Một chương nữa trong cuộc chiến Manchester United - Liverpool sẽ được viết tiếp vào Chủ nhật này. Tuy nhiên, giữa họ không chỉ có thù hận. Nói đúng hơn, vì sự thù hận quá lớn, nó trở thành trận đấu được mong đợi nhất và yêu thích nhất của nhiều CĐV cả hai đội. “Dù không muốn thừa nhận, nhưng thực sự là chúng tôi cần trận đấu giữa M.U và Liverpool. Chúng tôi thích mối thù địch này”, Barney Chilton, tổng biên tập tạp chí của CĐV Man United Red News, nói.
“Vào những năm 1980, đó là trận đấu lớn duy nhất của chúng tôi, là trận đấu mà chúng tôi mong đợi nhất. Giờ dù mọi chuyện đã thay đổi, chúng tôi vẫn thấy bị thu hút nhất bởi trận đấu này. Leeds ư? Tôi muốn họ trở lại Premier League, nhưng chẳng ai thấy nhớ họ. Còn với Liverpool, chúng tôi không muốn họ chơi hay và có thành tích tốt, nhưng vẫn muốn gặp họ 2 lần mỗi mùa”.
“Các CĐV cần những địch thủ lớn, vì điều đó khiến họ cảm thấy mình quan trọng hơn”, Alan Bairner, giáo sư về lý thuyết thể thao và xã hội học tại Đại học Loughborough phân tích. “Nó khiến mọi người cảm thấy tự tin hơn, vì những cảm giác như “họ phải sợ chúng ta” hay “chúng ta mạnh hơn họ”.
Màn khẩu chiến giữa tiền đạo Denis Law (M.U) với trung vệ Ron Yeats (Liverpool) trong trận hòa không bàn thắng giữa 2 đội
“Chúng tôi ghét nhau vì chúng tôi quá giống nhau”, Andy Heaton, biên tập viên ở tạp chí trên mạng của các CĐV Liverpool, The Anfield Wrap, giải thích thêm.
“Chúng tôi ghét M.U thành công, vì chúng tôi từng rất thành công. Người ta từng nói nếu Manchester là trái tìm của miền Tây Bắc, thì Liverpool là buồng phổi. Tôi không cho rằng M.U có thể thành công như thế trong 20 năm qua, hay chúng tôi trong những năm 1970-80 nếu như chúng tôi không là đối thủ của nhau”.
Các CĐV M.U và Liverpool cũng chia sẻ nhiều quan điểm chung về bóng đá Anh: giá vé quá cao và sự không tin tưởng vào những ông chủ ngoại. Với 2 đội bóng không được coi là ứng cử viên vô địch mùa này, cuộc đọ sức vào cuối tuần cũng mang tới cảm giác giải thoát. Họ sẽ không phải quan tâm quá nhiều về vị trí trên bảng xếp hạng, mà chỉ tập trung cho 90 phút ở Old Trafford. Đây là cơ hội để bạn vẫn có thể có một mùa giải thành công, bất chấp những gì diễn ra sau đó.
Sẽ là một trận derby nước Anh đầy cởi mở trên sân Old Trafford
Đó cũng là lý do khiến vé sân khách cho các trận đấu này thường bán hết rất nhanh. Bước sang phòng tuyến của kẻ thù luôn hồi hộp hơn khi bạn tiếp đón họ trên sân nhà. Ra về với một chiến thắng từ sào huyệt của đối phương là điều không gì sánh được. “Kịch bản này sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng nếu M.U rớt hạng thì chúng tôi đương nhiên rất hả hê. Dẫu vậy, tôi sẽ không thích điều đó”, Hearton thừa nhận. “Tôi không muốn họ rớt hạng”.
Cảm xúc của Hearton là một truyền thống đã lâu đời. HLV vĩ đại của M.U - Sir Matt Busby đã làm nên tên tuổi khi còn chơi bóng ở đâu? Anfield. M.U chọn sân nào làm sân nhà khi bị cấm thi đấu ở Old Trafford đầu những năm 1970? Cũng là Anfield.
Một lý do nữa dẫn tới mối kình địch là những trận derby của chính Liverpool và M.U lại không thật sự cân tài cân sức. “Everton và Liverpool là những “đối thủ thân thiện”, các thành viên trong cùng một gia đình có thể ủng hộ cả 2 CLB, cũng không có sự phân tách rõ ràng về mặt địa lý. Do thành tích khiêm tốn của Everton, The Reds cũng cần một đối thủ xứng tầm hơn”, nhà xã hội học bóng đá John Williams, tác giả cuốn sách về lịch sử CLB Liverpool - Red Men nói.
Đã có những cuộc ẩu đả gay gắt giữa những cá nhân trong quá khứ
Tương tự, Williams cho rằng với các CĐV M.U, Manchester City “không phải là một kẻ thách thức thực sự” (cho tới 5-6 năm trở lại đây). “Mối kình địch, vì thế, hình thành như lẽ tất yếu”, Williams nói. “Kẻ thống trị và chinh phục tất cả Liverpool cùng đội bóng nhiều hào quang nhưng ít thành tích M.U. Trận bán kết Cúp FA ở Goodison Park năm 1985 là cột mốc tồi tệ nhất, khi các CĐV Liverpool hô vang những tràng chế giễu M.U liên quan tới thảm họa Munich. Không lâu sau đó, vụ Heysel xảy ra và tới lượt các CĐV M.U trả đũa. Từ đó trở đi, mối kình địch ngày càng leo thang”.
Những chuyển biến trong cán cân lực lượng vào giữa các năm 1990 càng khiến mối thù hằn thêm sâu sắc. Mỗi đội tự nhận họ là kẻ trên tài đối phương. M.U có 20 chức vô địch Anh so với 18 của Liverpool. Liverpool có 5 chức vô địch C1/Champions League so với 3 của M.U. Về tổng số các danh hiệu lớn, tỉ số là rất sít sao: Liverpool 59- M.U 58.
Tính chất đối địch của một trận derby nước Anh vẫn còn nguyên
Khi bóng đá Anh bắt đầu nổi tiếng khắp toàn cầu, mối kình địch nhận thêm động lực mới. “Điều này rất quan trọng, vì chỉ 2 CLB ở Anh là có thương hiệu toàn cầu, dù Premier League đã bước vào năm thứ 23. Đó là Liverpool và M.U. So sánh với các CLB Anh khác, họ vượt xa về tầm ảnh hưởng”, tiến sĩ Richard Elliot, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu bóng đá Lawrie McMenemy ở Đại học Southampton Solent nói.
“Premier League giờ là sản phẩm của truyền thông và dành cho truyền thông. Các đội bóng cạnh tranh để thu hút CĐV trên toàn cầu. Những người hâm mộ khắp thế giới, vì thế, cũng trở thành địch thủ gắn với đội bóng mà họ yêu mến. Những mối kình địch đó giúp thể thao đỉnh cao có sức hút hơn và có tính cạnh tranh hơn. Một phần quan trọng là di sản lịch sử, nhưng truyền thông cũng góp phần thổi phồng mọi chuyện. Mối kình địch lớn luôn là một sản phẩm giải trí tuyệt vời”.
Màn so tài vào Chủ nhật này có thể không phải là trận derby nước Anh hấp dẫn nhất. M.U đã chia tay Sir Alex Ferguson, kẻ thù đáng ghét của Liverpool. Liverpool cũng không còn Rafa Benitez, mục tiêu để các CĐV chế giễu ở Old Trafford. Luis Suarez và Patrice Evra cũng đã ra đi. Nhưng ngay cả như thế, trận đấu giữa M.U và Liverpool vẫn luôn đáng được chờ đợi.