ĐI TÌM CỘT MỐC AN TOÀN
Ở bất kỳ giải đấu nào trên thế giới, các CLB luôn xác định cho mình một cột mốc về điểm số để căn cứ vào đó có một lộ trình phù hợp nhằm hoàn thành mục tiêu đặt ra trước mỗi mùa giải. Lấy ví dụ như ở Premier League hay La Liga – giải đấu có 38 vòng đấu/mùa thì những CLB đặt mục tiêu trụ hạng luôn hướng đến việc cần giành được 40 điểm, số điểm trung bình trên lý thuyết đủ để họ có thể tiếp tục góp mặt ở đấu trường này năm sau.
Vậy với V.League, cần bao nhiêu điểm để có thể trụ hạng sau khi giải đấu này hạ màn? Đó chắc chắn là câu hỏi mà 3 đội bóng đang thuộc diện nguy hiểm là XSKT Cần Thơ, Đồng Nai và HA.GL quan tâm nhất, đặc biệt trong bối cảnh họ đang ganh đua nhau từng điểm một trong cuộc chiến tránh rớt hạng mùa này.
Lật giở lại lịch sử 14 năm đã qua, kể từ khi giải VĐQG của Việt Nam bắt đầu lấy tên gọi là V.League, không dễ để có thể xác định một cột mốc an toàn cho các đội bóng có mục tiêu trụ hạng, ngay cả trên phương diện lý thuyết. Bởi số lượng từ đội bóng tham dự, vòng đấu hay số CLB rớt hạng luôn có sự đổi thay từ mùa này qua mùa kia.
Nếu như ở V.League 2001, có 10 đội bóng tranh tài trong 18 vòng đấu thì sang đến V.League 2003, lại là 12 đội thi đấu xuyên suốt 22 vòng. Tới V.League 2008, 14 đội trải qua mùa giải với 26 vòng đấu, trong đó 2 đội bóng giành điểm số thấp nhất sẽ phải rớt hạng thì đến V.League mùa trước, số lượng rút xuống còn 11 đội với chỉ tiêu rớt hạng cũng chỉ còn 1 CLB.
Không đơn giản để tìm ra lời giải chính xác cho câu hỏi kể trên. Nhưng nếu căn cứ từ điểm số của đội bóng đứng áp chót qua các mùa giải, tức là xếp ngay trên đội xuống hạng thì cũng có thể đưa ra những số liệu mang tính chất tương đối. Lấy dẫn chứng như ở V.League 2001, Đồng Tháp – đội xếp ngay trên CLB rớt hạng là Khánh Hòa đã giành được 19 điểm. Hay ở mùa giải kế tiếp sau đó, Thừa Thiên Huế (21 điểm) trụ hạng thành công nhờ hơn đội chót bảng Công An Hải Phòng 2 điểm.
Còn tại V.League 2010, Navibank Sài Gòn cũng đã thoát khỏi tình cảnh như trên nhờ giành 20 điểm, hơn đội chót bảng Megastar Nam Định 8 điểm. Đấy là chưa kể một số đội bóng phải giành tới trên 30 điểm mới có thể trụ hạng V.League như trường hợp của Gạch men Mikado Nam Định (31 điểm ở mùa giải 2009), Khatoco Khánh Hòa (32 điểm ở mùa 2012)…
Căn cứ từ đó có thể nhận thấy rằng, để có thể trụ hạng thành công tại V.League, các CLB cần giành ít nhất là 19 – 20 điểm trở lên. Và đặt trong tình cảnh hiện tại, những HA.GL (13 điểm), Đồng Nai (14 điểm) hay XSKT Cần Thơ (16 điểm) cũng phải đạt được một cột mốc tương tự như trên thì mới có hy vọng tiếp tục được thi đấu ở V.League mùa tới.
CƠ HỘI NÀO CHO HA.GL?
Nhìn vào lịch thi đấu của 7 vòng còn lại tại V.League 2015, HA.GL không phải là đội bóng bất lợi nhất. Ngay cả khi đại bại trước Than.QN cách đây vài ngày, HLV Guillaume Graechen vẫn tự tin khi đề cập đến cuộc đua trụ hạng với các đối thủ khác ở khúc cua cuối cùng.
Đội bóng phố Núi được thi đấu tại Pleiku tới 4/7 trận còn lại. Ngoài ra, những đối thủ của HA.GL ở các vòng cuối phần nào đều đã hết động lực sau khi hoàn thành mục tiêu trụ hạng như Đồng Tháp, Sanna Khánh Hòa hay ĐT.LA. Cần nhấn mạnh rằng xét về phong độ khi chơi trên sân nhà, Công Phượng và đồng đội xếp trên những XSKT Cần Thơ và Đồng Nai (thắng 3, hòa 4 và chỉ thua 2 trận).
Ngược lại, Đồng Nai dù đang xếp trên HA.GL trên BXH nhưng lại là đội bóng chịu nhiều khổ ải nhất trong phần còn lại của giải đấu. Trong 3 vòng đấu tới đây, thầy trò HLV Trần Bình Sự phải đối đầu với Top 3 đội bóng đang ganh đua gay gắt trong cuộc đua đến ngôi vô địch là Hải Phòng, FLC Thanh Hóa và B.Bình Dương. Kế tiếp sau đó, Đồng Nai lại tiếp tục bước vào trận “chung kết ngược” quyết định rất lớn đến cuộc đua trụ hạng mùa này với HA.GL.
Lịch thi đấu rõ ràng ủng hộ HA.GL nhiều hơn so với đối thủ của họ. Nhưng điều quan trọng là họ có thể tận dụng lợi thế đó để chạm đến cột mốc 19-20 điểm an toàn kể trên hay không? Với thực trạng về tinh thần và lối chơi như hiện tại, HA.GL kiếm 1 điểm mỗi trận còn khó chứ đừng nói có thể giành một lèo 7 điểm để có thể trụ hạng.
Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh thừa nhận nguy cơ rớt hạng với đội bóng phố Núi là quá rõ ràng, ông thầy Graechen thừa nhận sự tự tin của các cầu thủ trẻ đã không còn, những Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường chậm chạp, lúng túng đến sợ sệt trong từng pha xử lý bóng… Rõ ràng khi mà ngoại cảnh đang theo chiều hướng có lợi thì cùng lúc đó yếu tố nội tại lại đang chống lại những chàng trai tuổi đôi mươi của mảnh đất Pleiku.
7 vòng đấu cuối sẽ là 7 trận chung kết nghẹt thở với HA.GL. Song nếu không kịp “chữa cháy” về lối chơi, “bơm doping” tinh thần cho cầu thủ trẻ và đặc biệt là chiến thắng chính bản thân mình thì cơ hội giành thêm ít nhất 7 điểm – cột mốc tối thiểu để trụ hạng, có lẽ là rất khó!
Điểm số của những đội bóng rớt hạng kể từ V.League 2001 2001: Khánh Hòa – 7 điểm 2002: Công AN Hải Phòng – 19 điểm 2003: LG ACB – 11 điểm 2004: Ngân hàng Đông Á – 18 điểm 2005: Đồng Tháp – 15 điểm 2006: Tiền Giang – 23 điểm 2007: Huda Huế, Đồng Tháp – 20 điểm 2008: Hòa Pháp Hà Nội – 21 điểm, Hà Nội ACB – 26 điểm 2009: Thanh Hóa – 19 điểm, Thành phố Hồ Chí Minh - 29 điểm 2010: Megastar Nam Định – 12 điểm 2011: Hà Nội ACB – 26 điểm, ĐT.LA – 30 điểm 2012: Vicem Hải Phòng - 14 điểm Tập đoàn Cao su Đồng Tháp – 30 điểm 2013: K.Kiên Giang – 14 điểm 2014: Hùng Vương An Giang – 12 điểm Những số liệu về HA.GL 12 Mới chỉ đến vòng 19 V.League 2015, HA.GL đã để thua tới 12 trận. Đây là thành tích tệ nhất của đội bóng phố Núi trong 13 mùa giải góp mặt ở V.League. 14 HA.GL đang xếp vị trí thứ 14 trên BXH. Đây là thứ hạng thấp nhất mà đội bóng phố Núi trải qua trong 13 mùa giải ở V.League. 23 Hàng công của HA.GL chỉ ghi được 23 bàn (trong đó 7 bàn là sân khách) sau 19 vòng đấu, đạt tỷ lệ trung bình 1,21 bàn/trận. Hiệu số và số bàn thắng ghi được hiện đang thấp nhất lịch sử 13 mùa giải HA.GL thi đấu ở V.League. 41 HA.GL đã để thủng lưới 41 bàn sau 19 vòng đấu mùa này (trung bình 2,15 bàn/trận). Hàng thủ này hiện chỉ tốt hơn mùa 2009 (thủng 45 bàn), mùa 2011 (46 bàn) và mùa 2014 (48 bàn). |