Tầm ảnh hưởng khủng khiếp
Khi Ibra chia tay Milan để chuyển sang PSG vào năm 2012, nhiều người nghĩ thời của anh đã hết. Bước qua cột mốc 30 tuổi, những tiền đạo sẽ mất đi ít nhiều bản năng sát thủ của mình.
Nhưng bàn thắng mới nhất vào lưới Sunderland ghi nhận pha lập công thứ 250 của Ibra sau tuổi 30. Trước cột mốc đó, thành tích của anh chỉ là 232 bàn. Đó không phải các bàn thắng ở những khu dưỡng già như Trung Quốc hay MLS, nó được thực hiện ở Ligue 1 và Ngoại hạng Anh. Nói không quá, Ibra tham gia vào quá trình chuyển hóa... ngược. Theo lời tự thuật thì đó là "Tôi sinh ra già nhưng sẽ chết trẻ".
Tiếp tục, Ibra đã có 17 bàn tại Ngoại hạng Anh và giúp anh san sẻ vị trí thứ 4 trong danh sách Vua phá lưới với Diego Costa. Giống như pha lập công vào lưới Sunderland, Ibra đã mở tỷ số tới 8 lần. Đóng vai "người phá băng", Ibra nhiều lần tạo nên bước ngoặt của trận đấu. Nếu không có pha xử lý đẳng cấp của lão tướng người Thụy Điển, thế trận bế tắc trước Mèo đen của M.U hẳn phải kéo dài thêm nhiều.
M.U đang sống dựa trên hơi thở của Ibra
Cùng với đó, cú sút từ khoảng cách hơn 20m làm bó tay Jordan Pickford cũng giúp Ibra dẫn đầu danh sách ghi bàn từ ngoài vòng cấm của Ngoại hạng Anh với 4 lần. Trên mọi mặt trận, con số 28 bàn của Ibra khiến người ta choáng váng. Cần nhắc lại, anh đã 35 tuổi 6 tháng. Ở tuổi của mình, Ibra là số 9 hay nhất thế giới? Có lẽ ít người phản đối luận điểm này.
Mâu thuẫn lớn nhất của M.U
Ibra hay nhưng nếu M.U muốn phát triển, liệu có nên tiếp tục dựa dẫm vào anh? Bàn thắng là thước đo lớn nhất của các tiền đạo nhưng cũng là phương thức biện hộ hiệu quả nhất. Chứng kiến Ibra thi đấu trước Sunderland, không nhiều người dám nói anh đã chơi xuất sắc.
Chỉ riêng trong hiệp 1, số lần mất bóng do xử lý hỏng của Ibra là 3 lần. Anh di chuyển không bóng vô cùng hạn chế và nhiều lần làm giảm nhịp độ tấn công. Cái quan trọng nhất là thái độ. Ibra tự cho mình quyền chạy khi nào muốn và hành xử phóng túng không theo bất cứ khuôn phép nào.
Ibra chỉ có thể tự mình tiến bước chứ không phải là cả tập thể
Nhưng mâu thuẫn ở chỗ, Ibra lại ghi bàn, mà lại là bàn mở tỷ số. Ibra làm thế tấn công của M.U trở nên tù túng nhưng M.U lại không thể sống thiếu Ibra. Một vòng tròn bế tắc cứ thế bủa vây Old Trafford. Jose Mourinho đương nhiên nhận ra vấn đề nhưng thử hỏi có chân sút nào khác xử lý hay hơn ở các tình huống quyết định?
Rõ ràng, Ibra là giải pháp ngắn hạn tối ưu nhất, một công cụ hợp lý cho giai đoạn chuyển giao của bất cứ đội bóng nào. Anh luôn hiệu quả cá nhân nhưng sẽ kéo lùi bước phát triển của cả tập thể. Nhất là trong thời đại bóng đá tổng lực lên ngôi, khi mà yêu cầu đa nhiệm được đặt lên hàng đầu, một tiền đạo chỉ biết mỗi ghi bàn là chưa đủ. Có lẽ, một trung phong thuộc thế trước như Ibra sẽ chẳng bao giờ quen được với điều đó và cứ thế, núp trong hào quang quá khứ.