Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Hoàng tử bé Paul Scholes bay lên từ tinh cầu Hy Vọng
- Bongdaplusvn.com

SINH NHẬT LẦN THỨ 44 CỦA PAUL SCHOLES

Có những con người nhỏ bé đi qua sân cỏ thế giới nhưng để lại những dấu giày vĩ đại, hằn sâu vào tâm trí người hâm mộ. Paul Scholes, chàng Hoàng tử bé của Manchester United là một con người như thế.

30 bàn thắng tuyệt vời của Paul Scholes

Ngày 16 tháng 11 năm 1974, thành phố Manchester nằm co ro, xám xịt dưới một cơn bão tuyết đến sớm hơn thường lệ. Trong căn phòng nhỏ nằm cuối hành lang của bệnh viện Hope ở vùng Pendleton, sản phụ Marina Scholes nhăn nhó trong cơn đau chuyển dạ, tay nắm chặt tay ông chồng Stewart.

Họ đang hồi hộp đón chờ đứa con đầu lòng: Một cậu bé mang niềm hy vọng và niềm vui cho gia đình mình. Không lâu sau đó, tiếng khóc oe oe vang lên, làm sáng bừng căn phòng u ám. Đó là thời khắc một biểu tượng của Manchester United chào đời: Paul Scholes – chàng tiền vệ tí hon nhưng đã khiến một đội bóng trở nên vĩ đại.

Nhưng tất cả những điều vĩ đại của Paul Scholes là chuyện của sau này. Còn khi chào đời, cậu không được đón nhận sự sủng ái của số phận. Cái lạnh nghiệt ngã của mùa Đông năm đó đã khiến cậu mắc chứng hen suyễn, nguyên nhân khiến cơ thể của Scholes không thể phát triển bình thường.

Cho đến khi trưởng thành, chiều cao của Scholes chỉ là 1m68, quá thấp so với tiêu chuẩn nhân chủng học châu Âu và đối với một tiền vệ bóng đá. Nhưng đó chưa phải đã hết, Định Mệnh còn ban tặng cho Scholes món quà nghiệt ngã khác: căn bệnh viêm lồi củ trước xương chày, một dạng tổn thương xương khớp ở tuổi nhi đồng.

Nhằm mục đích chữa bệnh và nâng cao thể lực cho con, ông bố Stewart đã hướng cậu cả của mình tới bóng đá. 5 tuổi, Paul Scholes đã được đăng ký theo học bóng đá tại một trường tiểu học trong vùng. Cứ như thế, trái bóng dính theo số phận của Paul Scholes đến tận bây giờ.

Trái ngược với thể chất yếu ớt, điều hiếm thấy với một con người chứa trong huyết quản mình dòng máu hung tợn của người Ireland, Paul Scholes sở hữu một cá tính khá đặc biệt. Đó là pha trộn của sự lì lợm, ương bướng, cứng rắn nhưng lại khá khép kín. Đến nỗi đã có lúc người ta tưởng Paul Scholes bị tự kỷ.

Song chính nhờ cá tính này mà Paul Scholes trụ lại được với bóng đá, vượt lên mọi rào cản từ thể lực, hệ hô hấp, xương khớp đến môi trường bóng đá máu lửa của khu vực trung tuyến, biến anh từ đứa bé ốm o, khật khừ thành cầu thủ khoác áo Man United bền bỉ nhất, suốt từ năm 1988 đến 2013.

Những lời cầu nguyện của vợ chồng Stewart trong căn phòng nhỏ ở bệnh viện mang tên Hy Vọng đã trở thành sự thực. Cậu bé con Paul Scholes nặng 3,5kg khi chào đời đó đã trở thành cây trường sinh của một thế hệ vĩ đại chiến đấu cho đội bóng vĩ đại: thế hệ 1992 của Man United.

Đấy cũng chính là nguồn Hy Vọng của đội bóng mỗi khi cần anh tạo sự đột biến, đem về những chiến thắng khải hoàn. Nguồn Hy Vọng đó đã thắp sáng tinh thần Quỷ Đỏ suốt cuộc đời mình. Và ngày hôm nay, khi ngồi trước ánh nến sinh nhật, đôi mắt của Paul Scholes lại hồi quang phản chiếu về sự nghiệp Sinh Ra Để Làm Quỷ Đỏ của mình.

Sự phát triển và giao thoa của Ngoại hạng Anh trong vài năm trở lại đây đã tạo điều kiện cho những cầu thủ thấp bé nhẹ cân tung hoành trên xứ sở Sương mù. Đơn cử là trường hợp bộ đôi "quỷ lùn" Silva (David và Benardo) của Manchester City, những tiền vệ đang gieo rắc nỗi kinh hoàng cho mọi đối thủ.

Tuy nhiên, 20 năm trước câu chuyện hoàn toàn khác. Ngược dòng thời gian trở về những năm 1990, thời bấy giờ bóng đá Anh mới tiến hành đổi mới và hội nhập, thế nên vẫn mang nặng tư tưởng kick and rush (chạy và sút) vốn đã ăn sâu trong tư tưởng suốt hàng thập niên và trở thành biểu tượng quê hương bóng đá.

Bởi vậy, các CLB Anh rất đề cao những tiền vệ trung tâm to cao lực lưỡng. Do đó, Ngoại hạng Anh đầy ắp những cầu thủ vai u thịt bắp ở trung tuyến. Arsenal có Patrick Vieira, Ray Parlour; Liverpool có Paul Ince, Jamie Redknapp; Newcastle có David Batty; Chelsea có Gustavo Poyet... Duy chỉ có Scholes là trường hợp dị biệt, với chiều cao 1m68.

Bé con như thế nhưng tầm ảnh hưởng của Scholes lại cực lớn, thậm chí có thể ví von cả trung tuyến có thể thu bé lại vừa bằng tiền vệ sinh năm 1974 này. Dễ hiểu hơn, Scholes có thể thi đấu ở bất kỳ vị trí nào ở trục dọc trung tuyến nhờ khả năng công thủ toàn diện. Scholes toàn diện đến nỗi, ngay từ những bước chập chững đầu tiên của sự nghiệp, anh thành công trong vai trò phương án chữa cháy cho cả Eric Cantona ở vị trí hộ công đến Roy Keane ở vị trí tiền vệ phòng ngự.

Đến khi khẳng định được tài năng và định danh ở vị trí tiền vệ tổ chức, anh nhận được sự thán phục từ cả Zinedine Zidane lẫn Xavi Hernandez, hai tiền vệ tổ chức tiêu biểu bậc nhất trong vòng 20 năm qua.

Xavi nghiêng mình: "Trong khoảng 20 năm trở lại đây, tiền vệ trung tâm xuất sắc và hoàn hảo nhất mà tôi từng thấy là Scholes. Anh ấy vừa có thể thực hiện những đường kiến tạo vừa ghi bàn. Anh ấy thật mạnh mẽ và không bao giờ để mất bóng". Zidane ngán ngẩm: "Đối thủ khó chịu nhất tôi từng chạm trán là Scholes".

Còn đây lại là lời tiết lộ của một hậu bối: "Tại La Masia, Scholes được xem là tấm gương noi theo. Anh ấy như một cuốn sách giáo khoa". Kẻ hậu bối ấy là Messi. Và lời bình phẩm của siêu sao người Argentina đã lột tả hết những phẩm chất quý giá nhất của Scholes.

Đó là nhãn quan chiến thuật nhạy bén, luôn hợp lý trong việc ra quyết định và kỹ năng chuyền bóng tuyệt hảo, bất kể cận trung hay xa. Nhờ những phẩm chất ấy, Scholes đã thực hiện 77 đường kiến tạo trong suốt sự nghiệp tại Ngoại hạng Anh.

Ngoài ra, một điểm nổi bật không thể không đề cập đến ở Scholes là những cú sút xa như thể được nhồi thuốc nổ Semtex. Nhờ khả năng sút xa cực tốt như vậy, chàng Paul bé nhỏ đã ghi rất nhiều bàn thắng đẹp trong suốt sự nghiệp. Bài tấn công trả bóng lại tuyến hai cho Scholes băng lên dứt điểm cũng trở thành đòn tủ của M.U. Ai đã từng xem qua bàn thắng mà Beckham đá phạt góc và Scholes tung chân vô lê ở rìa vòng cấm hẳn không bao giờ quên.

Và nếu cần số liệu thống kê, hãy nhớ Scholes đã ghi tổng cộng 155 bàn cho Quỷ đỏ, trong đó có 107 bàn thắng tại Premier League. Mùa đỉnh cao, anh ghi 14 bàn sau 33 lần ra sân tại đấu trường này và 20 bàn trên mọi mặt trận. Lưu ý, Scholes là tiền vệ!

Tổ chức trận đấu và tấn công ấn tượng là vậy nhưng đừng vội xem thường khả năng phòng ngự của Scholes. Tuy nhỏ con nhưng Paul Scholes lại thuộc hàng "thứ dữ" ở khu trung tuyến nhờ sự lì lợm, mạnh mẽ, bền bĩ và quyết liệt. Wenger từng nhận định: "Scholes không phải là một cầu thủ chơi đẹp".Đó là câu nói của đối thủ truyền kiếp hay một chiến lược gia kỳ cựu tùy quan điểm.

Tuy nhiên, có một thực tế khó phủ nhận, những quả tắc bóng của Scholes luôn tạo cảm giác tóe lửa. Theo Opta, suốt sự nghiệp, Scholes đã thực hiện 369 cú tắc bóng tại Premier League với tỷ lệ thành công ấn tượng 70%. Một thống kê khác lại lột tả tính chiến đấu của chàng trai nhỏ bé này là anh đã nhận 141 chiếc thẻ vàng và 9 chiếc thẻ đỏ.

Hành trình đi vào ngôi đền dành cho các huyền thoại M.U của Scholes trải đầy chông gai. Như tất cả đều biết, Scholes thuộc Thế hệ 92 huyền thoại của Quỷ đỏ, cùng với David Beckham, Nicky Butt hay anh em nhà Neville.

Tuy nhiên, so với đám chiến hữu, Scholes bị đánh giá thấp hơn rất nhiều. Gary Neville, người gắn bó với Scholes gần như cả tuổi thanh xuân mải mê cùng trái bóng, mới vừa chia sẻ về Scholes khi còn khoác áo đội trẻ M.U.

"Scholes quá nhỏ bé, quá yếu đuối. Cậu ấy không hề có sức mạnh. Bạn có thể hạ gục Scholes chóng vánh vì cậu ấy thấp bé nhẹ cân. Không những vậy, Scholes còn bị hen suyễn nên không thể chạy xa. Cậu ấy không nhanh và cậu ấy không bao giờ có thể đánh bại bạn. Hồi đó, Nicky Butt mới là con quái vật".

Vì yếu đuối như thế, Scholes không hề có tên trong đội trẻ M.U vô địch FA Youth Cup 1992, tiếng vang đầu tiên và định hình Thế hệ 92. Vậy nhưng, dù xuất phát sau song Scholes lại về trước. Cho đến khi kết thúc sự nghiệp, so với các đồng đội cùng trang lứa, Scholes chính là người thành công nhất trên sân cỏ, có một sự nghiệp trọn vẹn nhất và trở thành biểu tượng của cả M.U suốt kỷ nguyên Alex Ferguson chứ đừng nói Thế hệ 92.

Trong thế hệ ấy, chỉ có thêm Gary Neville và Ryan Giggs cùng với Quỷ đỏ đi trọn con đường sự nghiệp. Tuy nhiên, ở vai trò hậu vệ biên, ông anh nhà Neville không thể tạo ra ảnh hưởng lớn như M.U. Ryan Giggs tuy thành công trên sân cỏ nhưng lại vướng vào những thị phi. Thứ mà cầu thủ người Xứ Wales thiếu chính là sự sâu lắng của Paul Scholes.

Nicky Butt, "con quái vật" mà Gary Neville miêu tả và thi đấu cùng vị trí với Scholes rời Old Trafford năm 2004, ở độ tuổi sung mãn nhất của sự nghiệp. Phill Neville cũng rơi vào bi kịch tương tự.

Trong khi đó, trước Butt một năm là cuộc chia ly của David Beckham, chàng hoàng tử của Thế hệ 92. So với Butt, Beckham phát triển đúng kỳ vọng hơn và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp. Tuy vậy, sau khi rời Old Trafford, Becks phát triển theo hướng minh tinh sân cỏ hơn là một cầu thủ bóng đá.

Kỹ năng chuyền của Paul Scholes

Thường thì những kẻ càng ít nói lại càng đáng sợ. Tình yêu của một kẻ lầm lỳ lại càng si mê gấp nhiều lần. Scholes yêu Man United, không trên chót lưỡi đầu môi, không phô trương hào nhoáng, chỉ mãi trung thành, bền bỉ, sắt son trong yên bình.

Như một lẽ tự nhiên chẳng cần thêm xác nhận, Scholes sinh ra đã là người của M.U rồi, như câu khẩu hiệu in hằn trên cánh tay, lồng ngực của biết bao nhiêu người yêu mến Man United: Born To Be Red Devil – Sinh Ra Để Làm Quỷ Đỏ.

Những HLV ĐT Anh sau cột mốc 2004 đều vô cùng tiếc nuối khi Scholes nói lời chia tay lạnh lùng. Chỉ một lời nói nói ra, nghìn vạn tuấn mã cũng không giữ được.

Ở tuổi 30 và đẳng cấp của một thiên tài, Scholes hoàn toàn có thể cống hiến thêm nhiều năm nữa cho Tam sư. Nhưng như Roy Keane nhận xét, một người dị ứng những chuyện showbiz nhảm nhí, thói tự đánh bóng tên tuổi, ảo tưởng sức mạnh lố lăng như Scholes không hợp với ĐT Anh.

Scholes chán ngán đề tài tranh cãi muôn thuở: Dùng Steven Gerrard hay dùng Frank Lampard, hay dùng cả hai. Anh phải bịt mắt mỗi khi thấy dàn WAGs ưỡn ẹo sau mỗi chiến dịch thất bại được dự báo trước của đội nhà. "Bóng đá là trò chơi đơn giản bị làm phức tạp bởi những thằng ngu", Scholes đã chịu đựng đủ và anh dừng lại.

Nhưng trong trái tim, anh đặt lợi ích của Man United cao hơn tất thảy. Đến lúc cảm thấy đôi chân bắt đầu nặng, cái đầu của Scholes tự động hướng về màu đỏ trong sâu thẳm tâm hồn. Scholes tiếp tục có thêm một lời chia tay vào năm 2011, nhưng với Man United, mọi thứ khác hẳn.

Một câu hỏi thú vị: Có bao nhiêu cựu cầu thủ Man United có thể bước vào văn phòng của Sir Alex 6 tháng sau khi nói rằng mình quá mệt mỏi, rồi bước ra với hợp đồng mới trên tay? Ngược lại hoàn toàn, là Sir Alex mở lời với Scholes, rằng đội bóng khủng hoảng nhân sự và họ cần anh. Nếu là vì Man United và Sir Alex, Scholes có thể làm tất cả, kể cả rút lại quyết định giải nghệ.

Khác xa với ngày nay, khi một sự ra mắt, đúng hơn là màn trở lại của một ngôi sao hay trụ cột luôn biến thành #hashtag thịnh hành nhất trên mạng xã hội, Scholes chủ động làm mọi thứ trong yên lặng.

Ngay đến những đồng đội cũng chẳng biết anh được thêm vào danh sách thi đấu lúc nào. Họ chỉ biết khi thấy Scholes đến sân tập, xách một đôi giày tạm bợ giá 50 bảng vừa mua ở cửa hàng tiện lợi gần đó, tham gia tập luyện một buổi rồi ngay lập tức bước vào trận đấu với Man City ở vòng 3 FA Cup.

Trợ lý David Platt của Man City tiến lại chỗ Scholes: "Anh làm cái quái gì ở đây vậy?". "Thú thực, tôi cũng chẳng biết", Scholes nghĩ thầm trong đầu. Khi đó, đôi chân già nua của chàng tí hon Paul Scholes đã không còn có thể điều khiển chính xác, và tinh thần chiến đấu cũng mệt nhoài sau 20 năm đằng đẵng.

Scholes vừa có 6 tháng thảnh thơi nhất trong sự nghiệp của mình. Anh được ở bên gia đình nhỏ mỗi cuối tuần, trở lại Salford gặp những người bạn cũ, lên kế hoạch cho một chuyến du lịch dài ngày và quan trọng nhất, không còn là người của công chúng. Nhưng vì Man United, mọi thứ khác đều xếp sau.

Sau chức vô địch Premier League thứ 20 của Quỷ đỏ, Scholes nép mình trong những lời phát biểu chia tay của Sir Alex. Anh muốn hào quang của người thày vĩ đại che chở, để mình có lần thứ 2 nói lời giã từ trong yên bình.

Khía cạnh đáng ghét nhất của đời cầu thủ với Scholes là trở thành người nổi tiếng. Anh không muốn có hàng tá micro chĩa vào mình, trở thành tâm điểm trên máy quay hay luôn phải nhăn mặt khi bất chợt có ánh đèn flash nháy ngang mặt.

Nhưng một lần nữa, vì Man United, Scholes sẵn sàng phá bỏ nguyên tắc của bản thân. Xuất hiện trước máy quay, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi móc máy, làm quen với việc bị ghét bỏ, Scholes chỉ muốn được nói thật lòng mình. Bạn hiếm khi thấy một cựu cầu thủ nào ném đá đội bóng cũ nhiều như Scholes.

Kể từ lúc Louis van Gaal lên nắm quyền, bất chấp việc cậu bạn thân Ryan Giggs ngồi ghế trợ lý, Scholes không ngừng chỉ trích thứ bóng đá nhàm chán được đóng mác thương hiệu danh tiếng Hà Lan, trước khi hàng triệu fan Quỷ đỏ nhận ra đó không phải thứ dành cho mình.

Đến bây giờ, "kẻ thù" lớn nhất của Jose Mourinho có khi không phải là Pep Guardiola mà chính là Scholes. Những lời nói của Scholes thực sự khó nghe, đặc biệt với chủ thể được nhắc tới.

Dù Mourinho có lạc hậu thế nào, Paul Pogba vô dụng ra sao, Victor Lindelof non nớt như nào... họ vẫn đang đại diện cho Man United. Không đội bóng nào muốn những cầu thủ cũ quay lại công kích và chỉ đích danh mình trên mặt báo. Nhưng Scholes sẽ làm, vì đây là cách duy nhất anh giúp được Man United vào lúc này.

Thật vậy, giống như cách anh tắc bóng trên sân, có thể đúng nhịp, có thể phạm lỗi nhưng chắc chắn là dứt khoát. Scholes không thể nói ngọt nhạt như Gary Neville, không thể an phận ở đội trẻ như Nicky Butt, càng không thể đi xa tới tận Xứ Wales như Ryan Giggs.

Anh chọn cách ở lại, đứng lên, sẵn sàng trở thành mẫu người mình ghét cay ghét đắng trong quá khứ, chỉ để thành một lực lượng phản biện xã hội, phản biện Man United.

Một người đã cống hiến cả tuổi trẻ sôi nổi của mình cho một đội bóng, một tình yêu lớn, và vẫn tiếp tục sống chết vì đội bóng đó, người đó có quyền được nói những gì anh ấy muốn.

Nhất là khi, người đó lại là Paul Scholes, một chàng trai nhỏ bé nhưng đóng góp cho Man United nhiều hơn bất cứ người anh em nào trong thế hệ 1992 vĩ đại, người vừa thổi 44 ngọn nến trên chiếc bánh kem của cuộc đời mình. Xin chúc mừng sinh nhật thứ 44 của chàng Paul Scholes!

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: NGỌC TRUNG – XUÂN LỘC – HẢI AN
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplusvn.com

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay