Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Một thập kỷ lao dốc của Arsenal vì 'phản bội chính mình'
13:55 ngày 30/08/2019
Thất bại bẽ bàng trước Liverpool phơi bày tất cả điểm yếu cố hữu của Arsenal từ trước đến nay. Đó không đơn thuần là vấn đề chuyên môn, khi Arsenal đang phải trả giá vì sai lầm của lịch sử trong hướng phát triển mà Wenger vạch ra kể từ khi “chuyển nhà” về Emirates.

    “Xấu xí” là chìa khóa thành công

    Juergen Klopp nói rằng ông bất ngờ vì cách tiếp cận của Arsenal. Liverpool giành quyền chủ động trên sân nhưng luôn bố trí đội hình rất chặt chẽ, không có dù chỉ một kẽ hở cho đối phương khai thác. Trái lại, Arsenal thi đấu đầy ngây thơ, dâng cao rồi để lộ những khoảng trống mênh mông ở phía sau.

    Nếu cứ chơi bóng ngây thơ như khi gặp Liverpool, Arsenal sẽ lại phải ôm hận khi gặp Tottenham cuối tuần này. Nhưng dường như đó là một thất bại được báo trước, bởi “mơ ngủ” là đặc tính thường thấy ở những trung vệ của Arsenal nhiều năm qua. Thay vì chiêu mộ một trung vệ giàu sức chiến đấu, chơi bóng mạnh mẽ và chắc chắn, họ lại đưa về David Luiz - vừa luống tuổi, lại thường xuyên mắc sai lầm ngớ ngẩn.

    Chính Luiz đã trực tiếp khiến Arsenal phải nhận 2 bàn thua trước Liverpool, và điều tương tự có thể lặp lại khi anh tiếp tục vào sân. Nhưng trong trường hợp để Luiz ngồi ngoài, Arsenal cũng không có lựa chọn nào khả dĩ hơn cả. Họ chia tay Koscielny, cô lập Mustafi để rồi giới thiệu một David Luiz mắc bệnh tâm lý tương tự. 

    Một nhóm CĐV trung thành với CLB nhận định lẽ ra Arsenal phải mời Benitez làm HLV trưởng chứ không phải Emery, mẫu HLV luôn ám ảnh với ý niệm về thứ bóng đá “vui mắt” giàu tính giải trí.

    Từ Wenger cho đến Emery có điểm chung là đều thỏa mãn với thành tích trung bình của Pháo thủ
    Từ Wenger cho đến Emery có điểm chung là đều thỏa mãn với thành tích trung bình của Pháo thủ

    Sir Alex Ferguson thừa nhận trong gần 3 thập niên làm việc tại M.U, chỉ có Wenger và Mourinho mới gây cho ông khó khăn nhiều hơn Benitez. Điểm thú vị là giai đoạn thống trị của cả 3 HLV này đều gắn liền với một hàng thủ được tổ chức bài bản, chặt chẽ. 

    Jose Mourinho đến Anh mang theo sơ đồ 4-3-3 trứ danh từng giúp ông giành Champions League cùng Porto. Benitez có Alonso và Mascherano hỗ trợ phòng ngự ngay từ giữa sân. Ngay cả Arsene Wenger trong mùa giải bất bại cũng sở hữu những cầu thủ phòng ngự xuất sắc.

    Mọi người thường nói Arsenal là đội bóng đá đẹp, nhưng thực tế thời kỳ hoàng kim của họ lại gắn liền với những gã khổng lồ thô kệch xù xì. Ngày Wenger đến Arsenal, ông mang theo một tiền vệ chơi bóng băm bổ và ngổ ngáo có tên Patrick Vieira. 

    Tiền vệ này nhập đội cùng những gã Ăng-lê thô kệch ở Arsenal như Nigel Winterburn, Tony Adams, Martin Keown và Ray Parlour để trở thành một đội bóng sẵn sàng ngáng đường mọi đối thủ. Premier League những năm đầu thế kỷ 21, Arsenal là đối trọng duy nhất đủ sức ngăn cản M.U.

    Những năm tiếp theo, Wenger tiếp tục duy trì chính sách chiêu mộ những cầu thủ có lối chơi thực dụng. Họ không hoa mỹ, nhưng giàu sức chiến đấu và ai cũng sẵn sàng đứng ra làm thủ lĩnh tinh thần cho toàn đội. Sylvain Wiltord, Sol Campbell và Kolo Toure là những ví dụ tiêu biểu nhất. Toure còn tiết lộ anh từng đốn ngã cả Wenger trong buổi thử việc, và đó là lý do để Giáo sư chiêu mộ anh!

    Thất bại mới nhất trước Liverpool đã phơi bày một Arsenal không thủ lĩnh
    Thất bại mới nhất trước Liverpool đã phơi bày một Arsenal không thủ lĩnh

    Thất bại vì từ bỏ bản chất

    Chu kỳ thành công của Arsenal chấm dứt trùng với thời điểm họ bỏ sân bóng cũ Highbury để chuyển sang Emirates. Thật kỳ lạ, đó cũng là lúc Wenger thay đổi triết lý của mình. 

    Những con người vang bóng một thời như Vieira, Campbell dần ra đi và Wenger quyết định “thay máu” đội hình, xây dưng đội bóng xoay quanh những cá tính hoàn toàn đối nghịch. Người ông chọn lại là Fabregas, một tiền vệ mỏng cơm từ La Masia, thích kiểm soát bóng hơn tranh chấp tay đôi.

    Sau Fabregas, Wenger tiếp tục đôn một loạt cầu thủ trẻ lên đội một. Điểm chung của họ là thiên về tốc độ, kỹ thuật, nhưng lại có thể hình thấp bé và ngại va chạm. Walcott, Hleb, rồi Arshavin và Podolski được đưa về càng khẳng định rõ ràng hơn triết lý mới của Wenger. Giữa một đội hình trẻ măng như thế, Wenger chọn Fabregas làm thủ quân, vốn chưa có bất kỳ danh hiệu gì và sở hữu tính cách nhút nhát rụt rè. Đó cũng là lúc Arsenal dần thua sút những đối thủ còn lại.

    Từ vị trí đội bóng cạnh tranh trực tiếp chức vô địch với M.U (sau này có thêm Chelsea), Arsenal bắt đầu tụt lại phía sau. Minh chứng rõ ràng nhất về sự yếu kém của Arsenal đến vào ngày họ gặp M.U tại bán kết Champions League mùa 2008/09. 

    Ở trận lượt đi, Arsenal ôm hận vì John O’Shea, anh chàng bị Wenger chê là “vụng về và hậu đậu” khi cầu thủ đa năng người Ireland dâng cao chơi như tiền đạo. Đến trận lượt về, M.U vùi dập Arsenal 3-1 trên Old Trafford. Sau này Arsenal còn nhận thêm nhiều thất bại đau đớn trước M.U như trận thua 2-8, và còn thua khi Sir Alex tung ra đến... 7 hậu vệ trong đội hình xuất phát.

    Chính các cầu thủ Arsenal cũng trở thành nạn nhân của văn hóa “yếu mềm” Wenger hướng tới. Họ dễ thỏa mãn và hài lòng với thành tích yếu kém của mình. Mùa 2011/12, trong khi toàn đội M.U gục đầu thất vọng vì chỉ giành được ngôi Á quân, Arsenal lại ăn mừng tưng bừng trong phòng thay đồ vì cán đích... trong Top 4. 

    Những năm tiếp theo, Top 4 trở thành mục tiêu lớn của Arsenal, để đến bây giờ thậm chí phải xuống chơi ở đấu trường hạng hai Europa League.

    Những công nhân bị bỏ quên
    Wenger từng có cơ hội chiêu mộ nhiều cầu thủ có lối chơi tương tự Sol Campbell và Vieira như Gary Cahill, Phil Jagielka, Scott Parker và Brede Hangeland. Ưu điểm của họ là trưởng thành ở Premier League và sở hữu sức chiến đấu cao. Có điều, Wenger lại gạt qua những tài năng này và cố gắng theo đuổi triết lý mới.

    Wenger đi ngược xu thế 
    Giỏi chuyên môn không phải tiêu chí tiên quyết tạo nên một thủ lĩnh. Wenger chọn Fabregas làm đội trưởng năm 22 tuổi. Ở tuổi đó Messi, Rooney đều không nằm trong danh sách đeo băng thủ quân dù chẳng ai phủ nhận năng lực bóng đá của họ. Sir Alex từng nói trên The Times, để Rooney đeo băng thủ quân sớm sẽ làm hại sự nghiệp của anh.

    Tony Adams và David Luiz - hai phẩm chất đối lập
    Thời còn thi đấu, Tony Adams không chỉ là thủ lĩnh ở Arsenal mà còn là đội trưởng ĐT Anh. Sir Alex thán phục ông bởi Adams không phải người có tài năng bẩm sinh nhưng rất chuyên cần tập luyện để vươn tới đẳng cấp hàng đầu. Trái ngược với Adams, Luiz thuộc mẫu cầu thủ chểnh mảng tập luyện, giỏi chiêu trò mánh khóe. Đó là lý do anh liên tục mắc sai lầm giống nhau hết trận này đến trận khác.
    Cẩm Chi • 13:55 ngày 30/08/2019

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay