Những cú trượt ngã khi sút 11m của David Beckham hoặc John Terry, cũng đều như vậy. Đấy chỉ là rủi ro, hoặc nặng hơn thì là "tai nạn" không hơn không kém.
Có chăng, Gerrard chỉ đáng trách khi anh không kiểm soát được đường chuyền trong khoảnh khắc trước khi trượt ngã. Đấy có thể cũng chỉ là "tai nạn", nhưng đấy còn có thể là hậu quả của một thoáng thiếu tập trung. Gerrard chủ quan vì suốt khoảng 45 phút trước đó, anh luôn là một trong những cầu thủ hay nhất trên sân?
Khác biệt rất lớn. Nhưng điểm chung là dù Liverpool thủng lưới vì cách khống chế bóng cẩu thả của Gerrard, hay vì anh tình cờ trượt ngã, số đông trong làng bóng Anh đều sẽ tỏ ra thông cảm. Người ta thậm chí còn thông cảm cho những sai lầm hoàn toàn vì nguyên nhân chủ quan - những đường chuyềnvề tai hại hoặc những chiếc thẻ đỏ ngốc nghếch của các danh thủ trong làng bóng Anh nhiều đến nỗi khó liệt kê cho hết, huống hồ là kiểu "tai nạn" như cú ngã của Gerrard.
Đến đây, xin được "lạc đề" một tí. Cây bút nổi tiếng Gabriel Marcotti từng viết một câu đơn giản nhưng thật chí lý: "Bạn, tôi, và Mourinho đều đã thay đổi so với chính mình cách đây mười năm?". Vì tuổi tác kéo theo kinh nghiệm, vì thành công cũng như thất bại, vì môi trường sống hoặc làm việc, vì thay đổi trong nhãn quan, suy nghĩ, trình độ..., có thể bạn đã trở nên khác hẳn so với khoảng chục năm trước. Marcotti viết như vậy chỉ để nói rằng không nhất thiết phải dùng chính Jose Mourinho lúc mới đến Chelsea cầm quân năm 2004 để bàn về Mourinho khi ông dẫn dắt Chelsea lần nữa trong mùa bóng này. Không nên, và cũng không thể!
Hãy trở lại với câu chuyện về Gerrard. Chục năm trước, tôi thường cho rằng các đội bóng Anh rất hay thủng lưới một cách "lãng xẹt" vì người Anh có thói quen dung dưỡng những thất bại như thế, qua cái cách mà họ tỏ ra thông cảm, che chở, thậm chí bênh vực "tội đồ". Bóng đá Anh có truyền thống fair-play mà! Lúc Dunga tỏa sáng để đưa Brazil lên ngôi vô địch World Cup 1994, rồi lại vào chung kết World Cup 1998, tờ L'Equipe phỏng vấn ngay trước trận chung kết: "Liệu anh sẽ được dựng tượng nếu Brazil vô địch lần nữa?". Dunga trả lời: "Khả năng này dễ xảy ra hơn: chúng tôi sẽ bị đốt nhà nếu không vô địch". Hồi xưa, thủ môn Barbosa bị dân Brazil khinh miệt đến tận cuối đời vì để thủng lưới khiến Brazil mất ngôi vô địch World Cup 1950 (mà thậm chí chưa chắc phần lỗi lớn nhất thuộc về Barbosa).
Ở Colombia, cầu thủ xấu số Andres Escobar còn bị bắn hạ sau khi lỡ chuồi bóng vào lưới nhà tại World Cup. Trẻ con Italia thì vẽ nguệch ngoạc hình Roberto Baggio dưới vỉa hè, nhổ nước bọt vào đấy rồi nhảy dẫm lên, sau khi Robert Baggio sút hỏng quả 11m luân lưu. Cứ cho là quá đáng, nhưng ở những nơi ấy, cầu thủ chuyên nghiệp phải luôn nhớ rõ: họ sẽ trả giá rất đắt nếu phạm sai lầm hoặc nếu "xui xẻo" trở thành tội đồ. Ngược lại, các ngôi sao Anh chỉ cần nhớ: họ sẽ được che chở, bênh vực!
Một phần, đấy là khác biệt về văn hóa bóng đá giữa những nền văn hóa khác nhau. Nhưng, Marcotti quả thật chí lý. Bây giờ, tôi lại nghĩ khác!
Tôi đã hình dung chính mình đang được thiên hạ thông cảm, an ủi như Steven Gerrard, và tôi chợt rùng mình trước cảm giác của một con người đang được... thương hại. Có khi nó còn đau đớn, tủi nhục hơn những lời mắng mỏ đanh ác. Và biết đâu, bài học sẽ được nhớ đến, nghiền ngẫm lâu hơn trong cảm giác khó chịu ấy.