Chiến thuật giúp hồi sinh hậu vệ cánh
Pep Guardiola sở hữu một bộ óc chiến thuật vĩ đại. Ông có một kỷ nguyên rực rỡ tại Barca với lối chơi tiqui-taca bất khả chiến bại, song không ngừng đổi mới và cải thiện nó. Khi sang Bayern, điểm khác biệt lớn nhất trong chiến thuật của Guardiola nằm ở vị trí hậu vệ cánh. Tại Barca, Dani Alves chủ yếu bám dọc cánh phải, hoàn toàn tự do cơ động lên-xuống để đóng góp cho tấn công.
Sang Bayern, sự thông minh của Philipp Lahm và khả năng của David Alaba cho phép Guardiola thay đổi. Hai hậu vệ cánh này tham gia xây dựng lối chơi chứ không chỉ đơn thuần là một lối thoát ở biên cho các đường tấn công. Đến Man City, Guardiola duy trì lối chơi này, điều chưa từng được phổ biến tại sân Etihad.
Trước mỗi trận đấu của Man City dưới thời Guardiola, màn hình thường hiển thị sơ đồ ra sân 4-1-4-1. Tuy nhiên, mỗi lần Man City có bóng, nó được chuyển đổi thành 3-2-5. Hai hậu vệ biên được đẩy lên cao đá như tiền vệ, trong khi cầu thủ chuyên đánh chặn ở khu vực giữa sân sẽ lùi sâu xuống để hỗ trợ cho 2 trung vệ.
Hướng di chuyển của các hậu vệ cánh Man City
Hệ thống này giúp cho 5 cầu thủ tấn công phía trên được tự do tìm cách xuyên phá khung thành đối thủ dưới sự trợ giúp của 2 hậu vệ cánh. Trong khi đó, họ không phải lo lắng về mặt phòng ngự. 2 hậu vệ cánh sẽ nhanh chóng hợp với bộ ba phía dưới tạo thành hàng thủ 5 người. Mục đích của Guardiola đơn giản: luôn có ít nhất 5 người tấn công và cũng con số đó cầu thủ cho mặt trận phòng ngự.
Chiến thuật của Guardiola giúp Man City giành quyền kiểm soát khu trung tâm bởi số lượng cầu thủ đông hơn, tiền vệ đối phương sẽ không biết phải chơi pressing hay theo kèm cầu thủ được chỉ định từ đầu. Kiểm soát bóng giúp cho những hậu vệ biên đến tuổi băm của Man City như Bacary Sagna, Aleksandar Kolarov hay Gael Clichy dễ thở hơn. Họ không còn phải chịu cảnh bị đánh vỗ mặt bởi những tiền vệ cánh nhanh và khỏe ở Ngoại hạng Anh.
Sơ đồ pressing của Man City mỗi khi mất bóng
Fernandinho thành mỏ neo linh hoạt
Ở những nơi đặt chân qua, Guardiola đều phải tìm được một tiền vệ tổ chức lý tưởng. Đối với Barca là Sergio Busquets, Bayern là Xabi Alonso. Khi mới đến Man City, Guardiola chưa tìm được cầu thủ như thế nhưng thông qua quá trình đào tạo, ông đã biến Fernandinho từ tiền vệ trung tâm thường thường thành “mỏ neo” xuất sắc trong lối chơi của Man City.
Như đã nói ở trên, 2 hậu vệ cánh tiến vào khu vực trung tâm, Fernandinho lùi sâu hoạt động giữa 2 trung vệ để thu thập bóng và phân phối, đồng thời cung cấp lớp phòng thủ đầu tiên khi bị mất bóng. Đó là một vai trò khó, nhưng Fernandinho đã làm được, một phần bởi khả năng của anh, phần khác đến từ sự giúp đỡ của John Stones.
Hướng di chuyển của Fernandinho
Ví dụ như trong trận đấu với M.U. Fernandinho gặp khó ở khoảng thời gian đầu trận, khi Wayne Rooney tích cực theo sát. Khi anh lùi về sâu, Rooney không dám dâng quá cao để theo kèm. Cộng thêm với việc Stones di chuyển khéo, xộc vào khu trung tâm hoặc lùi về để Fernandinho có thêm địa chỉ chuyền bóng, tiền vệ người Brazil đã dễ thở hơn rất nhiều.
Fernandinho lùi sâu để phân phối bóng và nhận được sự hỗ trợ của Stones trong trận đấu với M.U
Silva và De Bruyne tự do hơn, Aguero được hưởng lợi
De Bruyne và Silva là 2 cầu thủ sáng tạo nhất của Man City. Cả 2 đều thích chơi trong vai trò số 10, chỉ sau một tiền đạo. Đối với một số HLV, việc cùng lúc phát huy tối đa khả năng của họ là không thể. Tuy nhiên, Guardiola đã tìm ra giải pháp với sơ đồ 4-1-4-1, biến thể thành 3-2-5 như đã nói ở trên.
Cả Silva và De Bruyne được trao nhiều tự do hơn, được hỗ trợ bởi Fernandinho hoặc 2 hậu vệ cánh dâng cao và thoải mái sáng tạo vì không phải lo lắng nhiều về phòng ngự. Silva đã tìm lại được phong độ đỉnh cao trong màu áo Man City lẫn ĐT Tây Ban Nha. Trong khi đó, Bruyne đơn giản không thể ngăn cản trong trận derby Manchester với 1 bàn và 1 kiến tạo.
Silva và De Bruyne chơi tự do phía dưới Aguero bởi nhận được sự hỗ trợ của 2 hậu vệ cánh
Về phía Raheem Sterling, Guardiola không thay đổi anh về mặt chiến thuật. Sự khác biệt duy nhất là đôi khi HLV người Tây Ban Nha thử nghiệm anh bên phía cánh phải. Dù vậy, ông cung cấp cho Sterling sự tin tưởng. Khả năng của tiền vệ người Anh đã sẵn có và khi tìm lại sự tự tin, anh là mũi tên lợi hại bên hành lang cánh của Man City. 4 trận ở Ngoại hạng Anh, Sterling đã có 2 bàn thắng và 1 kiến tạo.
Khi các vệ tinh xung quanh chơi xuất sắc, tiền đạo cắm là người được hưởng lợi nhiều nhất. Sergio Aguero vốn dĩ đã là một tiền đạo xuất chúng với khả năng săn bàn nhạy bén, nay càng trở nên nguy hiểm hơn khi có nguồn cung cấp cơ hội dồi dào phía sau. Mới chỉ trải qua tổng cộng 4 trận ở Ngoại hạng Anh và Champions League 2016/17, Aguero đã ghi được tới 6 bàn thắng, mới đây nhất là cú hat-trick vào lưới M'Gladbach ở Champions League.
Khi không có Aguero, Man City cũng không phải quá lo lắng bởi đã có Kelechi Iheanacho. Với lối đá “tiền đạo chỉ việc dứt điểm, tạo cơ hội để hàng tiền vệ lo” của Man City, Iheanacho thừa sức thay thế mỗi khi Aguero vắng mặt, bởi dứt điểm là nghề của chân sút trẻ này. Ngoại hạng Anh mùa trước, anh có 9 pha lập công sau 22 nỗ lực dứt điểm. 59% trong số đó chính xác và 40,9% được chuyển hóa thành bàn thắng, một hiệu suất đáng kinh ngạc và tốt thứ nhì giải đấu. Mùa này, Iheanacho có 1 bàn sau 1 cú sút.
Aguero được hưởng lợi rất nhiều từ sự xuất sắc của các vệ tinh
Ai đủ sức ngăn thầy trò Guardiola?
Với việc thực hiện cuộc cách mạng chiến thuật ở Man City, Guardiola đang có sự khởi đầu suôn sẻ tại Etihad bằng thành tích toàn thắng. Đến cả M.U và Mourinho cũng phải nhận thất bại. Câu hỏi giờ đây được đặt ra là liệu bao giờ và đội bóng nào mới có thể ngăn cản cỗ máy chiến thắng mang tên Man City?