Những ai từng đọc thần thoại Hy Lạp sẽ nhớ đến nhân vật Icarus và câu chuyện mang đầy tính ngụ ngôn của anh. Để thoát khỏi mê cung, cha anh - tức nhà thông thái Daedalus - đã tạo ra một đôi cánh khổng lồ từ sáp và liễu gai. Ông dạy Icarus cách bay, đồng thời căn dặn anh phải tránh xa mặt trời vì sức nóng của nó có thể làm tan chảy sáp.
Nhưng khi đã cất mình lên khỏi mặt đất, Icarus quên khuấy lời cha dặn. Anh bay lên cao, bổ nhào xuống biển rồi lại bay ngược trở lên. Khi đến gần mặt trời, đôi cánh tan chảy, Icarus rơi xuống và chết đuối. Hôm qua, Henry Winter kể lại câu chuyện ấy để nhắc nhở các CĐV Anh: đừng chắp cánh quá sớm cho Kane. Những lời khen ngợi quá đà kia có thể đưa Kane lên tột đỉnh trăng sao, nhưng cũng có thể dìm chết sự nghiệp của chàng trai trẻ.
“Người Ý chơi bóng bằng đầu, người Anh chơi bằng trái tim”, câu nói bất hủ của Gianluca Vialli ngày nào trở lại trước thềm cuộc đấu giữa 2 đội bóng lớn của châu Âu. Người Anh không chỉ chơi với trái tim mà dường như CĐV của họ cũng xem bóng đá với cả trái tim nữa. Họ mù quáng và sẵn sàng đưa ngôi sao của mình lên 9 tầng mây với tốc độ mà không một chiếc phi cơ nào có thể đuổi kịp.
Khi Kane ghi bàn đầu tiên cho đội tuyển Anh cách đây 2 hôm, anh chỉ trẻ hơn 163 ngày tuổi so với Mario Goetze, trong cái ngày mà ngôi sao này ghi bàn mang về chức vô địch World Cup cho đội tuyển Đức. Và hãy xem cách công chúng Anh và Đức tiếp cận 2 vấn đề khác nhau đến như thế nào.
Người Đức khen Goetze, nhưng khen cả Joachim Loew và tập thể tuyệt vời của Mannschaft. Người Anh chỉ nhìn thấy Kane. “79 giây, 3 chạm và 1 câu chuyện thần tiên” là tít của BBC. Louis Tomlinson của nhóm One Direction đánh động 19 triệu fan trên Twitter của anh với hàng Tweet: “Đấy là lý do vì sao bóng đá là một trò chơi tuyệt vời. Hãy mang Harry Kane vào sân!”. Chỉ trong 1 ngày, cái tên Kane đánh bật tất cả những dòng chủ lưu thời sự khác để trở thành chủ đề nổi bật nhất trên các phương tiện truyền thông.
Trong “cơn bão” truyền thông mang tên Kane ấy, rất cần những người như Chris Waddle. Cựu danh thủ Anh này vẫn giữ được sự tỉnh táo khi đưa ra dự báo: “Từ mùa tới, mọi thứ mới bắt đầu với Harry Kane”. Thực vậy, mùa tới các đội bóng sẽ chuẩn bị sách lược đối phó với Kane, các hậu vệ sẽ “chăm sóc” anh nhiều hơn, mức độ kỳ vọng sẽ được nâng cao hơn.
Nhìn vào những gì đã thể hiện trong mùa này, có thể thấy Kane đã ứng xử rất tốt với những lời tán dương và áp lực. Nhưng từ giờ, áp lực sẽ là gấp bội. Kane tỏa sáng ở Tottenham, đấy là chuyện của London, của Premier League. Còn Kane tỏa sáng trong màu áo Tam sư, đấy là chuyện của cả nước Anh.
Có quá nhiều tấm gương để Kane soi vào, từ Wilfried Zaha, Francis Jeffers, Jermaine Pennant cho đến Michael Branch... những người cũng được truyền thông Anh chấp cho đôi cánh của Icarus. Nếu có một ai đó Kane cần học hỏi thì đấy là Michael Owen, người đã tồn tại cực tốt trước những sự tô vẽ của báo giới để rồi vươn lên đẳng cấp hàng đầu thế giới.
Owen sau pha ghi bàn vào lưới Argentina tại World Cup 1998 đã tiếp tục vươn lên và có 40 bàn cho Tam sư. Với Kane, mọi thứ hãy còn quá mới mẻ!