Bóng Đá Plus trên MXH

Ngày 8/3, nói chuyện giấc mơ World Cup của các cô gái vàng
09:48 ngày 08/03/2014
/ x1.5 x1.2 Chọn tốc độ đọc
Như đã thành lệ, hễ cứ đến mùng 8/3 là cánh đàn ông lại “xuất xưởng” vô số bài thơ trào phúng để kể cái sự khổ khi phải quà cáp, nịnh đầm chị em. Chỉ là trào phúng thôi. Chứ ai chẳng biết, phận má hồng quanh năm chịu thiệt thòi so với cánh mày râu. Ở vùng miền nào, lĩnh vực nào cũng thế, mà trong bóng đá thì càng đáng kể.
    Thế nên, chẳng hề quá lời khi nói rằng, tháng 3 này là thời điểm để dành sự quan tâm cho các nữ cầu thủ Việt Nam, để nói về giấc mơ của “những cô gái vàng”...

    Tới rồi mồng tám tháng ba
    Chị em hớn hở chờ hoa với quà
    Anh em méo mặt về nhà
    Đón con đi chợ cùng là nấu cơm… 

    TỪ GIẤC MƠ THU NHẬP…
    Nói đến nữ cầu thủ, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chuyện thu nhập. Quả thực, so với các đồng nghiệp nam, những gì chị em nhận được luôn thấp hơn rất nhiều. Chẳng riêng gì ở Việt Nam mà ở thế giới cũng vậy. 

    Những thu nhập trong mơ kiểu như cả trăm nghìn USD/tuần là chuyện chỉ có trong làng cầu thủ nam, chứ cỡ “Cầu thủ nữ xuất sắc nhất thế giới” như Marta hay Wambach cũng chẳng bao giờ dám mơ đến thù lao “khủng” ấy. 

    Ở Việt Nam, các cô gái đá bóng cũng đã chịu nhiều thiệt thòi so với các đồng nghiệp mày râu, dù thành tích của họ tốt hơn hẳn, với liên tiếp những lần vô địch SEA Games và ĐNÁ. 

    Tuy nhiên, những tín hiệu vui cũng đang đến. Bằng chứng là sự quan tâm, đầu tư, động viên cả về tinh thần và vật chất dành cho nữ cầu thủ giờ đây đã được cải thiện rất nhiều. Chẳng hạn, sau khi kết thúc SEA Games 27, thầy trò HLV Trần Vân Phát nhận được gần 4 tỷ đồng tiền thưởng bao gồm 3 tỷ từ VFF, 500 triệu theo tiêu chuẩn giành HCB và 300 triệu từ nhà tài trợ ngân hàng BIDV. 

    Khoản tiền ấy có thể chưa thấm tháp gì so với các đồng nghiệp nam, song đối với ĐT nữ đó là những con số lịch sử. Cũng nên nhắc lại rằng khoản thưởng kỷ lục gần 4 tỷ đồng không hề xuất phát từ thành tích của thầy trò HLV Trần Vân Phát (họ chỉ giành HCB) mà chủ yếu đến từ sự xúc động và sức lan tỏa sâu sắc mà chị em đã mang tới cho khán giả sau những màn thể hiện trên sân cỏ.

    Rõ ràng, đó là những đổi thay rất tích cực. Và không chỉ ở chuyện SEA Games. Tới đây, các cô gái của chúng ta có thể sẽ tiếp tục được sắp ở “mâm trên” xét theo khía cạnh tiền thưởng cùng chế độ đãi ngộ nếu lần đầu mang đến cho bóng đá Việt Nam chiếc vé dự một kỳ World Cup. 

    Các cầu thủ nữ thi đấu rất quyết liệt dù chưa được quan tâm như bóng đá nam

    … ĐẾN GIẤC MƠ WORLD CUP
    Tại sao lại là World Cup bóng đá nữ? Bởi đấy là một giấc mơ chưa bao giờ ở gần chúng ta như lúc này. Vào tháng 5 tới, Việt Nam sẽ đăng cai VCK Asian Cup 2014 và giải đấu tại TP.HCM ấy chính là cánh cửa lớn dẫn thầy trò HLV Trần Vân Phát tới ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh trên đất Canada vào năm 2015. 

    Cần biết rằng, do CHDCND Triều Tiên bị cấm thi đấu vì án phạt liên quan đến doping nên ngoài những ƯCV hàng đầu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia gần như chắc chắn sẽ giành 4 tấm vé tham dự World Cup 2015, thì ĐT nữ Việt Nam sẽ chỉ phải cạnh tranh với những đối thủ ngang tầm là Jordan, Thái Lan và Myanmar để giành tấm vé thứ 5 còn lại. 

    Vượt qua những đội bóng kể trên là giấc mơ không quá viển vông. Và giấc mơ ấy của đội tuyển nữ cũng đang được chăm bẵm chu đáo. Tổng cục TDTT và VFF mới đây đã thông qua khoản ngân sách khoảng 12 tỷ đồng để phục vụ cho kế hoạch tập huấn tại Trung Quốc và Hàn Quốc của ĐT nữ Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu giành thứ hạng cao tại VCK Asian Cup 2014.

    Chế độ của các tuyển thủ khi tập trung ĐTQG cũng sẽ được VFF tăng thêm 3 triệu đồng, lên mức 8 triệu đồng/người/tháng (tính cả chế độ của Tổng cục TDTT).  Và không chỉ ở tầm vĩ mô, ngay cả những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt là chất lượng bữa ăn của các cô gái đá bóng cũng sẽ được nâng lên ngang bằng với tiêu chuẩn của các đồng nghiệp nam. 

    Những tin tức ấy, có thể coi là một bó hoa tươi thắm sớm gửi đến những cô gái vàng của bóng đá nước nhà, trước cả thời điểm họ nhận được những đóa hồng từ người thương trong ngày vinh danh chị em phụ nữ.

     CHDCND Triều Tiên bị cấm thi đấu vì án phạt liên quan đến doping

    VÀ ĐIỀU ƯỚC GIẢN DỊ NHẮN GỬI NHM
    Nhưng trong khi bay bổng với giấc mơ của một chiếc máy bay mang theo cờ Tổ quốc sẽ hạ cánh xuống Canada năm tới, vẫn phải nhắc lại rằng, thầy trò HLV Trần Vân Phát vừa thất bại trong việc bảo vệ ngôi hậu tại SEA Games bằng kết quả 1-2 trước chính Thái Lan trong trận chung kết. 
    Ngay cả khi cho rằng kết quả ấy không phản ánh đúng thế trận và có phần bất công với ĐT nữ Việt Nam thì cũng khó có thể phủ nhận một xu hướng đáng lo mà các nhà chuyên môn đã chỉ ra là chúng ta đã và đang có dấu hiệu chững lại. 

    Tuy đã nhìn ra những hạn chế, những bất cập, chúng ta vẫn khó tìm ra giải pháp khắc phục. Giải Vô địch bóng đá nữ Quốc gia - Thái Sơn Bắc 2014 đang diễn ra tại TP.HCM những ngày này là một sự mô tả rõ nét những lý do khiến chúng ta không dễ gì khắc phục những hạn chế của đội tuyển nữ. 

    Trong khi ai cũng hô hào phải quan tâm nhiều hơn đến bóng đá nữ và Hội CĐV Việt Nam có thể sẵn sàng hào phóng may một lá cờ lớn phủ kín cả góc khán đài để ủng hộ các cầu thủ U19 Việt Nam thì những ngày này, nếu có dịp ghé sân Thống Nhất người ta chỉ đếm được vài chục khán giả đến theo dõi bóng đá nữ.

    Song, đa phần trong số đó là người nhà của cầu thủ, hoặc cũng có trường hợp là công nhân của Cty may Phong Phú tới cổ vũ cho đội Phong Phú Hà Nam. Để thăng hoa, để có những cuộc so kè nảy lửa trên đường đua vô địch, các đội bóng rất cần được tiếp sức từ bầu không khí cuồng nhiệt trên các khán đài. Tiếc thay, chính chúng ta - những người đàn ông xem bóng đá - lại chẳng giúp họ có được điều ấy.

    HLV Trần Vân Phát theo dõi các trận đấu của giải 
    bóng đá nữ QG trên SVĐ Thống Nhất khá ít khán giả

    Cũng có một lập luận được đưa ra là VCK Asian Cup 2014 chừng một tháng nữa sẽ diễn ra tại TP.HCM nên giải VĐQG được tổ chức tại địa phương này nhằm giúp các tuyển thủ tới đây sẽ thích nghi tốt hơn. Vì thế nên khán giả khó có thể đến sân đông như khi giải VĐQG diễn ra tại Hà Nam năm ngoái.

    Song cũng nên kể lại câu chuyện diễn ra tại SEA Games 27, khi không có nhiều CĐV Việt Nam ngồi trên khán đài cổ vũ trong trận bán kết với Malaysia. 

    Sự thờ ơ dành cho bóng đá nữ vẫn là thực tế chưa thay đổi, và tất nhiên nó không chỉ nằm ở một chiến dịch, một giải đấu, cũng không chỉ bó gọn trong bài toán của các nhà tổ chức. Đấy là câu chuyện của cả xã hội, của thực tế được trả về sau những vần thơ và những bó hoa ngày 8/3. 
    Nếu những người vợ, người thiếu nữ ngoài đời mong mỏi được người đàn ông của mình chăm sóc tinh thần hàng ngày (hay chí ít cũng là hàng tuần), cần được động viên từ những việc nhỏ nhất, thì các nữ cầu thủ cũng vậy. Họ cần lắm những khán đài đông hơn, cần lắm những tiếng vỗ tay rền vang sau mỗi bàn thắng ghi được ở sân chơi quốc nội. 

    Để có được một giải VĐQG nữ giàu sức cạnh tranh, để HLV Trần Vân Phát không phải vò đầu bứt tai khi tìm kiếm lực lượng bổ sung cho ĐTQG nữ, thì chính chúng ta - những người đàn ông - cũng phải hành động. 

    Hãy đến với những sân cỏ của giải VĐQG nữ để động viên các cô gái đá bóng! Điều giản dị ấy, đôi khi có giá trị bằng ngàn bó hoa, ngàn lời chúc trong ngày vinh danh phụ nữ.
    PHONG VŨ • 09:48 ngày 08/03/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay