Tại Premier League hiện nay, đội nào cũng có thể đánh bại đội nào, chẳng ai ngán ai. Khái niệm Big Four rồi Big Five không còn mang tính phổ quát. Cứ nhìn vào BXH sau 11 vòng. Trong Top 5, có đến 3 gương mặt nhỏ bé là Southampton, Swansea, West Ham. Những CLB này khó giữ vị trí trong nhóm đầu cho đến khi kết thúc mùa giải, nhưng khi họ sa sút thì các đội bóng khiêm tốn khác sẽ có dịp vươn lên.
Bộ mặt chung của bóng đá Anh hiện nay là điều mà cây bút nổi tiếng người Mỹ Rick Reilly từng viết: “Tính công bằng trong thể thao”. Đó vốn là điều lạ lùng, rất mới trong bóng đá Anh.
Cứ nhìn vào Premier League nói riêng và bóng đá châu Âu nói chung, ai cũng thấy sự bất cập dẫn đến hố sâu ngăn cách giữa giàu và nghèo. Một đội nhà giàu thâu tóm hầu hết ngôi sao, giá trị một cầu thủ có khi còn cao hơn ngân sách hoặc tổng giá trị của một CLB khác. Trong thể thao Mỹ, tính công bằng được thể hiện rất rõ, và đó chính là yếu tố quyết định làm nên sức hấp dẫn của thể thao Mỹ với 4 môn chủ đạo là bóng bầu dục (hay còn gọi là bóng đá kiểu Mỹ), bóng rổ, bóng chày, hockey.
Những đội như M.U sẽ không bao giờ nghèo
Những đội như M.U sẽ không bao giờ nghèo
Mọi giải chuyên nghiệp Mỹ đều quy định mức lương trần, sức mạnh tài chính của mọi CLB đều gần như nhau, các quy định về chuyển nhượng rất chặt và khoa học, hợp lý nhằm đảm bảo tính cạnh tranh cao nhất. Nhờ đó, mọi CLB đều mạnh gần như ngang nhau, đội nào cũng đủ khả năng mua ngôi sao, vấn đề còn lại (và cốt lõi nhất) là chất xám, chiến lược dài hạn, tầm nhìn và một chút may mắn.
Vì thế, những năm gần đây mới xảy ra hiện tượng Boston Celtics mùa trước đứng chót mùa sau lập tức vô địch bóng rổ quốc gia NBA 2009 nhờ chiêu mộ Garnett – Allen hợp cùng Paul Pierce lập thành bộ ba cực kỳ hiệu quả. Trong môn bóng chày, đội Red Sox (chủ tịch chính là John Henry, ông chủ của Liverpool) năm 2012 đứng chót, năm 2013 vô địch quốc gia MLB, năm 2014 trở lại… đứng chót.
Thể thao với người Mỹ không chỉ là thể thao mà còn là ngành kinh doanh và bộ mặt xã hội. Reilly viết: “Người Anh và Mỹ là đồng minh, nhưng có một khác biệt cơ bản trong thể thao. Người Mỹ chọn cách công bằng thể thao nhưng chưa công bằng trong xã hội, ngược lại là người Anh. Nếu được chọn, tôi sẽ chọn là người Anh, vì suy cho cùng thể thao chỉ là một phần của cuộc sống”.
Đội bóng nhỏ như Sunderland vẫn có thể đương đầu với Man City
Reilly đã “giải nghệ”, nếu không ông sẽ rất hứng thú theo dõi
Premier League. Xã hội Anh vẫn công bằng tiến bộ nhất nhì thế giới, còn
bóng đá Anh vô tình cũng mang tính cạnh tranh và công bằng cao vì các
đội bóng giàu có gặp rất nhiều khó khăn. Arsenal, M.U, Liverpool,
Tottenham, Newcastle, Everton xếp ngoài Top 5, các đội này cần nỗ lực
lớn mới có hy vọng chen chân vào nhóm đầu Premier League.
Chẳng
biết từ bao giờ, những đội bóng khiêm tốn như Crystal Palace,
Sunderland, West Brom cũng được quyền ước mơ. Bóng đá vốn mang tính đại
chúng cao lại càng được hâm mộ hơn ở Anh vì một điều hợp lòng dân: nhiều
CLB ở nhiều địa phương, vùng miền khác nhau có hy vọng đổi đời, thay vì
trước đây chỉ có một nhóm nhỏ có khả năng và đặc quyền đè đầu cưỡi cổ
thiên hạ.
Các CLB Anh không hay ở Champions League là một câu chuyện khác, trong khi câu chuyện ở Premier League là cứ vào mỗi cuối tuần, cả nước Anh lại rộn ràng, háo hức vì môn thể thao vua.