Từ nước Nga xa xôi và lạnh giá, Spartak Moscow cất tiếng trả lời. Chọn đúng HLV Massimo Carrera, tuy đã ở tuổi 52 nhưng trước đó chưa bao giờ giữ ghế HLV trưởng, Spartak đã trở lại ngôi vô địch Nga sau 16 năm chờ đợi. Spartak lừng lẫy ngày xưa thì ai cũng biết.
Nhưng bây giờ, họ thua sút thấy rõ nếu phải so sánh hầu bao với Zenit St Petersburg hoặc CSKA Moscow. Bóng đá Nga, nhất là từ khi CSKA đoạt Cúp UEFA 2005, rồi đến Zenit năm 2008, được nhận định là sẽ trở thành thế lực mới chủ yếu vì có rất nhiều tiền. Nhưng với Carrera, Spartak cho thấy họ vẫn có thể hướng đến thành công bằng con đường chiến thuật. Đấy là nét mới đáng chú ý.
Tại Đức, RB Leipzig lần đầu xuất hiện ở đẳng cấp Bundesliga đã tranh chấp ngôi cao với gã khổng lồ Bayern trong suốt một thời gian dài, và giữa những... làn sóng chỉ trích. Leipzig vươn lên nhờ tiền của nhà tài trợ Red Bull, ở nơi mà các đội bóng vẫn được xem là tài sản của cả cộng đồng.
Giống Hoffenheim vài năm trước, việc một đội bóng vươn lên nhờ tiền tài trợ cá nhân không được hoan nghênh ở Bundesliga. Cũng cần lưu ý: vấn đề là Hoffenheim hoặc RB Leipzig bị chỉ trích vì “nguồn tiền”, chứ thật ra họ không có quá nhiều tiền. Dân Đức thà xem Bayern vô địch mãi. Thà như Wolfsburg, vô địch Bundesliga 2009. Đây là đội của hãng Volkswagen. Nhưng nếu chịu nuôi đội bóng suốt vài chục năm như Volkswagen... thì được.
Monaco trở lại ngôi vô địch Pháp lần đầu sau 17 năm, cũng chẳng khác sự trở lại của Spartak sau 16 năm, hoặc Feyenoord vô địch Hà Lan lần đầu sau 18 năm. Đấy đều không phải là trường hợp “một phút huy hoàng”, như Leicester tại Premier League năm ngoái.
Đấy đều là các đội bóng giàu truyền thống. Họ chẳng qua bị đẩy xuống hàng chiếu dưới vì yếu thế trong kỷ nguyên bóng đá “quá nặng hơi đồng”. Ngoài chuyện “liệu cơm gắp mắm” cho phù hợp túi tiền, điểm chung trong cách làm của Monaco, Feyenoord và Spartak là họ đều chọn đúng HLV có thực tài dù không hoặc chưa nổi tiếng.
So sánh các trường hợp vừa nêu với... Real, hẳn sẽ có người nkhông cảm thấy thuyết phục. Dĩ nhiên là hơi khập khiễng, nhưng quả có chỗ tương đồng trong thành công của Real với Feyenoord, Spartak, Monaco. Nếu chỉ xét trong hàng ngũ các “siêu đại gia”, người ta đâu có xem Real ra gì trước khi Zinedine Zidane cầm quân.
Và khi Zidane liên tiếp đem về cho Real các danh hiệu vô địch Champions League, La Liga, FIFA Club World Cup, ông đâu có rải tiền mua sắm ngôi sao. Điều quan trọng nhất vẫn là có cách làm riêng, hướng đi riêng, thay vì cố rập khuôn vào một con đường phổ biến nào đấy.
Bayern cứ mãi vô địch Bundesliga, giống như Juventus cứ mãi vô địch Serie A, hoặc PSG tính đến trước mùa bóng 2016/17 tại Ligue 1. Nhưng, ứng với mỗi sự thống trị, vẫn luôn có những điển hình khác, nổi lên thành công nhờ cách làm riêng xuất sắc.