Rẻ mà chất
Jose Mourinho đã từng có câu nói nổi tiếng “Nếu bạn tấn công tốt, bạn chưa chắc thắng. Nếu bạn phòng ngự tốt, bạn sẽ có ít nhất 1 điểm”. Vai trò của các hậu vệ là vậy, lối chơi có thể không đẹp mắt, hoa mỹ, ngăn cản bàn thắng – thứ vốn dĩ làm nên nét đẹp của bóng đá, nhưng bất kỳ đội bóng nào cũng cần có hậu vệ tốt. Những hậu vệ chất lượng là xúc tác đầu tiên để xây dựng nên một đội hình, một lối chơi căn bản, bền vững. Chẳng mấy ai khen cái móng đẹp so với cái nhà, song cái móng mới là thứ được chăm chút nhất.
Mùa giải trước, Chelsea sở hữu đội hình đắt giá bậc nhất Premier League. Họ cũng mang về Cesc Fabregas và Diego Costa, để rồi Mourinho tuyên bố Chelsea đã sẵn sàng để đi “săn” danh hiệu. Quả thật, nhìn vào giá trị chuyển nhượng của những Eden Hazard (32 triệu bảng), Oscar (26 triệu bảng) hay số tiền mà The Blues bỏ ra cho hai ngôi sao tấn công Costa – Fabregas ở hè vừa qua, nhiều người sẽ lầm tưởng sức mạnh của Chelsea nằm cả ở hàng công bạc triệu.
Không. Đó là một sự nhầm lẫn tai hại. Chelsea có chi “bom tiền” cho những tiền vệ, tiền đạo đắt giá thì sức mạnh của họ vẫn dựa trên nền tảng của hàng phòng ngự vững vàng. Hãy nhớ rằng, Cesar Azpilicueta (5,4 triệu bảng), Gary Cahill (5,2 triệu bảng), Ivanovic (8 triệu bảng) cùng John Terry “của nhà trồng được” mới làm nên bản sắc của Chelsea ở mùa giải trước. Bộ tứ vệ có tổng giá trị bằng già nửa số tiền mua Hazard đã giúp đội quân của Mourinho trở thành đội bóng phòng ngự tốt nhất giải. Chelsea không thể vô địch do không giải quyết được các trận cầu nhỏ, trách nhiệm đó phải thuộc về hàng công đắt giá của họ kia.
Azpilicueta và Cahill đang thi đấu xuất sắc tại Chelsea
Đều có giá chuyển nhượng rất “bình dân”, hàng thủ của đội chủ sân Stamford Bridge mùa này tiếp tục “nắm tay nhau” giúp cho Chelsea phòng ngự tốt thứ nhì Premier League, chỉ sau Southampton – đội có hàng thủ còn… rẻ mạt hơn thế. Cái giá mà The Saints đã bỏ ra để sở hữu Toby Alderweired, Jose Fonte, Nathaniel Clyne và Bertrand mùa này chỉ là 1 triệu bảng, bằng… 1 tháng lương của Falcao, và giờ thì những gì họ mang lại là vượt quá sức tưởng tượng. 15 bàn thua/21 vòng đấu, giữ sạch lưới 10 trận, bộ tứ vệ là điểm tựa hoàn hảo để Southampton đang bay cao trên BXH. Nhìn sang đội chủ sân Etihad, Man City cũng có thể tự hào khi họ chỉ mất 5,6 triệu bảng để sở hữu “khiên thép” Vincent Kompany. Arsenal không hề phí 8,5 triệu bảng cho Mertesacker khi cầu thủ này đã trở thành trụ cột không thể thay thế trong hàng phòng ngự Pháo thủ, còn Liverpool quá hài lòng khi họ có Martin Skrtel với chỉ 7,5 triệu bảng.
Không dễ để tìm ra hậu vệ nào chơi xuất sắc trong nửa đầu mùa bóng mà lại có giá quá 10 triệu bảng. Đó thực sự là cái giá rất “hời” cho các đội bóng chủ quản, song có phải cái “hời” ấy khi nào cũng đến không?
Đắt không xắt ra miếng
Kỳ chuyển nhượng hè 2014 chứng kiến bước đột phá trong quyết sách chuyển nhượng của các đội bóng lớn: Những hậu vệ đã được nhìn nhận công bằng hơn với cái giá ngút trời, nhưng thật trớ trêu, khi được gán mác “tân binh đắt giá”, Luis Filipe, Dejan Lovren, Alberto Moreno, Eliaqium Mangala hay Luke Shaw đều chưa đáp ứng được kỳ vọng, số ít còn trở thành… thảm hoạ.
Chelsea mang Luis về sau màn trình diễn ấn tượng của cầu thủ người Brazil ở Atletico Madrid, song bản hợp đồng trị giá 16 triệu bảng không cạnh tranh được với Azpilicueta bên phía cánh trái (dù vị trí sở trường của hậu vệ người TBN ở hành lang phải). Luis mới có 9 trận (5 lần vào sân thay người) và cầu thủ này sẽ còn phải cố gắng rất nhiều.
Luke Shaw chưa chứng minh được giá trị của mình
Dejan Lovren đích thực là “thảm hoạ hàng thủ” của Liverpool. Cựu cầu thủ của Southampton có một cái “nhất”, đó là hậu vệ… mắc nhiều lỗi nhất (4 lỗi) và rốt cục cũng bị Brendan Rodgers đẩy lên ghế dự bị. Alberto Moreno “khấm khá” hơn khi “chỉ” mắc 3 lỗi và vô số tình huống chọn sai vị trí. Rõ ràng, BLĐ Liverpool cần xem lại khoản tiền 35 triệu bảng đã duyệt chi cho bộ đôi này có đúng hay không.
Thành Manchester cũng không khả quan hơn là bao. Eliaquim Mangala được Man City mang về với giá 32 triệu bảng trong bối cảnh đội chủ sân Etihad đang lao đao vì luật cân bằng tài chính, cho thấy họ kỳ vọng ở tài năng trẻ người Pháp đến nhường nào. Vậy mà màn thể hiện của Mangala là quá thất vọng. Cựu hậu vệ Porto tỏ ra là mẫu cầu thủ “khoẻ mà không khôn” khi mắc nhiều sai lầm, khiến cho các CĐV của Man City luôn lo ngay ngáy khi anh phá bóng. Màn trình diễn đáng “điểm âm” của Mangala trong trận đấu với Hull City sẽ còn được nhớ rất lâu. Trong khi đó, Luke Shaw vẫn đang loay hoay chiến đấu cho một suất đá chính trong đội hình của MU. Chấn thương và phong độ sa sút của tài năng trẻ mới 19 tuổi “giúp” con số 33 triệu bảng mà MU phải trả chưa phát huy hiệu quả.
Vì bóng đá là trò chơi tập thể…
…nhất là ở các vị trí hậu vệ. Một hàng thủ tốt không phải là hàng thủ toàn “sao”, mà hàng thủ đó phải được gây dựng bởi những con người đã gắn bó với nhau từ lâu. Điều đó sẽ gây khó dễ cho các hậu vệ tân binh trong việc tìm tiếng nói chung với các đồng đội mới. Hơn nữa, mức giá khủng dành cho những cái tên kể trên là chưa phù hợp với giá trị thực tế của họ, ít nhất ở thời điểm này. Sức ép đó là rất lớn, mà để vượt qua được không phải chuyện một sớm một chiều.