Bóng Đá Plus trên MXH

Cuộc sống sau giải nghệ của cựu cầu thủ CA TP.HCM, Phan Bá Hùng
Đăng Khoa • 22:16 ngày 10/05/2014
Lần nào gặp nhau cũng vậy, câu chuyện ưa thích của Phan Bá Hùng vẫn là đào tạo bóng đá trẻ. Anh nói thao thao với nguồn năng lượng và tình yêu gần như vô tận dành cho công việc dạy dỗ các em nhỏ cùng ước mơ phục hưng bóng đá TP.HCM nói chung và bóng đá ngành công an nói riêng.
    MỘT THỜI HUY HOÀNG
    Phan Bá Hùng là gương mặt cứng cựa trong “thế hệ vàng” của đội Công an TP.HCM vào thập niên 1990 mà đỉnh cao là chức VĐQG 1995. Rất ít người biết Phan Bá Hùng là những hạt giống đỏ đầu tiên từ miền xa đến đầu quân cho đội bóng non trẻ CA TP.HCM. 

    “Tôi quê ở Hà Nội, được đào tạo ở Trẻ Thể Công đến năm 1983 thì chuyển sang khoác áo Quân khu Thủ đô. Đến năm 1989, khi các giải đấu đỉnh cao Việt Nam tiến hành tách hạng A1, A2 thì Quân khu Thủ đô được lệnh giải thể. Lúc đó, trong Nam có đội CA TP.HCM mới thành lập được vài năm lên hạng A1. Lãnh đạo CLB đã kêu về đầu quân, lúc đó tôi mới 21 tuổi và từ đấy gắn bó luôn với bóng đá Sài Gòn.

    Năm 1991, Lê Huỳnh Đức từ Quân khu 7 về. Năm 1993, Chu Văn Mùi ở Hải Phòng, Thiện Quang ngoài Bắc cũng vô, rồi cùng với đó là các cầu thủ trẻ Minh Chiến, Liêm Thanh, Chí Bảo, Văn Đông tốt nghiệp khóa đào tạo trẻ. CA TP.HCM ngày đó rất mạnh vì kết hợp kinh nghiệp với dàn cầu thủ trẻ rất tài năng. Đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của đời tôi khi thi đấu cùng những đồng đội như thế, tạo tên tuổi và gặt hái được nhiều thành công”.

    Phan Bá Hùng (18)

    Ngày đó, Phan Bá Hùng đeo số áo 18, trấn ở biên trái theo sơ đồ chiến thuật 3-5-2 (hoặc 5-3-2). Sau này, Nguyễn Phan Hoài Linh về thì anh được đẩy lên đá tiền vệ để hợp cùng Liêm Thanh, Sỹ Thành tạo thành bộ 3 ở trục giữa của CA TP.HCM
    Điều đáng tiếc trong sự nghiệp của Phan Bá Hùng là anh chưa có may mắn khoác áo ĐTQG dù gần như tất cả các đồng đội của anh đều đã ăn cơm Tuyển. Bởi vậy có chuyện buồn cười là nhiều trận cựu cầu thủ của CA TP.HCM thi đấu với nhau, nhiều người bị Bá Hùng mắng vì mắc lỗi hay nổi cáu vặt lại “Tôi lên Tuyển rồi đấy nhá” y hệt trẻ con vặt, dỗi nhau.

    Bóng đá Sài Gòn đã cho Phan Bá Hùng rất nhiều thứ: “Tôi cưới vợ năm 28 tuổi mà vợ là người Sài Gòn hẳn hôi, cũng vì cô ấy mê bóng đá, rồi có 2 cháu một trai một gái và lại được ngành cấp cho căn nhà. Nói chung tôi biết ơn mảnh đất nơi này vì đã cho tôi nhiều thứ nên tôi muốn làm gì đó để đền đáp”.

    ĐAU VỚI BÓNG ĐÁ TRẺ TP.HCM
    Đầu năm 2003, đội CA TP.HCM rã đám chuyển giao cho Ngân hàng Đông Á. Liêm Thanh, Huỳnh Đức, Châu Chí Cường, Hoàng Hùng, Ngọc Thọ và các cầu thủ trẻ về đầu quân cho đội bóng mới; Chu Văn Mùi, Bá Hùng, Sỹ Thành, Thiện Quang, Văn Đông, Thanh Tùng… ở lại ngành và giải nghệ. Trong số này chỉ có Bá Hùng, Sỹ Thành, Văn Đông là còn gắn bó với trung tâm TDTT CA TP.HCM tại Đầm Sen (Q.11), trong khi Chu Văn Mùi và Thiện Quang chuyển sang làm CSGT.

    Với tính tình tỉ mỉ và chu đáo, Phan Bá Hùng rất hợp với công tác đào tạo trẻ. “Năm 2001, tôi đã được lãnh đạo tín nhiệm gửi cho lứa Việt Thắng, Hoàng Vương, Đinh Cường, Ngọc Thanh… đi đá ở VCK U21 tại Đà Nẵng. Đó là cột mốc của tôi gắn bó với bóng đá trẻ”.


    Về lại ngành với hàm đại úy năm 2003, Phan Bá Hùng sau đó được VFF giao nhiệm vụ cùng các HLV khác tìm kiếm, sàng lọc các cầu thủ trẻ ở các địa phương để gửi tên Trung tâm HLQG II ở Thủ Đức thành lập 2 tuyển trẻ U18 và U15 phía Nam. “Lứa U.18 có Vũ Phong, Minh Chuyên, Tấn Trường, Quý Sửu… Còn lứa U.15 có Long Giang, Phúc Hiệp, Nhật Tân của Tiền Giang”.

    Đối với Phan Bá Hùng, bóng đá Việt Nam khi lên gắn liền với 2 chữ chuyên nghiệp đã lộ ra hổng lớn về công tác đào tạo trẻ và điều đó làm anh khắc khoải: “Tôi thấy cầu thủ hiện nay thiếu tình yêu mãnh liệt với nghề nghiệp nên dẫn đến thiếu rèn luyện, dễ sa ngã nhưng chung quy cũng tại cái gốc đào tạo mà ra. Bây giờ có nhiều ông chủ làm bóng đá, nhưng sự thật, rất ít người quan tâm, chú trọng đến việc đào tạo trẻ nên bóng đá Việt Nam luôn khủng hoảng cầu thủ giỏi trong nhiều năm qua là vì thế”.

    Yêu nghề, yêu bóng đá và yêu trẻ con nên cứ có điều kiện là Phan Bá Hùng lại lăn xả, không nề hà. Cứ có lớp đào tạo hay khóa dạy HLV nào là anh lại xin phép cơ quan rồi bỏ tiền túi ra đi học, từ bằng C,B,A của AFC cho đến các khóa thể lực, Futsal hay các lớp do FIFA phổ cập, Bá Hùng đều học. Học nhiều đến mức, Lê Huỳnh Đức khi gặp ở lớp cũng phải chọc: “Anh chỉ thiếu bằng lái máy bay là anh chưa học thôi”. 

    Năm 2008, khi đội Futsal Thái Sơn Nam của ông Trần Anh Tú cần người cố vấn chuyên môn và mời Phan Bá Hùng, anh cũng sẵn sàng làm hết mình để giúp đội có được những thành công nhất định. Vì biết Phan Bá Hùng tâm huyết , nhiều kiến thức với nghề dạy trẻ nên vừa rồi Bộ Công An có chủ trương gầy dựng lại bóng đá bằng việc đào tạo trẻ đã mời anh ra Hà Nội để xây dựng 2 lứa U.13 và U.17 tại Trung tâm TDTT Công an.

    “Các cầu thủ của ngành Công an như CA Hà Nội hay CA Hải Phòng ngày trước rất nhiều nhưng hầu hết đều chuyển qua làm CSGT chứ có mấy người gắn bó tiếp với bóng đá và nhất là chuyên sâu đào tạo trẻ đâu. Vậy mới biết làm bóng đá trẻ gian nan và cực lắm nhưng nếu mình yêu nghề, yêu trẻ con thì mình vượt qua được hết”, Phan Bá Hùng vẫn nuôi ước mơ một ngày không xa bóng đá ngành CA sẽ phục hưng khi tìm được mô hình thích hợp để phát triển mà sự bắt đầu không có gì khác là đào tạo trẻ.

    PHAN BÁ HÙNG NÓI VỀ…
    Làm bóng đá trẻ
    “Làm bóng đá trẻ khó lắm vì đứa trẻ con như một tờ giấy trắng và người thầy giống như một tấm gương. Cái sai của rất nhiều lò đào tạo trẻ hiện nay là cứ thấy các tuyển thủ vừa giải nghệ là tạo điều kiện cho đứng lớp dạy cả em nhỏ. Không phải vậy. Làm thầy của trẻ con thứ nhất phải có kiến thức cả về thể thao, sư phạm, tâm sinh lý và có kinh nghiệm, kiên trì chứ không vội được”

    Về cặp Huỳnh Đức - Minh Chiến
    “Đó là 2 đứa trời sinh ra để đá với nhau. Trong sự nghiệp tôi chưa thấy cặp tiền đạo nào lợi hại như thế. Đức có tốc độ, thể lực đá khoảng trống rất tốt; Chiến xử lý bóng điểm trong phạm vi hẹp rất hay, lại di chuyển thông minh. Cả hai đều có khả năng đánh đầu cừ khôi. Đá tiền vệ ở dưới chuyền bóng cho Đức - Chiến rất sướng vì cứ thảy bóng lên là chúng lại ăn bàn”.

    Về Học viện HAGL - Arsenal JMG
    “Tuyệt vời. Bầu Đức đang có một mô hình đào tạo đáng mơ ước. Tôi không hiểu nhiều người cứ lấy lý do nọ lý do kia để chê Học viện HAGL-Arsenal JMG chứ tôi thấy các em ở đấy có kỹ năng kiểm soát bóng quá hay. Đá bóng mà không kiểm soát bóng tốt thì đá gì nữa”.

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay