Van Gaal là một HLV tập trung vào chi tiết và tin rằng những khác biệt nhỏ sẽ tạo nên sự khác biệt ở những trận đấu lớn. Tại Man United, ông bị ám ảnh bởi việc chuẩn bị bữa ăn cho các cầu thủ. Ở Ajax những năm 1990, ông cấm báo chí tới sân tập. Ở Barcelona vài năm sau đó, tới lượt điện thoại di động bị cấm.
Nhưng có kẻ đấm thì phải có người xoa và trong những năm đầu của ông ở Nou Camp từ 1997 tới 2000, người xoa là Mourinho. Cựu tiền vệ cánh Barcelona Simao, được Van Gaal đưa về năm 1999, nhớ lại: “Van Gaal sẽ nổi điên vì bất cứ chuyện gì, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu. Ông ấy đòi hỏi rất cao, cấm điện thoại di động và bạn phải rất để ý tới chuyện đó. Mourinho thì khác. Ông ấy thoải mái, thích đùa cợt. Vào buổi sáng ông ấy sẽ đưa báo cho tôi và nói chuyện tin tức. Ông ấy là người dễ gần”.
17 năm trước, danh tiếng của Van Gaal đang ở đỉnh cao. Ông vừa giành Champions League với Ajax và đã có 2 danh hiệu La Liga cùng Barcelona. Trong khi đó, Mourinho ở giữa tuổi 30 và là “trợ lý số 3” của Van Gaal. Ông làm phiên dịch và phụ trách việc tìm hiểu đối thủ cho người tiền nhiệm của Van Gaal, Sir Bobby Robson, và được HLV người Hà Lan chỉ định theo dõi các phiên tập cũng như trao đổi với đội bóng vào những ngày diễn ra trận đấu.
Ở Sitges, một khu nghỉ dưỡng thượng lưu cách Barcelona 40 km về phía tây nam, họ sống cách nhau chỉ khoảng 15 mét trong cùng một khu căn hộ. Họ hay gặp nhau ở bàn ăn để nói chuyện bóng đá.
Chủ nhật này, họ sẽ lại cách nhau 15 mét, với tư cách những HLV của Manchester United và Chelsea, bên ngoài khu vực kỹ thuật của Old Trafford. Để hiểu được mối quan hệ bền vững giữa họ, chúng ta cần trở lại khách sạn Savoy tại London vào ngày trao các giải thưởng của Hiệp hội phóng viên bóng đá Anh, khi Mourinho được vinh danh ngày 19/1 vừa rồi.
Van Gaal, đang chuẩn bị cho World Cup với ĐT Hà Lan, có mặt với tư cách khách mời danh dự. Khi nhận giải, Mourinho nói: “Tôi phải cảm ơn các trợ lý của tôi, các cầu thủ và ngài Van Gaal và ngài Robson, hai sếp cũ của tôi”. Đáp lại, Van Gaal nói: “Tôi luôn bị người ta tô vẽ là một kẻ kiêu ngạo, nhưng giờ tôi khiêm tốn, vì giờ thì cậu ấy giỏi hơn tôi”.
Những lời đẹp đẽ đó tất nhiên không làm giảm đi kịch tính của trận đấu lớn. Van Gaal khi đó đang xem xét một đề nghị của Tottenham để tới với Premier League lần đầu, với sự khích lệ lớn từ Mourinho. “Tôi đã hối thúc ông ấy quyết liệt”, Mourinho nói. “Tôi nói với ông ấy rằng ông ấy sẽ thích ở đây. Bóng đá Anh hợp với khả năng tổ chức của ông ấy”. Nhưng Tottenham không đạt được mục đích. Vụ sa thải David Moyes vào tháng 4 khiến CLB London phải nhường đường cho Man United khi Van Gaal nhận được một đề nghị mà ông sẽ khó có lần thứ hai trong nghiệp huấn luyện không còn nhiều thời gian của mình.
Chủ nhật này, ông sẽ đối mặt Mourinho trong giai đoạn mở màn của một cuộc chuyển giao khó khăn tại Man United: họ đang kém đối thủ 10 điểm, tình hình đã đảo ngược so với lần đầu họ gặp nhau ở TBN năm 1997. Quan hệ giữa Robson và Mourinho là điều nhiều người biết, nhưng ít ai biết rằng Van Gaal, giống như Robson, là người duy nhất trong BHL Barca muốn giữ tay phiên dịch người BĐN lại.
“Tôi nghĩ mình là người duy nhất ở đó tin ở Jose”, Van Gaal nói. “Khi Bobby ra đi, Mourinho rất tức giận. Vị trí của cậu ấy lung lay. Nhưng tôi ấn tượng với tính cách của cậu ấy, nên để cậu ấy tiếp tục, ban đầu là 1 năm. Khi tôi thông báo với CLB cậu ấy sẽ ở lại, họ tỏ ra không hài lòng. Ban đầu cậu ấy chỉ là một người phiên dịch, nhưng dần cậu ấy trở thành một trong những trợ lý quan trọng của tôi. Chúng tôi cùng nhau trao đổi nhiều về chiến thuật. Lúc đó tôi đã thấy cậu ấy có đủ năng lực để trở thành một HLV”.
Trong năm thứ 2 của Van Gaal, Mourinho đạt được bước tiến lớn, trở thành một HLV của đội 1. Cuốn tự truyện rất hay do Patrick Barclay chấp bút: “Mourinho: Anatomy of a Winner” tiết lộ nhiều điều thú vị. Cựu giám đốc kỹ thuật của UEFA Andy Roxburgh nhớ lại chuyến thăm của ông tới Catalan: “Jose đã học hỏi được rất nhiều từ Bobby Robson. Rồi sau đó Louis van Gaal, với cách làm việc hoàn toàn khác, tổ chức kỹ lưỡng. Jose lại nhận được những trải nghiệm mới hoàn toàn. Ông ấy còn được giao nắm một số trận của đội 1. Vào giờ nghỉ, Louis sẽ vào phòng thay đồ, không phải để trao đổi với các cầu thủ, mà để nghe Jose nói gì. Sau đó họ sẽ trao đổi với nhau. Jose từng có lúc thực sự dẫn dắt Barcelona, một trường học HLV tuyệt vời”.
Những điểm giống nhau giữa Van Gaal và Mourinho là rất đáng kinh ngạc, dù triết lý bóng đá của họ có thể khác nhau. Cả hai đều không thành công khi là cầu thủ và đều xuất thân là giáo viên. Van Gaal cũng là người biết rõ một trợ lý HLV có thể tiến xa ra sao nếu đủ nỗ lực: ông từng đóng vai trò đó khi 35 tuổi dưới quyền Hans Eijkenbroek ở AZ Alkmaar, rồi Leo Beenhakker ở Ajax năm 1990.
Và ngay cả trong triết lý, không phải là họ khác nhau hoàn toàn. “Cá nhân cầu thủ chẳng là gì, đội bóng là tất cả”, Van Gaal vẫn nói thế. Mourinho chắc chắn cũng tin điều đó. Ở Barcelona, Mourinho học những bài học đầu tiên về nghề HLV. Một ví dụ, ông được chứng kiến cách Van Gaal xử lý ngôi sao bất trị nhưng rất tài năng người Brazil Rivaldo: đẩy anh ra cánh, rồi bỏ rơi luôn cầu thủ này.
Mới mùa hè rồi tại Chelsea, Mourinho cho thấy sự cứng rắn tương tự khi đề nghị Frank Lampard rời Stamford Bridge và ngay trước đó bán Cầu thủ xuất sắc nhất mùa của CLB Juan Mata cho Man United. “Mourinho muốn biết rõ mọi thứ đang diễn ra thế nào”, hậu vệ Michael Reiziger nhớ lại. “Các cầu thủ thích điều đó, nhưng Van Gaal thì không chắc. Họ đều muốn là người nói nhiều nhất”.
Van Gaal tổng kết về mối quan hệ của họ: “Cậu ấy là một chàng trai trẻ ngông cuồng không coi trọng người trên, nhưng tôi thích điều đó. Cậu ấy không hùa theo mà thường xuyên nói ngược ý tôi khi cậu ấy nghĩ tôi sai. Nhưng rốt cuộc đó là những gì tôi muốn nghe, và tôi đã lắng nghe cậu ấy nhiều hơn hẳn các trợ lý khác của mình”.