CHẠY TRỐN KHỎI QUÊ NHÀ
Ousman Manneh sinh ngày 10/3/1997 tại Gambia. Năm 2004, khi mới 7 tuổi, chàng trai này bắt đầu học bóng đá tại trung tâm đào tạo Rush Soccer Academy tại thành phố Bakau của quốc gia Tây Phi. Khi tiến hành ký hợp đồng với Manneh vào tháng 3/2015 vừa qua, BLĐ Werder Bremen đã xác minh về lời khai “ăn tập” của chàng trai tị nạn này tại Rush Soccer Academy.
Họ liên lạc được với HLV Abdoulie Bojang của Rush Soccer Academy và vị HLV này khẳng định, đúng là Manneh đã tập luyện tại trung tâm từ năm 2004, ông còn miêu tả Manneh là “tập luyện chăm chỉ, tuân thủ kỷ luật và tài năng”. Sau đó ông Bojang lập tức loan tin cho tờ Observer Sports (Gambia) về việc Manneh đã được Bremen ký hợp đồng, đồng thời PR luôn cho trung tâm của mình: “Trung tâm của chúng tôi sẽ còn đào tạo ra nhiều tài năng như thế”.
Nhưng châu Âu và cuối cùng là nước Đức là điểm đến đầy bất ngờ trên “hành trình tử thần” của Manneh. Manneh mơ mộng gì về bóng đá ở Gambia, quốc gia nhỏ bé, nghèo nàn tại Tây Phi, nơi những cuộc nổi dậy vẫn liên tục nổ ra để chống lại nền độc tài của Tổng thống Yahya Jammeh. Đầu năm 2014, khi chưa tròn 17 tuổi, Manneh cùng hai cậu bạn nghèo khổ khác bỏ quê hương ra đi kiếm tiền giúp gia đình.
Manneh có một người họ hàng tại Tripoli, Libya và anh cùng các bạn tới đó tìm kiếm việc làm mưu sinh. Không đồng xu dính túi, nhóm Manneh phải vừa đi vừa làm thêm trên hành trình mới có tiền ăn và xe cộ. Manneh kể: “Ban đầu chúng tôi đi bộ, xin ăn dọc đường. Sau đó chúng tôi thường xin làm phụ xe cho các tài xế xe tải chỉ để được ăn và đi nhờ xe tới điểm mình cần tới. Cuối cùng thì sau cả tháng, chúng tôi cũng vượt qua Senegal, tới Mali rồi đến Libya”.
Những chuyến vượt biển đầy nguy hiểm và chết chóc
Nhưng tại Tripoli, Manneh không thể tìm được người họ hàng. Một thời gian sau, anh và hai người bạn cũng lạc nhau vì mỗi người phải tìm kiếm cho mình một công việc mưu sinh riêng. Manneh được nhận vào làm việc ở một nhà hàng tại Thủ đô Libya. Manneh hài lòng với công việc này, anh làm việc chăm chỉ, dành dụm tiền gửi về quê cho gia đình.
HÀNH TRÌNH TỬ THẦN TRÊN BIỂN ĐỊA TRUNG HẢI
Sau vài tháng làm phụ việc ở nhà hàng tại Tripoli, Manneh gặp ba gã đàn ông, những gã này nói họ biết cách tới Italia và Italia là thiên đường, là giàu có, là con đường thoát khỏi số phận nghèo đói. Trong đầu một chàng trai mới 17 tuổi như Manneh lúc ấy bừng sáng về thiên đường Italia.
Ba gã đàn ông tốt bụng kia nói rằng, sẵn sàng giúp Manneh tới thiên đường Italia, nơi chính phủ Italia sẽ bố trí nơi ở và việc làm. Nhưng muốn tới đó, Manneh phải “mua vé tàu” với mức giá tối thiểu 1.200 dinar (tiền Libya, tương đương 870 USD). Tuy nhiên toàn bộ số tiền Manneh tích cóp được chưa tới 600 dinar nhưng ba gã tốt bụng kia vẫn… chiếu cố.
Một gã đàn ông đưa Manneh tới bãi biển ở ngoại ô thành phố, nơi có hàng ngàn người khác đến từ các nước Đông và Tây Phi đang chờ tàu. Hóa ra, Manneh lọt vào tay của bọn buôn người tới châu Âu. Ông Robert Crepinko - lãnh đạo Cảnh sát châu Âu (Europol) từng cho biết trên New York Times, ngành công nghiệp buôn người trung bình mang lại cho bọn này hàng tỉ USD mỗi năm.
Manneh cùng khoảng gần 300 người khác, từ trẻ em tới phụ nữ có thai bị nhét lên một chiếc thuyền đánh cá, bắt đầu rời Libia trên tuyến đường phổ biến nhất của bọn buôn người, đó là tuyến trung tâm Địa Trung Hải, từ Bắc Phi tới Malta và miền Nam Italia.
Hình ảnh cậu bé mới 3 tuổi Aylan Kurdi người Syria trôi dạt vào bờ biển phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ mới đây gây thương cảm và xúc động trên toàn thế giới. Nhưng trên hành trình tử thần của “tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải”, Manneh đã tận mắt chứng kiến những hình ảnh thương tâm hơn rất nhiều. Manneh nói: “Đói, khát và mệt mỏi, tôi tưởng mình như sắp chết”.
Một gã ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” còn không chịu đựng được trên con tàu đánh cá nhỏ bé mà những kẻ buôn người nhét tới gần 300 người thì phụ nữ, trẻ em và những người yếu sức làm sao chống chọi? Manneh kể rằng: “Một người phụ nữ có thai ngồi cạnh tôi nôn mửa, la hét. Nhưng rồi chị ấy phải cố chịu đựng, nằm gục xuống sàn tàu bẩn thỉu. Những ai la hét sẽ bị bọn chúng đánh đập”. Kinh hoàng hơn, Manneh tận mắt chứng kiến nhiều người, trong đó có trẻ em chết vì kiệt sức bị bọn buôn người… ném xuống biển. Những số phận ấy trôi dạt về đâu?
Sau vài ngày lênh đênh trên biển, trực thăng Italia phát hiện chiếc tàu đánh cá chở đầy những người. Manneh cùng những người sống sót được tàu Italia chở tới đảo Lampedusa và họ bị nhốt ở đó như những tù binh trước khi được đưa tới một thị trấn nhỏ ở miền Nam Italia.
TƯƠNG LAI Ở PHÍA TRƯỚC
Manneh được Bremen ký hợp đồng
Nhưng khác xa lời bọn buôn người, Italia không phải là thiên đường với những kẻ tị nạn như Manneh. Italia từ lâu đã oằn mình trong cuộc khủng hoảng nhập cư, nền kinh tế quốc gia Nam Âu này cũng đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng và hàng ngàn công dân Italia trong những năm qua phải tràn sang các quốc gia Bắc và Tây Âu để tìm kiếm việc làm thì lấy đâu cơ hội cho người nhập cư.
Từ Italia, Manneh lại theo dòng người tị nạn đổ về nước Đức. Manneh cho biết: “Một người nhập cư Nigeria cùng cảnh ngộ trong trại tị nạn nói với tôi rằng, vì nhân đạo, chính phủ Đức xé bỏ luật Dublin (Người nhập cư nộp đơn xin tị nạn tại nước châu Âu đầu tiên họ đến), sẵn sàng mở cửa chào đón người tị nạn như chúng tôi. Bà Angela Merkel là người mẹ nhân đạo tuyệt vời và chúng tôi đã tìm đường đến với nước Đức”.
Thế là từ Italia, Manneh tới được nước Đức vào mùa Hè năm 2014, anh được đón nhận ở trại tị nạn tại quận Lesum, thành phố Bremen, Đức.
Gần trại tị nạn của Manneh là trung tâm đào tạo trẻ của đội bóng địa phương Blumenthaler SV. Manneh xin tập luyện cùng các cầu thủ trẻ đội bóng này nhưng vẫn ăn và ở tại trại tị nạn Lesum. Theo Die Welt, Manneh tỏ ra vượt trội so với các cầu thủ cùng trang lứa của Blumenthaler, anh ghi bàn liên tục như một cỗ máy.
Tiếng tăm của một “thằng nhóc tị nạn biết chơi bóng” tại Blumenthaler lọt vào tai các chuyên gia săn đầu người của Werder Bremen. Tuy nhiên, Bremen phải đợi đến ngày 11/3/2015, tức đúng 1 ngày sau sinh nhật lần thứ 18 tuổi của Manneh, họ mới có thể chính thức ký hợp đồng với chàng trai tị nạn người Gambia theo luật của FIFA.
Bremen đưa Manneh vào đội hình 2 tham dự giải hạng Ba của nước Đức. Và ngay trong ngày khai màn Liga 3 mùa giải 2015/16 hôm 25/7 vừa qua, Manneh đã nổ súng, giúp đội bóng trẻ Bremen giành chiến thắng 2-1 trên sân của Hansa Rostock. Ba ngày sau, HLV Viktor Skripnik quyết định cho “thằng nhóc tị nạn” thử sức ở đội hình Một của Bremen trong trận giao hữu với SV Wilhelmshaven. Kết quả là, chỉ trong khoảng 15 phút, Manneh đã khiến HLV Skripnik choáng váng với… 4 bàn thắng.
Alexander Nouri, HLV đội trẻ Bremen hồ hởi thổ lộ với Die Welt: “Ousman Manneh là một tài năng đầy triển vọng. Công việc của chúng tôi bây giờ là tiếp tục gọt giũa viên ngọc thô quý giá ấy”.
Vượt qua “nghĩa địa” trên biển Địa Trung Hải, tương lai đang vẫy gọi Manneh. Còn với nước Đức, quốc gia dũng cảm, đầy nhân đạo trong cuộc khủng hoảng nhập cư lớn chưa từng có sau thế chiến II thì ít nhất, người Đức cũng đã tìm được một “viên ngọc thô” trong dòng người khốn khổ vẫn đang ngày đêm bất chấp hiểm nguy, nối đuôi nhau tới với quốc gia của họ…
Không thiếu danh thủ sinh ra từ trại tị nạn Kei Kamara, khi còn là cậu học sinh tại Sierra Leone, quê hương anh lâm vào cuộc nội chiến đẫm máu. Kamara phải trốn sang Gambia trước khi được đưa tới Mỹ. Tại đây, tiền đạo sinh năm 1994 tiếp tục học bóng đá và hiện anh đang là cây săn bàn hàng đầu của Columbus Crew ở giải MLS. Cựu tiền vệ Bolton, Fabrice Muamba (ảnh) cũng là dân chạy tị nạn vì chiến tranh. Muamba sinh năm 1988 tại Kinshasa, CHDC Congo. Năm 1994, Muamba theo cha rời khỏi quê hương vì nội chiến, tới Anh theo quy chế tị nạn. Sau đó Muamba được nhận vào trung tâm đào tạo của Arsenal. Tháng 3/2012, Muamba buộc phải giải nghệ, sau khi đột quỵ suýt bỏ mạng trên sân cỏ. Trước Muamba, hai cựu danh thủ Mario Stanic (Chelsea) và Christopher Wreh (Arsenal) cũng từng phải hòa vào dòng người nhập cư vì chiến tranh loạn lạc. |