Trong tư cách bình luận viên, Ferdinand và Scholes cứ việc “chém gió” thoải mái. Nhưng hãy lưu ý: họ đều chưa hề, hoặc không biết cách huấn luyện. Họ nói về cái việc mà chính họ không biết hoặc chưa bao giờ làm. Cái điều mà Ferdinand và Scholes không nói, thì lẽ ra họ có thể nói, sẽ thích hợp hơn với tư cách bình luận viên: cú thay người của Mourinho quá thành công!
Juan Mata, cầu thủ vào thay Bailly, chính là người ghi bàn giúp M.U tìm ra ánh sáng cuối đường hầm. Thay cầu thủ ở phút 18 (mà không phải vì chấn thương): đâu là HLV gần nhất mà bạn có thể nhớ, từng hành động quyết đoán như vậy? Bàn quyết định giúp M.U thắng ngược vào cuối trận cũng được ghi bởi một cầu thủ vào sân từ ghế dự bị, Alexis Sanchez.
Trên nguyên tắc, thua trước 2 bàn mà vẫn thắng ngược, trong bóng đá đỉnh cao, thì đấy trước tiên là thành công vang dội của HLV. Đặc biệt hơn, Mourinho phải thực hiện những quyết định táo bạo trong hoàn cảnh ông đang chống chọi áp lực quá nặng nề. Sanchez và cả Anthony Martial - người ghi bàn còn lại cho M.U - đều là những cầu thủ mà báo chí cho là đang “có vấn đề” với Mourinho.
Giới hâm mộ Old Trafford hát vang tên Mourinho khắp các khán đài, sau khi trận đấu kết thúc. Sáng hôm sau, một cuộc trưng cầu ý kiến trên báo mạng cho thấy, 43% số người tham gia đã trả lời “yes” trước câu hỏi: Mourinho có còn là một trong những HLV hay nhất thế giới. Vâng, “có đến” 43%, chứ không phải “chỉ có” 43%. Cần nhớ: người ta từng đưa tin rằng giới lãnh đạo M.U đã quyết định sa thải Mourinho bất chấp kết quả trận gặp Newcastle.
Trong khía cạnh nào đó, Mourinho đã... hết thời từ lâu rồi. Nhưng đấy là sự lạc hậu của “triết lý Mourinho”. Không thể thống trị bóng đá đỉnh cao với một triết lý lạc hậu. Nhưng trong lĩnh vực chiến thuật thuần túy, Mourinho vẫn còn sắc bén. Ông thay người thành công, như đã nêu. Ông “đọc” được tình thế, điều Scott McTominay về đá trung vệ, khai thác kỹ thuật và sự sáng tạo của Mata trong hoàn cảnh Newcastle sẽ thủ nhiều hơn công, kéo lùi đội hình. Chiến thuật (và sự điều chỉnh chiến thuật) hợp lý luôn có khả năng đem về chiến thắng trong một trận đấu bất kỳ: đội yếu thắng đội mạnh, đội bị dẫn điểm thắng ngược... Người ta chỉ biết phê phán M.U chơi như một đội hạng Nhì trong hiệp 1. Chơi quá tồi tệ trong hiệp 1 mà vẫn thắng ngược thì phải khen HLV chứ!
M.U vẫn còn nhiều điều để phải giải quyết, quá rõ ràng. Nhưng không đến nỗi phải “xóa bàn cờ làm lại”. Vấn đề lớn nhất của M.U trong kỷ nguyên “hậu Ferguson” thật ra lại không nằm ở chính họ. Các đội xung quanh, nhất là Manchester City và Liverpool đã tiến quá xa trong khi M.U đứng yên. Về chuyên môn, các đội mạnh khác tiến bộ bằng triết lý. Về tổng quát, họ tiến ở khâu điều hành.
Chuyện điều hành ở M.U đại khái thế này: Phó chủ tịch điều hành Ed Woodward tỏ rõ M.U không cần Giám đốc kỹ thuật. Ông tin vào mô hình “HLV kiêm Giám đốc kỹ thuật”. Mourinho vẫn là “manager”, như Alex Ferguson ngày trước. Nhưng khi Mourinho tự quyết định các hợp đồng chuyển nhượng thì Woodward lại bác yêu cầu. Woodward dùng chiến lược riêng: làm thân với cánh đại diện, nghĩ rằng sẽ thành công trên thị trường chuyển nhượng bằng cách ấy. Nhưng M.U thất bại.
Woodward từng tiết lộ với một nhà báo Anh: bí quyết thành công của ông (trong sự nghiệp, cuộc đời, chứ không phải trong bóng đá) là phải biết rõ giới hạn của mình. Giá như ông quả đang biết rõ giới hạn đó, trong cơn mê đang bao trùm Old Trafford này.
M.U kéo dài chuỗi trận không thắng, Mourinho có bị sa thải? |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |