệp của mình, chẳng lạ gì nếu Ronaldinho cũng mê đắm những thứ đẹp đẽ, ví dụ như nhan sắc đàn bà. Vả lại, trong huyết quản của anh là dòng máu hội hè tưng bừng rộn rã, thế nên anh là người ham vui.

Sau trái bóng, thứ mà Ronaldinho không thể thiếu được là những bóng hồng lung linh ngả ngớn trong những tiệc rượu tan hoang cả đất trời. Thậm chí, ngay cả khi đang thi đấu, Ronaldinho cũng thường để những thân hình nóng bỏng chen lẫn vào những cú lắc hông lừa bóng.

Truyền thuyết kể lại rằng, trong một trận đấu, nhân quãng thời gian nghỉ giải lao giữa hai hiệp, chàng cầu thủ phóng túng này đã kịp sẻ chia xác thịt với một mỹ nhân thuộc nhóm Cheerleader cổ vũ cho đội bóng. Sau đó, anh uống một cốc nước cam và ra sân thi đấu tiếp hiệp hai.

Cuồng đãng đến mức ấy thì thôi, trần đời này chỉ có một Ronaldinho. Cũng dễ hiểu tại sao ngoài thứ bóng đá đẹp anh thường phô diễn, người ta hay nhắc tới anh trong những scandal tình ái hay ăn chơi trác táng. Thế nên, khi Ronaldinho khoe danh hiệu Quả Bóng Vàng trên sân cỏ Camp Nou, người ta ngán ngẩm khi thấy vòng bụng của anh phình to dị thường.

Đấy là hậu quả của rượu bia và những bữa tiệc thịt nướng mang phong cách Brazil thâu đêm suốt sáng. Cùng với đó là sự suy giảm phong độ, bởi làm sao có thể Joga Bonito hoàn hảo được nữa khi cơ thể phát phì, khắp nơi ngồn ngộn những bọng mỡ thay cho cơ bắp?

Nhưng cũng không thể trách Ronaldinho được bởi anh đã có công đem đến lạc thú trên sân cỏ thì lại được ban thú hưởng lạc ngoài sân cỏ. Đấy chính là mặt trái tất yếu của những nghệ sĩ sân cỏ Brazil. Từ lớp tiền bối Garrincha, Pele, Romario, Edmundo… đến những đồng đội như Ronaldo, Roberto Carlos… có ai tránh được những thói hư tật xấu kiểu Ronaldinho.

Lạc thú cũng chính là chất men đem đến thứ bóng đá ngất ngây của những nghệ sĩ sân cỏ như Ronaldinho vậy. Không có nó, chắc chắn họ cũng sẽ trở thành "thanh niên nghiêm túc" như Dunga hay Gilberto Silva, 2 đại biểu cho trường phái bóng đá khô khan, xấu xí tại Selecao.

Nhưng có thế thì Ronaldinho mới gần gũi, đáng yêu với chúng ta. Chất “Đời” của con người Rô "Vẩu" rất cao khiến anh trở thành hình mẫu cầu thủ không thể bị ghét. Có thể thành tựu bóng đá của anh không quá đồ sộ, thế nhưng, đấy sẽ là một cái tên sẽ mãi khắc ghi trong tâm khảm và trí nhớ của những tín đồ bóng đá đẹp.

Biết đến bao giờ thế giới mới được có lại một Ronaldinho?

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: HẢI AN - TRẦN LỘC - NGỌC TRUNG
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplusvn.com

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay