Bóng Đá Plus trên MXH

Chuyện sử dụng HLV ngoại ở đội tuyển: Duy trì sợi dây liên lạc giữa quá khứ và hiện tại
Nhật Thị • 14:07 ngày 13/11/2014
Ngót gần 2 thập kỷ, BĐVN đã sử dụng đến 8 đời HLV ngoại. Trong số ấy, có đến 7 người đến từ châu Âu và Nam Mỹ và bây giờ chúng ta đã có một HLV châu Á, đó là ông Toshiya Miura. Đấy có thể là một “bước ngoặt” trong tư tưởng sẽ dùng HLV đến từ đâu, như thế nào cho ĐTQG.
    20 NĂM & 8 HLV NƯỚC NGOÀI
    Người đầu tiên mở lối cho các thầy ngoại đến Việt Nam hành nghề, chính là HLV người Brazil - Edson Tavares vào năm 1995. Nhưng HLV “đặt gạch” cho những thành công sau này lại là HLV người Đức Karl-Heinz Weigang, khi nhà cầm quân này đưa ĐT Việt Nam giành chiếc HCB tại SEA Games 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan).

    Kể từ sau triều đại của Karl-Heinz Weigang, bóng đá Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của các thầy ngoại:  Colin Murphy (người Anh, 1997), Alfred Riedl (người Áo, 1998-2000, 2003, 2005-2007), Edson Silva (người Brazil, 2001), Henrique Calisto (người Bồ Đào Nha, 2002, 2008-2011), Edson Tavares (người Brazil, 2004), Falko Goezt (người Đức, 2011) và bây giờ là HLV Toshiya Miura.

    Cựu HLV ĐT Việt Nam Alfred Riedl

    Trong các đời thầy ngoại nói trên, đã có những người, đến một lần và mãi mãi không bao giờ trở lại Việt Nam, bởi họ phải chịu những thất bại rất đắng cay và nghiệt ngã. Chẳng hạn như bộ đôi HLV người Brazil: Edson Silva Dido và Edson Tavares. 

    Và không thể không nhắc đến Falko Goezt, một HLV có bản lý lịch hoành tráng trên cương vị cầu thủ lẫn HLV, nhờ gắn bó những CLB  tiếng tăm của Đức như: 1860 Munich,  Hertha Berlin… Nhưng nhà cầm quân này vẫn phải xách va li về nước trong nước mắt.

    Đã kể ra những kẻ có “tội” thì cũng phải kể ra những người thành công khi se duyên với BĐVN. Sau ông Weigang, Murphy thì ông Riedl thực sự có những đóng góp to lớn trong gần 10 năm đến rồi đi, đi rồi đến Việt Nam. Đáng chú ý nhất chính là chuyện ông giúp ĐTVN lọt vào đến tứ kết Asian Cup 2007. 

    Đến triều đại của HLV Calisto, nhà cầm quân người Bồ đã đặt một mốc son chói lọi khi cùng ĐTVN giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, nhưng cuộc tình này chỉ kéo dài được 2 năm. Khi ĐTVN thất bại tại AFF Suzuki 2010, ông “Tô” đã nói lời chia tay với mảnh đất hình chữ S để đến với những thử thách mới. Kể từ đây, BĐVN không còn gặt hái được nhiều thành công, dù đã luân chuyển, sử dụng cả thầy ngoại, lẫn thầy nội.

    NGOẠI VẪN TỐT HƠN
    Rất nhiều người từng cho rằng, năm 2012 là năm bản lề của BĐVN bởi sau một thời gian dài chúng ta mới sử dụng HLV nội. Cụ thể ở đây là HLV Phan Thanh Hùng, người từng rất thành công trong vai trò là thuyền trưởng của CLB HN.T&T. 

    Sở dĩ, HLV Phan Thanh Hùng được chọn là vì nhà cầm quân người Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ nối tiếp những thành công từ HLV Calisto. Nói thẳng ra, HLV họ Phan có triết lí và quan điểm huấn luyện tương đối giống với ông Calisto, người mà ông Hùng từng là “cánh tay nối dài” ở ĐTVN trước đó. 

    Ông Hùng không hề sai về phương pháp và người ta cũng biết, ông như một nhà cầm quân giàu triển vọng của BĐVN. Nhưng rốt cuộc, ông Hùng cũng phải nói lời chia tay sau thảm bại của ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2012. 
    Sau thời HLV Phan Thanh Hùng, BĐVN tiếp tục đặt niềm tin vào những thầy nội khác là Hoàng Văn Phúc và Nguyễn Văn Sỹ (cả chính thức, lẫn tạm quyền) nhưng cả hai không gặt hái được thành công. Chính vì thế, chúng ta phải trở lại với giải pháp tìm HLV ngoại cho ĐTQG. 

    Và sau rất nhiều cân nhắc, cái tên Toshiya Miura đã được lựa chọn trong số hàng trăm bộ hồ sơ do các ứng cử viên gửi đến. Điều đặc biệt, ông Miura đã đánh bại rất nhiều đồng nghiệp đến từ Nam Mỹ, châu Âu để trở thành HLV châu Á dẫn dắt ĐTVN cũng như U23 Việt Nam, Olympic Việt Nam. 

    Đương nhiên, nhà cầm quân người Nhật đang được đặt kỳ vọng sẽ làm nên chuyện cùng ĐTVN, đặc biệt sau kỳ Asiad 17, chính ông là người đã giúp Olympic Việt Nam lọt vào đến vòng 1/8 lịch sử.

    x
    HLV Miura đang có sự kết hợp khá tốt phương pháp huấn luyện của các HLV tiền nhiệm như 
    Henrique Calisto  và Alfred Riedl

    MUỐN NHANH CŨNG PHẢI TỪ TỪ
    Có một điều cần được nhắc đến trong sự thành công của các HLV ngoại với BĐVN, đó là sự kế thừa mang tính liên tục từ người này đến người khác. Để được chiếc HCB tại Tiger Cup 1998, ông Riedl phải cảm ơn người đồng nghiệp Murphy và trước đó là Weigang đã nhào nặn ra một “Thế hệ vàng”: Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Sỹ Hùng... 

    Để lên được đỉnh Đông Nam Á năm 2008, ông Calisto phải cám ơn ông Riedl vì trước đó ĐTVN của nhà cầm quân người Áo, đã có một VCK Asian 2007 thành công khi chỉ chịu dừng chân ở vòng tứ kết…

    Đề cập đến để thấy rằng, tính kế thừa rất quan trọng trong bóng đá. Nói cách khác, các HLV thường làm việc trên những cái nền của người tiền nhiệm, dù vẫn là nguyên liệu ấy nhưng chế biến đã khác đi. Ở góc độ này, có thể thấy, ông Toshiya Miura đang có sự cộng dồn của phương pháp và triết lí của Calisto và Riedl.

    Đương nhiên ở đây chúng tôi đang đề cập đến cái “na ná” bởi mỗi nhà cầm quân có những quan điểm khác nhau. Cái na ná mà chúng tôi nói đến ở đây chính phương pháp huấn luyện, chẳng hạn như trước đây ông Calisto là người đặt nặng vai trò của thể lực. 

    Người ta đã từng ngán ngẩm, thậm chí lè lưỡi với những giáo án của ông “Tô”,  đó là: chia đôi đội hình, rồi ném quả bóng cho các cầu thủ đá tập nhưng phải luôn mang trong mình tinh thần fighting. 

    Còn hình bóng của ông Riedl đang ẩn hiện ở ĐTVN bây giờ, đấy là cách xây dựng con người, như cả hai đều thích những mẫu cầu thủ chịu va chạm và trẻ trung. Thêm một điểm tương đồng nữa, đó là đôi bên đều khởi đầu với sơ đồ chiến thuật 3-5-2, rồi sau đó tạo ra những biến thể khác nhau…

    ĐTVN đang tập trung cao độ để chuẩn bị cho chiến dịch AFF Suzuki Cup 2014 với một ông thầy người châu Á nhưng có quan điểm và triết lí huấn luyện lại đậm nét châu Âu. Ông Miura muốn dành đất cho những người trẻ thể hiện và ông  đã gọi hơn 1 nửa đội hình là những cầu thủ trẻ. 

    Ông Miura thể hiện mình cũng là một “chiến thuật gia” nhưng để làm điều đó thì phải xây được nền tảng là thể lực. Bởi vậy, nếu ai đó hỏi: Thể lực của các tuyển thủ tăng như thế nào, thì chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời rằng: “Đã lên vùn vụt rồi”, nhưng cũng kèm theo những lời than thở khó nghe: “Tập nặng quá, cơm nuốt không nổi!”.

    Từ Alfred Riedl, Henrique Calisto đến… Toshiya Miura, ĐTVN thể hiện được những “cá tính” của một đội tuyển như có sợi dây liên lạc giữa quá khứ và hiện tại. Đây cũng là một điều đáng được hy vọng!.

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay