Định mệnh của Radamel Falcao là phải theo nghiệp cầu thủ. Anh được đặt tên theo một danh thủ Brazil từng tỏa sáng tại World Cup 1982, và là con trai của một cựu cầu thủ người Colombia.
Ông Radamel có ảnh hưởng rất lớn tới phong cách thi đấu của cậu con trai. Bản thân là hậu vệ, nhưng ông lại hướng con chơi tiền đạo, đồng thời luyện cho chàng trai Falcao một tinh thần quả cảm, cống hiến và chuyên nghiệp.
Cũng chính Radamel là người đã quyết định bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp của Falcao, với mức lương 50 bảng/tuần, qua đó anh khởi nghiệp trong màu áo đội bóng hạng nhì Colombia ở độ tuổi 13. Đó là kỷ lục về cầu thủ trẻ nhất thi đấu chuyên nghiệp ở quốc gia Nam Mỹ mà chưa một ai phá được.
Kể từ đây, Falcao nhanh chóng phát triển và trở thành một trong những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới, người đang gánh trọng trách vực dậy một M.U trong quá trình chuyển giao.
15 năm sau ngày ra mắt, “Mãnh hổ” đã vươn tới đỉnh cao sự nghiệp. HLV Louis van Gaal đưa anh về Old Trafford trong ngày chuyển nhượng Hè cuối cùng từ Monaco theo dạng mượn. Lối chơi đầy thể lực và tốc độ của Premier League sẽ là thử thách lớn nhất với Falcao, nhưng anh cũng biết rằng sau lưng mình luôn là sự ủng hộ từ người cha già Radamel.
Ngồi trong quán bar mới mở do mình sở hữu tại phía Bắc Bogota, thủ đô Colombia, ông Radamel tiết lộ rằng gia đình ông có gốc gác từ nước Anh, một điều mà ít ai biết đến, ngay cả với truyền thông Colombia. Bởi cha con Falcao đều sinh ra tại Santa Marta, cũng chính là nơi huyền thoại đồng hương Carlos Valderrama ra đời.
“Tôi tự hào vì có dòng máu Anh trong người”, Radamel nói sau bữa trưa tại quán bar La Cueva del Tigre (Hang hùm). “Ông của tôi là người Anh và cũng là một vận động viên”.
Mặc dù vậy, ông không nói sõi tiếng Anh cho lắm. Radamel kể lại người ông của mình, vốn là một chàng trai Yorkshire, đã đến Colombia trong thời kháng chiến, rồi gặp gỡ và yêu một cô gái địa phương để rồi 5 đứa con đã ra đời. Một trong số đó có bà của Falcao, Denis.
Trải qua một vài thập kỷ, gia đình gốc Anh ấy đã tìm đến đại sứ quán Anh để cố gắng xin hộ chiếu nước này cho cậu bé Falcao. “Khi ấy nó mới 13 tuổi. Tôi đã tới đại sứ quán vì nghĩ rằng tấm hộ chiếu Anh có thể giúp nó tới châu Âu thi đấu trong tương lai. Thật không may, chúng tôi bị từ chối”, ông Radamel tiếp tục câu chuyện.
Theo nhà chức trách, mối liên hệ từ đời… cụ George King cho tới gia đình Garcia hiện tại và cậu nhóc Falcao là quá xa để có thể được cấp quyền công dân Anh quốc. Như thế, cơ hội thi đấu cho ĐT Anh của tiền đạo “nhí” này cũng không còn.
Vào năm 1932, ở thị trấn nhỏ Burn nằm phía Bắc Yorkshire, một chàng trai trẻ đã cùng người vợ đang mang thai thu xếp hành lý để hướng tới cuộc sống mới tại Nam Mỹ. Chàng trai ấy có tên là George King, cụ của Falcao.
George đã nhận một công việc kế toán ở miền Bắc Colombia. Với một cặp đôi trẻ tuổi đã lớn lên giữa sự kinh hoàng do cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất gây nên cùng hệ quả là nền kinh tế suy thoái Anh quốc những năm 1920, đây rõ ràng là cơ hội cho một cuộc đời hoàn toàn mới bên ngoài châu Âu.
Nhưng cuộc đời không êm đềm như đôi trẻ chờ đợi. Ngay sau khi vừa ổn định cuộc sống tại xứ sở mới, vợ của George qua đời trong lúc sinh nở. Chán nản, nhưng cũng không thể trở lại châu Âu đang đầy khói lửa chiến tranh, George vẫn ở lại Colombia và chú tâm vào công việc để quên đi mất mát.
Làm việc trong một chi nhánh của công ty trái cây có chủ sở hữu là người Mỹ, George nhanh chóng trở thành nhân vật quan trọng, có vai vế. Tuy nhiên, vào năm 1928, các công nhân ở đồn điền chuối nơi George chịu trách nhiệm đã đình công phản đối chế độ làm việc như nô lệ. Chính phủ quyết định cử quân đội tới dẹp loạn, gây nên một cuộc tàn sát với xấp xỉ 2.000 người mất mạng.
Niềm vui sau đó trở lại với chàng trai người Anh, khi anh tình cờ quen và đem lòng yêu một cô gái bản địa tên là Juliana. Họ đã có với nhau 5 người con: Jack, Roy, Carlos, Telma và Denis – chính là bà của Falcao.
Giờ đây ở độ tuổi 80 và vẫn đang sinh sống tại thành phố nơi cháu trai đã sinh ra, bà Denis kể lại về người cha “điềm tĩnh, uyên bác với giọng nói chậm và rất được tôn trọng”.
Không giống như Falcao, ông King không hề có hứng thú với bóng đá. Ông thích đánh golf hơn, và từng chơi cho đội golf của công ty hoa quả nơi ông làm việc.
Năm 1960, ông King được giao nhiệm vụ giữ tiền cho chi nhánh Frutera Sevilla. “Họ đưa tiền cho ông ấy quản lý, nhưng rồi ông ấy bị cướp số tiền đó và bị giết”, bà Denis ngậm ngùi. Đó là một cái kết bi thảm cho cuộc đời chàng trai Yorkshire chỉ mới tròn 28 tuổi trên đất Nam Mỹ.
Là con của một cầu thủ bóng đá, Falcao phải thường xuyên chuyển chỗ ở theo bố, và điều đó khiến anh đối mặt không ít khó khăn. “Ở Santa Marta, các sân rải đầy đá. Tôi nhớ Falcao thường về nhà với đôi chân đầy máu me vì sút trúng đá hoặc vấp ngã. Nhưng rồi nó mặc kệ và tiếp tục tập trung vào chơi bóng”, ông Radamel nhớ lại.
Những năm đầu gắn bó với trái bóng, Falcao liên tục phải thi đấu với những đứa trẻ lớn tuổi hơn, và phớt lờ đi những vết đau. Điều đó cũng giúp cho tiền đạo này có thêm nghị lực để vượt qua 3 chấn thương đầu gối nghiêm trọng anh gặp phải tại River Plate và Monaco.
Lên 5 tuổi, Falcao đã phải rời bỏ bạn bè để cùng gia đình chuyển sang Venezuela. Nhưng ít ai biết rằng thời kỳ đó, cậu nhóc này từng nghĩ tới một môn thể thao hoàn toàn khác.
“Tôi còn nhớ ngày nó đến gặp tôi với cái mũi chảy máu vì bị bọn trẻ con khác ném bóng vào mặt”, ông Radamel kể. “Nó xin tôi dạy nó chơi bóng chày, môn thể thao hàng đầu của Venezuela. Nó nghĩ điều đó sẽ giúp nó tránh khỏi sự đùa cợt của bạn bè. Ngay đêm đó, chúng tôi bắt đầu tập với cái gậy và quả bóng”.
Falcao sau đó gia nhập một đội bóng chày và anh tỏ ra có khiếu tới mức HLV đội bóng này cầu xin ông Radamel cho phép chú bé tiếp tục phát triển bộ môn này. Nhưng cha của chú bé lại không nghĩ vậy. Ông muốn con trai trở lại với bóng đá, và đưa cả gia đình trở lại Colombia vào năm 1995.
Sau một quãng thời gian thử việc tại 2 đội bóng lớn của Bogota là Santa Fe và Millonarios, Falcao đến tu nghiệp dưới trướng cha mình, lúc đó là HLV đội trẻ của CLB La Gaitana.
Một lần, ông Radamel gặp lại người đồng đội cũ, cựu cầu thủ người Argentina Silvano Espindola, người vừa mở một trường học thể thao dành cho tín đồ đạo Thiên Chúa. “Để là người chiến thắng trên sân cỏ, bạn phải là người chiến thắng cả về nhân cách sống”, đó là triết lý chơi đẹp của trường học này, kết hợp giữa lý thuyết nhà thờ với kỹ năng đá bóng.
Espindola khi ấy đang tìm kiếm một tiền đạo, và ông thử việc Falcao. Sau khi chứng kiến cậu bé thể hiện, ông kinh ngạc nhận xét rằng đó là một tài năng triển vọng nhất kể từ thời Diego Maradona. “Thằng nhóc này là một con quái vật”, Espindola nói. “Chúng tôi đang sở hữu một tài năng thực sự”.
Những năm sau đó, gia đình Garcia phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Falcao thường không có đủ tiền để trả phí đi xe bus tới sân tập, thay vào đó cậu phải đi nhờ xe từ đầu này tới đầu kia thành phố.
Espindola cố gắng thuyết phục Radamel cho Falcao gia nhập đội bóng của ông. “Nó sẽ được học nhiều thứ hơn là chỉ mình bóng đá”, cựu cầu thủ người Argentina thuyết phục, đồng thời cam kết trao cho ông Radamel một vị trí trong ban huấn luyện và lo cho 2 chị gái Melanie và Michelle của Falcao những suất học trong trường học Công giáo.
Cũng nhờ nền tảng giáo dục lý tưởng, Falcao hoàn toàn miễn nhiễm với scandal, những vấn đề từng khiến thế hệ vàng của Colombia ở thập kỷ 90 gặp rắc rối, điển hình là trường hợp của Faustino Asprilla. “Hãy nhìn vào Maradona”, ông Radamel cảnh báo con trai, “đừng theo bước ông ta, nhớ rằng không bao giờ gây gổ với ai và không nói xấu người khác”.
Dù ghi được tới 56 bàn thắng trong năm 1997, nhưng Falcao đã từ chối gia nhập Ajax với mức phí chuyển nhượng 200.000 USD. Lý do là bởi theo ông Radamel, thời điểm đó “vẫn chưa phải lúc thích hợp”.
Đến khi Espindola nhận một chức vụ trong ban huấn luyện một CLB hạng nhì Colombia còn ông Radamel được bổ nhiệm làm trợ lý HLV cho Hernan Pacheco, 2 người bọn họ đã cho Falcao ra mắt.
“Người hùng trong suy nghĩ của Falcao là tiền đạo Martin Palermo của Boca Juniors, người từng bỏ lỡ 3 quả phạt đền trong một trận đấu cho ĐT Argentina”, Pacheco nhớ lại. “Falcao cắt tóc giống như anh ấy, cố gắng bắt chước phong cách của anh ấy. Không hẳn là cách chơi bóng, mà nó học theo tác phong thôi”.
Ngày 29/9/1999, Falcao đã làm nên lịch sử. “Silvano (Espindola) và Hernan đồng ý cho thằng bé vào sân trận gặp Pereira. Nó vào sân trong 20 phút cuối trận và đã nhanh chóng bị phạm lỗi, nhưng nó chỉ đứng lên rồi tiếp tục chơi bóng”, ông Radamel cảm động nói.
“Cậu ấy đã được lôi ra khỏi lớp học vì đài BBC muốn phỏng vấn cậu ấy”, một người bạn thuở nhỏ của Falcao kể lại. Bảy trận sau đó, Falcao đã có được bàn thắng chuyên nghiệp đầu tiên vào lưới El Condor, khi ấy anh mới 14 tuổi. Thế rồi tiền đạo này nói lời chia tay với quê nhà để chuẩn bị chuyển sang chơi cho CLB Velez Sarsfield ở Argentina. Đáng tiếc, thương vụ bị đổ bể vì vấn đề quyền sở hữu cầu thủ. Rốt cuộc, anh gia nhập kình địch của Velez cũng ở thủ đô Buenos Aires, River Plate.
Đó là những năm tháng đầu sự nghiệp của ngôi sao mới tại Old Trafford, người cũng đã kinh qua các giải VĐQG Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp. Ở độ tuổi 28, anh chỉ còn kém thành tích ghi nhiều bàn nhất cho ĐT Colombia mọi thời của Arnoldo Iguaran (25) 6 bàn nữa. Ở cấp độ CLB, “Mãnh hổ” đã ghi hơn 100 bàn kể từ khi chuyển tới châu Âu 5 năm về trước.
Thành tích ghi bàn ấn tượng đó giúp Falcao được đánh giá như một trong những chân sút xuất sắc nhất hành tinh, và trở thành niềm tự hào của ông Radamel. “M.U là bước tiến quan trọng trong sự nghiệp của nó. Đó là niềm mơ ước của tôi, và quả thực giấc mơ đã thành sự thật với cha con chúng tôi”.