Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Vì sao các cầu thủ Nam Mỹ hiện tại lại thành công ở Anh?
20:34 ngày 21/11/2014
Trong tháng này, bàn thắng của Sergio Aguero đã giúp Man City giành chiến thắng trong trận derby Manchester. Đó là công việc mỗi tuần của anh, khi chân sút người Argentina đã có 64 bàn trong 98 trận ở Premier League.
    Điều còn đáng chú ý hơn là Aguero chỉ là một trong rất nhiều danh thủ Nam Mỹ đang tỏa sáng trên các sân bóng Anh. Trong những tháng mở đầu mùa giải Premier League này, số cầu thủ Argentina ra sân đã nhiều ngang với số cầu thủ Scotland: 18 người. Chelsea có nguyên một bộ khung Brazil: Ramires, Willian, Filipe Luis, Oscar và Diego Costa (đã thi đấu cho ĐT Tây Ban Nha), cùng với Philippe Coutinho, là những đại diện đáng chú ý của nền bóng đá 5 lần VĐTG.

    Alexis Sanchez đến từ Chile đang là người hùng mới của các CĐV Arsenal, trong khi đồng hương của anh Eduardo Vargas gây ấn tượng mạnh tại QPR. Đó là chưa kể ngôi sao người Uruguay Abel Hernandez ở Hull và bộ đôi Ecuador, Enner Valencia ở West Ham và Jefferson Montero-Swansea. Ít xuất hiện hơn, trong khi chân sút người Colombia Radamel Falcao chưa chơi đúng với kỳ vọng ở Man United, đồng hương của anh Carlos Sanchez đang bắt đầu thiết lập vị trí ổn định với Aston Villa.

    Mùa giải 2014/15 sẽ là mùa các cầu thủ Nam Mỹ tạo ra ảnh hưởng rất lớn với Premier League. Câu hỏi đặt ra là tại sao mãi tới bây giờ điều đó mới xảy ra. Năm 1996, Terry Venables nói chỉ tới khi ông dẫn dắt Barcelona 12 năm trước đó, ông mới nhận ra lợi ích của việc đưa về các cầu thủ nước ngoài. Thời điểm đưa ra nhận xét đó của Venables là rất đáng chú ý.

    Bộ đôi Brazil từng đá cho Middlesbrough trong những năm 90 của thế kỷ trước - Emerson (trái) và Branco

    Tiền bạc lúc đó đã tràn ngập Premier League và những danh thủ ngoại quốc đã đổ về. Nhưng khi mùa 1996/97 khởi tranh, chỉ có vài người Nam Mỹ đáng kể tên là Gus Poyet ở Chelsea, Faustino Asprilla ở Newcastle và bộ ba Brazil, Juninho, Emerson và Branco tại Middlesbrough. Trong khi Premier League sẵn sàng chào đón cầu thủ đến từ mọi ngóc ngách của thế giới, các cầu thủ Nam Mỹ từng bị nghi ngờ không hợp về phong cách và triết lý của bóng đá Anh.

    Việc sống ở nước ngoài và hòa nhập trong một đất nước xa lạ cũng gây nhiều khó khăn cho họ. Ngay cả một cầu thủ trưởng thành và dày dạn như Michael Owen cũng thấy điều đó không dễ dàng. “Tôi rất nhớ nhà”, anh nói về cuộc sống của mình ở Real Madrid. Hợp đồng thất vọng của Man United, Kleberson là một tiền vệ với nhiều tố chất để thành công. Sau Ronaldo, anh là cầu thủ hay nhất của Brazil ở trận chung kết World Cup 2002. Nhưng tinh thần phấn đấu lại là vấn đề khác.

    “Điều quan trọng nhất là tâm lý”, Christian Rapp, đứng đầu bộ phận phụ trách Brazil của một công ty Đức chuyên săn lùng những tài năng trẻ, nói. “Cầu thủ muốn có sự nghiệp thành công ở nước ngoài cần thích nghi được với đất nước và đội bóng mới, chứ không thể đòi hỏi điều ngược lại. Điều đó giải thích tại sao có người thành công và có người thất bại”.

    Osvaldo Ardiles

    Nhiều cầu thủ Nam Mỹ không vượt qua được rào cản tâm lý đó, khiến cho về chuyên môn, họ thấy lối chơi quá tốc độ ở Premier League là không thể thích nghi. Nhưng từ tận những năm 1978, Osvaldo Ardiles đã cho thấy có thể vượt qua những rào cản đó như thế nào. Cầu thủ nhỏ bé người Argentina tới Tottenham ngay sau khi vô địch World Cup, những kẻ thích dè bỉu ở nền bóng đá Anh còn rất bảo thủ khi đó dự đoán ông sẽ phải gói ghém đồ đạc trước Giáng sinh.

    Tommy Smith, một cầu thủ nổi tiếng chặt chém, đã nói thẳng điều đó sau khi có pha vào bóng cực kỳ dữ tợn với Ardiles ở một trận đấu của Swansea gặp Spurs tại Cúp FA. “Những kẻ đó không thể tới đây và chơi như đàn bà”, Smith nói. Nhưng bù đắp cho sự thiếu hụt về thể lực, Ardiles rất khéo léo và thông minh. Chỉ có điều cho tới tận bây giờ, ông vẫn là một ngoại lệ thành công hiếm hoi từ Nam Mỹ ở xứ sở sương mù.

    Có lẽ một phần lỗi thuộc về các đội bóng Anh. Phần khác, chỉ là chuyện tiền bạc. Bóng đá Italia khi đó mới là giàu nhất thế giới, mở cửa cho các cầu thủ nước ngoài vào những năm 1980 với nguồn tài chính hùng hậu. Những người giỏi nhất của Nam Mỹ đều tới Serie A. Italia, TBN và Đức còn có một lợi thế khác: chính quyền ở đây không đòi hỏi một giấy phép lao động ngặt nghèo như ở Anh.

    Faustino Asprilla 

    Để được làm việc ở Anh, một cầu thủ Nam Mỹ phải có hộ chiếu châu Âu, có thể xin được nếu anh ta có thể chứng minh mình có tổ tiên châu Âu, hay là một tuyển thủ quốc gia đã nhiều kinh nghiệm. Vấn đề hành chính quan liêu này đã gây ra nhiều hậu quả cho bóng đá Anh. Các CLB Anh vì thế không muốn và không thể đầu tư vào hệ thống chiêu mộ cầu thủ ở Nam Mỹ, kết quả là họ phó mặc cho các tay cò và những đĩa DVD rồi nhắm mắt mua bừa.

    Một ví dụ điển hình là tiền đạo người Argentina, Mauro Boselli. Boseilli là một chân sút cự phách ở quê nhà, nhưng phong cách của anh chắc chắn không hợp với vị trí tiền đạo cắm ở Anh. Một tay môi giới đã cố gắng tìm cách đưa anh sang một đội Premier League, rốt cuộc là Wigan vào năm 2010. Boseilli không ghi nổi bàn nào ở Premier League trong 3 năm thuộc sở hữu CLB này, bao gồm 3 lần được mang cho mượn ở Italia và Argentina.

    Một hậu quả nữa của hệ thống giấy phép lao động là các cộng đồng Nam Mỹ ở Anh cũng nhỏ bé hơn, khiến các cầu thủ càng khó hòa nhập. Premier League đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu toàn cầu, nhưng nhiều vấn đề trong các phòng thay đồ đa quốc tịch vẫn còn chưa được xử lý. Các đội bóng đôi khi quên mất họ không chỉ mua một cầu thủ, mà là một con người.

    Những cầu thủ người Argentina - Ossie Ardiles (trái) và Ricky Villa (phải) từng được 
    HLV Keith Burkinshaw đưa về Tottenham năm 1978

    Không lâu sau khi chồng gia nhập Aston Villa, vợ của tiền đạo người Colombia - Juan Pablo Angel ốm nặng. Angel rất buồn và lo lắng vì hầu như không nhận được sự hỗ trợ gì từ CLB. Vốn có xuất thần trung lưu khá giả, Angel còn nói được tiếng Anh khi mới tới, điều rất hiếm với những món hàng nhập khẩu thẳng từ Nam Mỹ. Hernan Crespo, cựu danh thủ Argentina từng chơi cho Chelsea, nói với báo chí ở quên nhà rằng anh rất ngại và lo lắng trong những việc vặt như gửi xe hay gọi người sửa điện thoại di động. Anh thiếu khả năng ngôn ngữ cho những tình huống đời sống, và đôi khi vấn đề đó lớn hơn việc xử lý các trung vệ đối phương.

    Văn hóa Nam Mỹ cũng ít chú trọng sự tự lập cá nhân hơn so với ở Anh, mà nhấn mạnh vào những giá trị gia đình, cộng đồng. Hầu hết các cầu thủ đều mong đợi sẽ được giúp đỡ tận tình khi mới đến, điều mà người Anh vốn tôn trọng sự riêng tư và độc lập đôi khi lại không thích.

    Mọi chuyện dần thay đổi. Các đội bóng đã hiểu ra họ cần phải làm tốt hơn, và giờ khoảng 50 ngôi sao Nam Mỹ đang tung hoành ở Premier League, đủ để tạo thành một cộng đồng mà họ thấy được bao bọc và tự tin. Trên sân tình hình cũng đã thay đổi. Các đội bóng Anh giờ không còn buộc những cầu thủ nhỏ bé như Ardiles cũng phải nhảy lên tranh cướp bóng bổng nữa. Và luật chơi cũng đã khác. Hơn một thập kỷ trước, tiền vệ người Brazil của Arsenal Edu nói: “Ở Anh, đá bóng không có phạm lỗi”. Ngày nay thì các tiêu chuẩn trọng tài đã gần như đồng nhất khắp châu Âu, giúp cầu thủ từ bất cứ đâu cũng nhận được sự bảo vệ như nhau.

    Premier League sẽ chưa thể nào toàn bích nếu thiếu những ngôi sao Nam Mỹ, và mùa giải này, mảnh ghép đó đã được hoàn tất.
    Chiêu Văn • 20:34 ngày 21/11/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay