Theo FIFA, trung bình mỗi năm khoảng 2.000 cầu thủ Brazil được giao dịch trên thị trường quốc tế, cao gấp đôi nước xuất khẩu cầu thủ lớn thứ hai thế giới là Argentina. Số lượng cầu thủ đó đủ phủ những sân cỏ trên hành tinh, miễn là nơi đó có tiền để mua và trả lương.
Sự hiện diện của cầu thủ Brazil tại các CLB bóng đá vĩ đại nhất châu Âu như Real Madrid, Barcelona, Man City, Man United, Liverpool, PSG, Bayern Munich, Ajax Amsterdam, Inter Milan, Juventus… cho đến các nền bóng đá giàu xổi như Nga, Trung Quốc, Qatar, Saudi Arabia hoặc những nền bóng đá kém phát triển hơn ở châu Á.
Chúng ta đã biết rằng, cầu thủ đóng mác Brazil là mặt hàng được ưa chuộng từ hàng chục năm qua, và giờ, nó đã trở thành một ngành công nghiệp thuần tuý. Dòng máu đam mê bóng đá và sự nghèo đói phổ biến tại đất nước này đã khiến hàng triệu trẻ em Brazil coi trái bóng là con đường thoát nghèo khả dĩ hơn việc học hành hay tham gia băng đảng.
Bản chất của việc trẻ em nghèo trở cầu thủ chuyên nghiệp hay may mắn hơn là ngôi sao sân cỏ là một con đường tất yếu. Ngay cả ở một nền bóng đá giàu có như châu Âu, tỉ lệ trẻ em nghèo chơi bóng đá bao giờ cũng áp đảo số lượng trẻ em con nhà giàu.
Đơn giản chỉ bởi một điều, trẻ em nghèo không có nhiều lựa chọn, trong khi với đám “rich kid”, xác suất 200 cầu thủ ăn tập chuyên nghiệp từ bé mới có 1 người thành công như Wayne Rooney là quá thấp để mạo hiểm. Cho nên, nếu có chơi bóng thì chỉ vì mục đích thể thao thuần tuý, chứ không phải để đổi đời.
Từ đó, chúng ta có thể hiểu tại sao nguồn đầu vào cầu thủ ở Brazil luôn luôn dồi dào. Tấm gương tỉ phú sân cỏ như Pele, Ronaldo, Neymar luôn chói lói để các lớp lớp hậu duệ xách giày vào lò luyện bóng đá. Lò Santos, lò Sao Paolo, lò Fluminense luôn luôn tiến hoá để hoàn thiện quy trình “nuôi trồng cầu thủ” để bán non, bán già cho khách hàng toàn cầu.
Từ hình thức nguyên thuỷ là “lò đào tạo” thu gom các cầu thủ nhí có khả năng được phát hiện qua các trận bóng đường phố bởi lực lượng “thợ săn” không chuyên, để đem về huấn luyện rồi biến thành ngôi sao của đội Một như kiểu Pele, Garrincha, đến mô hình đào tạo chuyên nghiệp với các học viện đủ các cấp độ, và đội ngũ tuyển trạch viên, HLV, luật sư pháp lý, xúc tiến thương mại, bán hàng…
Nhưng trong vòng 10 năm qua, ngành công nghiệp “nuôi trồng và xuất khẩu” cầu thủ của Brazil đã tiến hoá đến một cấp độ mới: đào tạo cầu thủ bản địa ở châu Âu để bán cho các khách hàng châu Âu. Đó là thứ sản phẩm đã quen thuộc với phong cách thi đấu bóng đá, ngôn ngữ, khí hậu, lối sống ở châu Âu. Nó hoàn hảo hơn nhiều so với lứa sản phẩm phải mất thời gian để học tiếng Anh hay cái lạnh của châu Âu như Robinho của những năm 2000.
Fluminense là CLB bóng đá Brazil đầu tiên nghĩ ra phương thức lập “nông trường cầu thủ” ở châu Âu này. Nói một cách hình ảnh, nông trường này cũng giống như các farm cá hồi Na Uy, cá mú Australia được đặt ở vùng biển sâu ở Nha Trang hay vùng nước lạnh Tây Bắc để nuôi cá và bán cho chính thị trường này với nhãn hiệu bảo hộ bản xứ.
Nơi Fluminense đặt nông trường là Slovakia, một đất nước thuộc vùng Đông Âu, thông qua đối tác là STK Samorin. Mục tiêu của Fluminense là biến STK Samorin thành nơi đào tạo các tài năng người Brazil. Các sản phẩm xuất xưởng được bán cho các đội giàu có hơn của châu Âu, với hy vọng đạt 5 tỷ USD/năm.
“Tôi không muốn nói điều này, nhưng nếu bạn có một trang trại với 100 con bò, thay vì nuôi bò ở nhà, bạn lại đem nuôi ở một nơi gần chỗ bạn sẽ bán nó để thịt của nó hợp khẩu vị khách hàng hơn, bán được nhiều tiền hơn. Một ngày nào đó, miếng beefsteak Brazil chuẩn gu châu Âu sẽ xuất hiện”, Marco Manso, người giám sát của Fluminense tại Slovakia ví von.
Tại sao Fluminense chọn Samorin để đặt nông trường? Khoảng 10.000 km từ Rio, Samorin có đủ mọi điều cần của Fluminense. Các CLB Slovakia được phép sử dụng 5 ngoại binh ngoài châu Âu trong một trận là một lợi điểm. Vị trí địa lý và khí hậu để các cầu thủ Brazil làm quen với châu Âu là lợi điểm tiếp theo. Và chi phí không quá đắt đỏ là lợi điểm thứ ba bởi nếu đặt nông trường tại Bồ Đào Nha, chủ đầu tư phải chi gấp 10 lần ở đây.
Thử thách lớn nhất của các cầu thủ trẻ Brazil ở Samorin khi mới đến không phải là nỗi nhớ nhà mà là khí hậu và ngôn ngữ. Nhưng theo thời gian, họ nhanh chóng thích nghi với mùa đông lạnh giá và nói tiếng Anh, tiếng TBN làu làu. Cộng thêm kỹ năng chơi bóng đã được lựa chọn kỹ càng ở Brazil, các cầu thủ này hy vọng sẽ được thi đấu ở Premier League lạnh lẽo nhưng lắm tiền.
Tất nhiên, trước khi đến được miền đất hứa như Eder Militao, Vinicius, Rodrygo… những cầu thủ Brazil đã hoà nhập tốt ở châu Âu sẽ phải lăn lộn ở các hạng đấu của Slovakia, Hungary trước khi lọt vào mắt của giới tuyển trạch viên của các CLB cấp cao hơn.
Mọi thứ không hề dễ dàng, nhưng vì lợi nhuận và giấc mơ giàu có, nông trường vẫn hăng say “trồng trọt” cầu thủ hàng ngày!
Đây là bài viết thuộc Big Stories “Vì sao Brazil là ‘công xưởng’ của bóng đá thế giới?”.
Quý độc giả có thể xem thêm các bài khác thuộc Big Stories này tại link sau: http://www.bongdaplusvn.com/bong-da-brazil/vi-sao-brazil-la-cong-xuong-cua-bong-da-the-gioi-4057382307.html