Bóng Đá Plus trên MXH

Bí ẩn về chiều cao của Messi
16:27 ngày 10/02/2016
Siêu sao Lionel Messi hiện cao 1m70, theo wikipedia. Hơn chục năm trước, khi Messi lần đầu tiên xuất hiện trong màu áo Barcelona ở tuổi 17, anh cao bao nhiêu? Khó có câu trả lời chính xác. Chỉ biết khi ấy, từng có mẩu tường thuật: Messi ngồi ghế dự bị mà chân anh... còn chưa chạm đất!
    Trên nguyên tắc, một chàng trai 17 tuổi vẫn đang phát triển chiều cao. Nhưng phải nói chiều cao của Messi là bí ẩn thật sự, chẳng phải vì lý thuyết ấy. Ngoại trừ những người trong cuộc, không ai được biết chính xác chiều cao của Messi. Còn những con số được đăng nhan nhản thì, xin nói luôn: chỉ có giá trị tham khảo. Bởi Messi là một trường hợp vừa tế nhị, vừa đặc biệt.

    Hồi 10 tuổi, Messi được đưa đến phòng khám của bác sĩ Diego Schwarsztein ở Viện nghiên cứu nội tiết tố, tại địa chỉ 1764 đường Cordoba, trung tâm thành phố Rosario. Cậu bé chỉ cao 1m21 (ở Việt Nam, học sinh lớp 1-2 đã cao như thế).

    Messi bị đẹt vì rối loạn nội tiết tố, các tuyến sớm ngừng sản sinh ra hormon tăng trưởng chiều cao. Đại khái giống như người ta bị tiểu đường vì tuyến tụy không sản sinh insulin vậy. Khác chăng chỉ là ở chỗ: 7% nhân loại mắc bệnh tiểu đường trong khi chỉ có 1 trong 20 triệu trường hợp bị đẹt như Messi. Dân số Argentina khi ấy là 40 triệu.

    Vấn đề không quá phức tạp, theo bác sĩ Schwarsztein. Quả đã có lúc, loại thuốc để chữa bệnh này được trích xuất từ... xác người chết. Nhưng cách ấy dẫn đến nguy cơ mắc phải những bệnh còn nguy hiểm hơn. Ông khẳng định, sẽ chữa cho Messi bằng phương pháp tiên tiến. Một mặt, có thể gia đình Messi không thật tin tưởng. Mặt khác, họ không có khả năng trả khoảng 100.000 bảng/năm, tiền thuốc. Việc chữa trị có thể kéo dài đến 6 năm.


    Messi khi ấy đang là cầu thủ năng khiếu của đội trẻ Newell’s Old Boys. Đội này từ chối trả chi phí chữa bệnh. River Plate muốn mua Messi, nhưng cũng không nhận trách nhiệm chữa bệnh. Vì một sự tình cờ, giám đốc Carles Rexach của Barcelona phát hiện Messi.

    Tình cờ đến nỗi chẳng ai có sẵn giấy, và bản hợp đồng đầu tiên giữa Messi với Barcelona được viết trên một mẩu... giấy ăn. Cậu bé tài năng cỡ nào, đấy là việc của Barcelona. Gia đình Messi chấp nhận hợp đồng đưa Messi sang Barcelona trước tiên vì chỉ có đội này đồng ý trả tiền chữa bệnh.

    Bây giờ, chiều cao 1m70 đã là “giấc mộng vàng”. Vấn đề ở chỗ: việc tiêm thuốc HGH bị cấm trong gần như mọi môn thể thao. Nó có những tác dụng phụ quan trọng và được xem như doping. Messi phải chữa trị bằng phương pháp bị xem là doping ấy, nhưng đấy trước tiên là chuyện chữa bệnh, với mọi nhân vật có đủ thẩm quyền đều luôn sẵn sàng ký giấy xác nhận.

    Mặt khác, Messi chỉ tiêm thuốc đến khi anh trưởng thành (nghĩa là không thể cao hơn nữa). Có thể đấy là nguyên nhân khiến anh được các tổ chức bài trừ doping trong thể thao xếp vào diện “ngoại lệ”.

    Tóm lại, đấy là câu chuyện phức tạp mà những người trong cuộc chẳng dại gì trả lời chính thức. Ở thời điểm nào thì các bác sĩ xác định Messi đã trưởng thành, không cần tiêm thuốc nữa? Thời điểm nào là ranh giới giữa việc “chữa bệnh bắt buộc” và “doping”? Thời điểm kết thúc điều trị nằm ở đâu, có liên quan gì đến giai đoạn 2009-2012, mà Messi đoạt “Quả Bóng Vàng” 4 lần liên tiếp?


    Hàng tiền vệ lùn... đẹp nhất thế giới
    Ngoài Brazil, người ta còn phải nuối tiếc cho Pháp, khi những chú gà trống Gaulois gục ngã trên chấm 11m luân lưu ở vòng bán kết World Cup 1982. Hào hoa, phong nhã - đấy là thương hiệu của bộ ba Jean Tigana, Michel Platini, Alain Giresse ở hàng tiền vệ Pháp (ảnh). Họ nhảy múa, trình diễn nghệ thuật nhồi bóng, hơn là thi đấu.

    Đến EURO 1984 thì Pháp thành công, với sự bổ sung Luis Fernandez vào hàng tiền vệ. Khái niệm “ô vuông huyền ảo” ra đời. Tuy có danh hiệu quan trọng đầu tiên, nhưng phẩm chất nghệ sỹ của đội Pháp khi ấy lại vơi đi phần nào, vì Fernandez đại diện cho chất thép, cho hiệu quả, cho khả năng phòng ngự của một hàng tiền vệ vốn trước đó chỉ biết tấn công như thêu hoa dệt gấm.

    Giống như cảm giác hụt hẫng của người Brazil 10 năm sau đó - tuy vô địch World Cup 1994 nhưng vẫn có không ít fan... biểu tình vì “thắng không đẹp”, giới hâm mộ Pháp sau EURO 1984 vẫn hoài niệm về hàng tiền vệ 3 người tại World Cup 1982.

    Làm sao để có lại chất thơ mộng ấy? Platini đã chạy theo danh vọng, sang Serie A khoác áo Juventus. Fernandez thì “không nhã lắm”. Sẵn có Giresse và Tigana, CLB Bordeaux lập tức chi tiền tuyển mộ Fernando Chalana. Đấy là ngôi sao BĐN vừa tỏa sáng rực rỡ, như một hiện tượng tại EURO 1984. Tờ France Football khi ấy lập tức so sánh bộ ba tiền vệ Bordeaux với bộ ba tài hoa của Pháp tại World Cup 1982 và ca ngợi: Bordeaux là đội có hàng tiền vệ đẹp nhất thế giới.

    Bordeaux bảo vệ thành công chức vô địch Ligue 1 với Giresse, Tigana, Chalana trong hàng tiền vệ. Nhưng, cũng như đội Pháp trước đó, họ không thể tiến xa ở cúp C1/Champions League. Đẹp hay hiệu quả? Đấy vẫn là câu hỏi muôn đời trong bóng đá đỉnh cao.

    Phe thích vẻ đẹp chẳng phải là ít. Vậy mới sống mãi các bộ ba Platini, Tigana, Giresse hoặc Tigana, Giresse, Chalana trong cái thời kỳ thơ mộng của thập niên 1980. Nhưng cần nói rõ: đấy là vẻ đẹp trong cách chơi bóng. Làm sao mà “đẹp trai” cho được khi họ đều là những... ngôi sao lùn. Platini khá nhất: cao 1m78. Còn lại là Tigana 1m68, Chalana 1m65, Giresse 1m63!
    Cát Phương • 16:27 ngày 10/02/2016

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay