Quy luật muôn thuở: không có cách chơi hay chiến thuật nào là ưu việt đến mức tuyệt đối - bằng không thì bóng đá đã chết vì sự đơn điệu.
Tùy quan điểm, nhưng có lẽ số đông ngày càng tỏ ra chán ngán với cách chơi quá thiên về phòng thủ của Mourinho. Ngay cả các trận giao hữu mùa Hè mà Mourinho cũng phải bày binh bố trận và chọn cách chơi phòng ngự nặng nề, thì còn hy vọng gì cho những ai muốn xem một M.U đẹp đẽ trong mùa bóng mới?
Vấn đề ở đây là Mourinho không có trách nhiệm, không thích, và cũng không được yêu cầu phải xây dựng lối chơi đẹp mắt cho M.U. Ông cũng chưa bao giờ phải hướng đến lối đá thiên về tấn công ở các đội trước của mình - từ Porto đến Chelsea, từ Inter đến Real Madrid. Ông chỉ hướng đến chiến thắng. Vâng, và nếu không thắng thì cũng đừng thua.
Tuổi thanh xuân của Mourinho (sinh năm 1963) chứng kiến 6 trận chung kết liên tiếp với tỷ số 1-0 ở Cúp C1 châu Âu (từ năm 1978 đến năm 1983). Trong suốt 10 năm kế tiếp, cũng có đến 7 lần trận đấu cuối cùng ở Cúp C1 có tỷ số 1-0 hoặc 0-0. Trận chung kết năm 1980 là trận chung kết tẻ nhạt nhất trong lịch sử EURO. Trận chung kết năm 1990 là trận chung kết tẻ nhạt nhất trong lịch sử World Cup. Và đến năm 1994 thì lần đầu tiên trận chung kết World Cup không có bàn thắng.
Tất nhiên, chẳng phải nhân vật bóng đá nào cũng chịu ảnh hưởng bởi quan điểm an toàn là bạn, phải thắng bằng mọi giá, ưu tiên cho phòng ngự như Mourinho. Nhưng, thử nghĩ xem: với một con người luôn so đo thiệt hơn và chỉ cần chiến thắng như Mourinho, làm sao có những lý tưởng hướng đến vẻ đẹp hoặc triết lý tấn công, khi ông trưởng thành trong một thời kỳ bóng đá như vậy.
Mourinho, cũng như Arsene Wenger, Guus Hiddink, Otto Rehhagel, Felipe Scolari, hay bất kỳ nhà cầm quân danh tiếng nào khác, cũng đều có lúc gặp thời và thành công rực rỡ. Gặp những lúc như vậy, chỉ thấy người ta “phong thánh” cho họ, chứ rất ít ai bảo họ thắng nhưng không đẹp (mà dù có nói cũng chẳng ai nghe). Nỗi khổ của Mourinho trong những năm nay là ông đã không còn gặp may nhiều như trước nữa. Từ khi “khắc tinh” Pep Guardiola xuất hiện (và cả thế giới học hỏi, rập khuôn), cách chơi thiên về phòng thủ của Mourinho đã thật sự trở nên khó khăn.
Nhưng bóng đá phòng ngự không chết, và nó độc lập với chuyện Mourinho - ngọn cờ đầu của bóng đá phòng ngự - thường xuyên thất bại. Bồ Đào Nha vô địch EURO 2016 và Pháp vô địch World Cup 2018 bằng con đường tấn công hay phòng ngự?
“Chất phòng ngự” của Mourinho không hề có lỗi, cũng chẳng có gì đáng ghét. Còn nếu M.U thất bại thì đấy chẳng qua là vì Mourinho phòng thủ chưa hoàn hảo mà thôi. Chỉnh sửa như thế nào, cần có thêm chiêu thức nào, thì đấy là việc của Mourinho. Bản thân Mourinho luôn thuận lợi ở chỗ, chỉ có chính ông toàn quyền quyết định mọi chuyện, trong lĩnh vực chuyên môn ở M.U.
Từng dẫn dắt Chelsea trong hai thời kỳ, Mourinho đã hiểu quá rõ ông chủ Roman Abramovich, và ông hẳn cũng đã thấy quá rõ thuận lợi của mình khi dẫn dắt M.U. Những gì vừa được thể hiện trong các trận giao hữu mùa Hè, hoặc trong hai mùa vừa qua, cũng chỉ là bề mặt. Khoan vội nhận định về sự “tan nát” của M.U trong tay Mourinho mùa này.