Bóng Đá Plus trên MXH

Bóng đá Hà Lan sa sút vì tư duy lạc hậu
13:17 ngày 09/02/2017
Chứng kiến sự thất bại của Memphis Depay và Vincent Janssen ở Premier League, những CĐV Hà Lan chợt nhận ra rằng tư duy làm bóng đá của họ đã tụt hậu quá xa so với các nền bóng đá tiên tiến ở châu Âu. Nếu tiếp tục theo cách này, nền bóng đá Hà Lan sẽ không có tương lai.

    Khoảng cách giữa quá khứ và thực tại

    Năm 2001, Zlatan Ibrahimovic tới Hà Lan với niềm hãnh diện. Anh được chơi ở đất nước của những Johan Cruyff, Rinus Michels, Johan Neeskens và khoác áo đội bóng hàng đầu châu Âu thủa ấy là Ajax. Tại đó, cầu thủ người Thụy Điển được Van Basten huyền thoại cho những lời khuyên bổ ích, từ công việc của một tiền đạo tới các kỹ năng dứt điểm.

    16 năm sau ở M.U, chính Ibrahimovic lại đóng vai trò gia sư cho hậu bối của Van Basten là Memphis Depay. Tiếc là tài năng hứa hẹn nhất bóng đá Hà Lan và ghi 22 bàn trong mùa cuối cùng ở giải VĐQG Hà Lan, gấp gần 4 lần thành tích của Ibra ở mùa 2001/02 (6), đã không thể cứu vãn sự nghiệp đang lụi tàn. Cầu thủ chạy cánh 22 tuổi đào thoát tới Lyon và nhận điểm 2/10 từ L’Equipe ngay trong trận ra mắt đội bóng Pháp. 

    Cùng tuổi với Depay là Vincent Janssen. Trước khi rời Hà Lan vào mùa Hè năm ngoái, anh  là Vua phá lưới của giải VĐQG Hà Lan với 27 bàn thắng. Gia nhập Tottenham với giá 17 triệu bảng, cầu thủ được vì von là “Van Basten mới” chỉ kiếm được 10 lần đá chính và ghi 4 bàn, tất cả đều từ chấm phạt đền. 


    Rõ ràng, có một khoảng cách xa đến giật mình giữa thế hệ hiện tại của đất nước này so với quá khứ. Từ giữa những năm 1970 đến 2010, Hà Lan tự hào là điểm nóng của bóng đá. Họ đưa ra các phát kiến chiến thuật mới mẻ, thiết lập sự chuẩn mực trong hệ thống đào tạo và đi đầu về chất lượng cầu thủ. 

    Những ngôi sao quốc tịch Hà Lan có mặt ở hầu hết các đội bóng danh tiếng ở châu Âu, từ Van Basten, Gullit, Frank Rijkaard đến Clarence Seedorf, Wesley Sneijder và Arjen Robben. Ngay cả những tài năng lớn như Ronaldo, Romario, Luis Suarez và Ibrahimovic cũng phải tìm đến Hà Lan để tích lũy kiến thức căn bản trước khi vươn đến đẳng cấp thế giới. 

    Phải cách mạng, muộn còn hơn không

    Điều tồi tệ là, khi đã ở vị thế hàng đầu, họ không có nhu cầu làm mới mình. Johan Cruyff, cha đẻ của bóng đá Hà Lan hiện đại cùng Rinus Michels, đã từ chối mọi ý tưởng thay đổi nó. Ví dụ, bất kỳ ai nói rằng các nước khác đang cải thiện thể chất, Cruyff sẽ không muốn nghe. 

    Vậy nên mới có chuyện khi Stefan de Vrij được gọi vào ĐT Hà Lan, anh bỗng nhận ra người đá cặp Ron Vlaar, người có 3 năm chơi bóng tại Anh trong màu áo Aston Villa, như đến từ thế giới khác. Anh quá khỏe còn De Vrij giống một đứa trẻ và dễ dàng bị các tiền đạo đánh bại. Trở lại Feyenoord, De Vrij cố gắng để cải thiện thể trạng bằng việc tập thêm mỗi khi rảnh rỗi. Thật không may, CLB phát hiện ra. Anh bị buộc phải ngừng việc tập luyện và mất luôn băng đội trưởng. Ở đây, họ không tập thể lực nhiều đến vậy và trừng phạt kẻ nào phá vỡ “tập quán” đó. 


    Các cầu thủ trẻ ở Hà Lan đã không có sự chuẩn bị khi bước ra sân khấu lớn. Với những người đã quen với nhịp độ chậm và luôn có nhiều thời gian xử lý bóng, chơi ở các giải đấu hàng đầu thực sự là một cú sốc. Không ngạc nhiên khi mùa này, một làn sóng hồi hương đã diễn ra sau khi nhiều tài năng phải mòn đũng quần trên băng ghế dự bị khắp châu Âu. Đó là Van Ginkel (từ Chelsea), De Jong và Tim Krul (Newcastle), Buttner (Dynamo Moscow), Van Wolfswinkel (Norwich), Diks (Fiorentina), Assaidi (từng chơi ở Liverpool) và Bouy (Palermo). 

    Tất nhiên cũng có một số cầu thủ thành công, như Van Dijk (Southampton) hay De Roon (M’brough). Tuy nhiên, họ phải “quá cảnh” ở nơi khác trước khi đến Anh. De Roon nói rằng tốc độ ở Premier League cao hơn Eredivisie gấp 10 lần và hơn Serie A chỉ 3 lần. Anh chơi ở Atalanta và đó là bước đệm lý tưởng. 

    Để vực dậy bóng đá Hà Lan, cần một cuộc cách mạng sâu rộng và liên tục, từ phương pháp đào tạo đến khoa học thể thao. Họ cũng nên học hỏi Đức để thay đổi và tiếp cận với xu hướng chiến thuật mới. Nhiều năm qua, người Đức luôn đặt ra các câu hỏi và giải quyết nó, như tại sao lại lãng phí thủ môn trong khi có thể sử dụng như một hậu vệ quét, hoặc có nhất thiết phải kiểm soát bóng bởi phản công là phương pháp tốt để giành chiến thắng?     

    Tuy nhiên, ngay cả khi thành công, Hà Lan cũng khó lấy lại vị thế ban đầu bởi cùng lúc đó, những nền bóng đá khác cũng đi thêm một chặng đường dài.

    Ở Hà Lan, dứt điểm thật dễ dàng
    Mùa này, 3 đội bóng hàng đầu Hà Lan là Ajax, PSV và Feyenoord tung ra trung bình lần lượt là 20,1; 18,9 và 18,6 cú dứt điểm mỗi trận. Ở Premier League, cao nhất là Tottenham cũng chỉ có trung bình 17,5 cú dứt điểm mỗi trận. Real dẫn đầu La Liga với 17,8. Ở Serie A là Napoli với 17,7 và Bayern tại Bundesliga là 16,9. 

    Ngày một khan hiếm cầu thủ lớn
    Ở lần tập trung ĐT Hà Lan gần nhất, có 16/23 cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ có 4 (17,3%) thuộc biên chế các đội bóng đang nằm trong Top 4 đội dẫn đầu ở 5 giải đấu hàng châu Âu. 16 năm trước, trong đội hình dự EURO 2000, Cơn lốc cam có 17/22 người chơi ở nước ngoài và 14 (63,6%) khoác áo các đội thuộc Top 4 ở La Liga, Premier League và Serie A.
    VỊNH SAN • 13:17 ngày 09/02/2017

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay